Các tin tức tại MEDlatec

Thuốc Tramadol - Giúp giảm đau nhanh nhưng có thể gây lệ thuộc

Ngày 11/11/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Thuốc Tramadol có thể giúp người bệnh giảm đau sau 1 tiếng sử dụng. Tuy nhiên, loại thuốc này vẫn có thể gây ra tình trạng lệ thuộc, dễ khiến người dùng gặp phải không ít tác dụng phụ không mong muốn.

1. Thông tin khái quát về Tramadol

Tramadol là một loại thuốc thuộc nhóm thuốc giảm đau tổng hợp, dễ gây tình trạng phụ thuộc như Morphin. Theo đó, Tramadol cùng nhiều hợp chất chuyển hóa của Tramadol có khả năng gắn vào hệ thống thụ thể M tại hệ thống nơron thần kinh giúp giảm khả năng Norepinephrine và Serotonin xâm nhập trở lại, từ đó hỗ trợ giảm đau hiệu quả.

Thuốc Tramadol 50mg 

Hiệu quả giảm đau thường có tác dụng sau 1 tiếng, chậm là sau 2 đến 3 tiếng. Không giống như Morphin, Tramadol không tạo phản ứng giải phóng Histamin, không tác động đến tần số tim cũng như chức năng của thất phải. Ngoài ra, khả năng gây ức chế hô hấp của Tramadol không cao như Morphin. 

2. Công dụng của Tramadol 

Tác dụng chính của Tramadol là giúp giảm đau. Sau khi dùng thuốc 1 tiếng, cơn đau sẽ dần thuyên giảm. Ở một số người, hiệu quả giảm đau đến sau khoảng 2 đến 3 tiếng. 

3. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng Tramadol 

3.1. Chỉ định

Thực tế, Tramadol chủ yếu chỉ định cho người cần giảm đau ở mức độ nặng hoặc mức độ trung bình. Ngay cả khi đã dùng một số loại thuốc giảm đau khác nhưng không hiệu quả hoặc chống chỉ định với những loại thuốc khác, bác sĩ vẫn có thể chỉ định cho người bệnh dùng Tramadol. 

Tramadol giảm đau ở mức độ trung bình cho đến nặng 

3.2. Chống chỉ định 

Mặc dù phạm vi áp dụng khá rộng nhưng không phải đối tượng nào cũng có thể sử dụng Tramadol. Theo đó, trường hợp chống chỉ định với thuốc giảm đau Tramadol bao gồm: 

  • Người bị mẫn cảm với thuốc Tramadol hoặc thuốc thuộc nhóm Opioid. 
  • Người bị ngộ độc cấp tính hoặc sử dụng quá liều những loại thuốc có khả năng ức thế hệ thần kinh. Chẳng hạn như thuốc ngủ, thuốc điều trị tâm thần. 
  • Người bị suy gan nặng. 
  • Người bị suy thận nặng. 
  • Người đang sử dụng thuốc IMAO (dừng dùng thuốc chưa đủ 15 ngày). 
  • Trẻ em chưa đến 15 tuổi. 
  • Phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú. 
  • Người bị động kinh nhưng chưa được kiểm soát triệu chứng bằng cách điều trị. 
  • Người bị lệ thuộc vào Opioid. 

4. Liều dùng và cách dùng Tramadol 

4.1. Liều dùng

4.1.1. Với người đang trong trạng thái đau cấp tính 

Nếu đang trong trạng thái đau cấp tính, người bệnh có thể chỉ định dùng Tramadol 50mg hoặc Tramadol tiêm chậm vào tĩnh mạch, thường là trong 2 đến 3 phút, mỗi mũi tiêm cách nhau từ 4 đến 6 tiếng. 

Người bị đau cấp tính có thể được chỉ định dùng thuốc Tramadol 

Trường hợp dùng viên nén giải phóng, bệnh nhân cần uống 1 đến 2 viên/ngày, liều lượng tối đa không lớn hơn 400mg/ngày. Còn nếu đặt trực tràng, liều dùng tương đương 100mg/lần, áp dụng không quá 4 lần/ngày. 

4.1.2. Với người cần giảm đau sau phẫu thuật

Liều lượng dùng ban đầu vào khoảng 100mg. Sau khoảng 10 đến 20 phút, bệnh nhân tiếp tục bổ sung liều 50mg. Trong 1 tiếng đầu tiên, liều lượng sử dụng tối đa không lớn hơn 250mg. Sau khoảng 4 đến 8 tiếng, bệnh nhân có thể tiếp tục dùng Tramadol với liều lượng tương đương 50mg đến 100mg. Lưu ý, tổng liều dùng không quá 600mg. 

4.1.3. Với người cần giảm đau mạn tính

Người bị đau mãn tính cần phải được thăm khám, kiểm tra mức độ đáp ứng khi dùng Tramadol. Trong đó, liều dùng ban đầu thường là 25mg/ngày. Sau 3 ngày, người bệnh được tăng thêm một liều 25mg/ngày. Sang ngày thứ 4, liều dùng có thể tăng lên 100mg/ngày. 

Nếu thuốc chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, liều dùng thường được điều chỉnh tăng thêm 50mg/ngày cho đến khi đạt liều lượng tối đa 200mg/ngày hoặc hơn. Khi tăng liều từ 50mg lên 100mg/lần, mỗi lần dùng thuốc và cách nhau từ 4 đến 6 tiếng, liều dùng tối đa không lớn hơn 400mg/ngày. 

4.1.4. Với người đang bị suy giảm chức năng gan hoặc thận

Đối tượng này cần giảm liều, đồng thời khoảng cách giữa 2 lần dùng thuốc liên tiếp phải kéo dài hơn những bệnh nhân khác. Trường hợp độ thanh thải Creatinin thấp hơn 30ml/phút, hai lần dùng thuốc phải cách nhau 12 giờ, đồng thời tổng liều dùng tối đa không lớn hơn 200mg/ngày. 

Người bị suy thận nặng không nên dùng Tramadol 

Trường hợp bị suy thận nặng, độ thanh thải Creatinin thấp hơn 10ml/phút, bệnh nhân sẽ không được dùng thuốc giảm đau Tramadol. 

4.2. Cách dùng 

Cách sử dụng Tramadol phụ thuộc vào dạng điều chế cụ thể. Chẳng hạn với Tramadol dạng viên nén, bạn sẽ dùng thuốc theo đường uống. Còn với dạng dung dịch tiêm, bệnh nhân cần được tiêm thuốc bởi nhân viên y tế. 

5. Tác dụng phụ của Tramadol

Giống như nhiều loại thuốc giảm đau khác, Tramadol thường gây ra không ít tác dụng phụ. Cụ thể, bạn hãy tham khảo bảng tổng hợp sau: 

Tác dụng phụ hay gặp Tác dụng phụ ít gặpTác dụng phụ hiếm gặp

- Cơ thể khó chịu. 

- Hay cảm thấy lo lắng. 

- Lú lẫn. 

- Stress. 

- Buồn nôn. 

- Cảm thấy đau tại vùng bụng. 

- Ăn mất ngon. 

- Giấc ngủ bị rối loạn. 

- Trướng bụng. 

- Khó đi ngoài. 

- Bị dị ứng. 

- Bị lệ thuộc vào thuốc. 

- Sốc phản vệ

- Nhịp tim tăng nhanh. 

- Sốc phản vệ, hôn mê. 

- Trí nhớ suy giảm. 

- Tụt huyết áp thể đứng. 

- Nhận thức bị rối loạn. 

- Kém tập trung. 

- Xuất hiện ảo giác. 

- Khó đi tiểu. 

- Kinh nguyệt thay đổi thất thường ở nữ giới. 

- Khó đi tiểu. 

- Cơ thể lên cơn co giật. 

- Nhịp tim và huyết áp rối loạn. 

- Nhồi máu cơ tim. 

- Viêm gan. 

- Nhiệt miệng. 

- Bị đau nửa đầu. 

Tổng hợp tác dụng phụ của thuốc giảm đau Tramadol 

Trường hợp ngừng dùng Tramadol, người bệnh sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng cho thấy cơ thể bị lệ thuộc vào thuốc. Chẳng hạn như lo âu, mất ngủ, stress, dễ bị kích động,... Thậm chí một số người còn bị ảo giác, hoảng loạn, lo âu thái quá. 

6. Lưu ý khi dùng thuốc Tramadol 

6.1. Tương tác của Tramadol với những loại thuốc khác

Tramadol để tương tác với nhiều loại thuốc, nổi bật thời kể đến là: 

  • Carbamazepin khiến khả năng chuyển hóa của Tramadol gia tăng. 
  • Quinidin có thể làm giảm khả năng chuyển hóa cũng như tác dụng của thuốc Tramadol. 
  • Warfarin khi kết hợp cùng Tramadol khiến thời gian Prothrombin bị kéo dài. 
  • Một số loại thuốc như Fluoxetin, Aminotriptylin,... làm giảm tốc độ chuyển hóa của Tramadol. 

Tramadol không nên kết hợp cùng thuốc Fluoxetin

Do vậy, nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh đều phải thông báo cho bác sĩ biết trước khi được kê đơn sử dụng thuốc giảm đau Tramadol. Bởi có nhiều loại thuốc sẽ không thể kết hợp cùng Tramadol. 

6.2. Xử lý khi uống quá liều, quên liều 

Khi dùng quá liều Tramadol, người bệnh có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn. Nếu bị khó thở, ngất đi,... bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Tùy thuộc theo tình trạng ngộ độc khi dùng quá liều Tramadol, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xử lý phù hợp. 

Trường hợp vô tình quên liều, bệnh nhân có thể bỏ qua liều thuốc quên trước đó nếu đã sắp đến lúc phải dùng liều kế tiếp. 

Tramadol mặc dù giúp giảm đau nhanh nhưng lại có nguy cơ gây lệ thuộc. Chính vì vậy, việc sử dụng loại thuốc này cần phải hết sức cẩn trọng.

Lưu ý: Phần hướng dẫn về liều dùng trên đây chỉ có tính chất tham khảo. Chỉ cần dùng quá liều 0.5g đến 1g, tính mạng người bệnh có nguy cơ bị đe dọa. Vì vậy, bạn tuyệt đối không nên tự ý dùng Tramadol nếu chưa tham vấn ý kiến của bác sĩ. 

Tốt nhất nếu đang gặp vấn đề về sức khỏe, bạn không nên dùng thuốc giảm đau tại nhà. Thay vào đó, bạn hãy tìm đến đơn vị y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC để được kiểm tra, điều trị kịp thời. Để đặt lịch khám tại MEDLATEC, Quý khách vui lòng liên hệ theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.