Các tin tức tại MEDlatec
Tin vui cho bệnh nhân viêm gan siêu vi C
Trong nhiều năm trước đây, phác đồ điều trị VGSV C bao gồm một loại thuốc chích Peginterferon phối hợp với một loại thuốc uống Ribavirin. Phác đồ này đã giúp điều trị khỏi cho nhiều bệnh nhân, tuy nhiên thời gian điều trị thường kéo dài (đa số bệnh nhân cần được điều trị trong 12 tháng), nhiều tác dụng phụ như thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, trầm cảm, rối loạn chức năng tuyến giáp… Tỷ lệ khỏi bệnh khoảng 50 – 70% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này.
Vài năm gần đây, một nhóm thuốc mới DAAs (Directly Acting Antivirals) được điều chế để điều trị VGSV C. Từ những thuốc đầu tiên là Telaprevir, Boceprevir được đưa vào sử dụng năm 2011, cho đến rất nhiều loại thuốc mới hiệu quả hơn và ít tác dụng phụ hơn được đưa vào sử dụng trong năm 2013 và 2015 như Sofosbuvir, Simeprevir, Daclatasvir, Ledipasvir… Nhóm thuốc này là đột phá vượt bậc trong điều trị VGSV C vì những lý do sau: tỷ lệ khỏi bệnh cao (thường trên 90% bệnh nhân được điều trị), thời gian điều trị ngắn (phác đồ phối hợp Peginterferon, Ribavirin và Sofosbuvir chỉ cần 12 tuần), thuốc ít tác dụng phụ, và đặc biệt là có thể sử dụng mà không cần phối hợp với thuốc chích Peginterferon (phác đồ 1 viên thuốc duy nhất chứa 2 loại thuốc Sofosbuvir và Ledipasvir, uống mỗi ngày, trong 8 – 12 tuần), và do đó có thể dùng để điều trị cho những bệnh nhân bị chống chỉ định với thuốc chích Peginterferon như người đã xơ gan, người lớn tuổi…
Vấn đề khó khăn là giá cả các thuốc này tại Mỹ rất cao, chi phí điều trị cho một bệnh nhân có thể hơn 100.000 USD. Tuy nhiên, từ cuối năm 2014, Công ty Dược phẩm Gilead (Mỹ) đã cho phép một số công ty dược Ấn Độ sản xuất thuốc Sofosbuvir và gần đây hơn là Sofosbuvir-Ledipasvir cho bệnh nhân ở các nước đang phát triển, với giá rất rẻ (giá thuốc tại Ấn Độ chỉ bằng 1/100 giá thuốc tại Mỹ). Đây là một tin rất vui cho bệnh nhân VGSV C.
Nguồn: doanhnhansaigon.vn
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!