Tin tức

Hướng dẫn cách đo huyết áp tại nhà để chủ động theo dõi, bảo vệ sức khỏe

Ngày 14/01/2025
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Theo dõi chỉ số huyết áp đều đặn giúp phát hiện sớm các vấn đề bất thường, nhất là những người có tiền sử bệnh lý về tim mạch. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đo huyết áp tại nhà đúng cách. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến bạn cách đo huyết áp đúng để chủ động theo dõi sức khỏe tại nhà.

1. Vì sao cần theo dõi chỉ số huyết áp?

Huyết áp là áp lực của mạch máu tác động lên thành mạch. Huyết áp gồm hai chỉ số quan trọng: huyết áp tâm thu (huyết áp khi tim co bóp) và huyết áp tâm trương (huyết áp khi tim thư giãn). Bình thường, chỉ số huyết áp < 120/80 mmHg. Nếu huyết áp quá cao hoặc quá thấp, sẽ tiềm ẩn các nguy cơ xấu cho sức khỏe.

Theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà giúp phát hiện kịp thời tình trạng huyết áp cao hay thấp để kịp thời thăm khám và điều trị. Ngoài ra, khi thực hiện đúng cách đo huyết áp tại nhà, người bệnh cũng có được tâm lý thoải mái, chủ động. Nhờ vậy mà dễ có được kết quả chính xác hơn, tránh được hiện tượng tăng huyết áp tạm thời với hội chứng áo choàng trắng do tâm lý đo huyết áp ở bệnh viện.

Theo dõi huyết áp thường xuyên giúp phát hiện sớm các bất thường sức khỏe tim mạch

Theo dõi huyết áp thường xuyên giúp phát hiện sớm các bất thường sức khỏe tim mạch 

2. Khi tự theo dõi huyết áp tại nhà, đo huyết áp tay nào đúng?

2.1. Nên đo huyết áp tay nào?

Đo huyết áp tay nào đúng là thắc mắc của rất nhiều người khi chủ động theo dõi huyết áp tại nhà. Khi đo huyết áp, bạn có thể đo ở cả hai tay. Tuy nhiên, huyết áp của tay trái và tay phải có sự khác biệt nhỏ tùy thuộc vào các độ lưu thông của mạch máu, yếu tố tâm lý,...

Tay trái là tay thường được khuyến nghị để đo huyết áp, nhất là với người thuận tay phải. Đây là tay ít có khả năng chịu sự tác động của các hoạt động thường ngày nên khi đo chỉ số huyết áp sẽ có tính chính xác cao hơn. 

Trường hợp người thuận tay trái hoặc không thoải mái nếu đo huyết áp ở tay trái thì vẫn có thể đo ở tay phải. 

2.2. Chỉ số huyết áp ở hai tay có sự chênh lệch

Trước khi thực hiện cách đo huyết áp tại nhà, người bệnh cần lưu ý rằng có sự chênh lệch huyết áp giữa hai tay do:

- Chênh lệch về cấu trúc mạch máu: Mỗi tay có kích thước mạch máu và độ đàn hồi khác nhau nên sẽ có sự thay đổi chỉ số huyết áp. 

- Tắc nghẽn hoặc hẹp động mạch: Những vấn đề này có thể khiến một trong hai tay có chỉ số huyết áp thấp hoặc cao hơn so với tay còn lại.

- Căng thẳng hoặc hoạt động: Nếu bạn vừa thực hiện một hoạt động mạnh bằng một tay thì tay đó thường sẽ có chỉ số huyết áp cao hơn so với tay còn lại.

Trường hợp đo huyết áp ở hai tay nhận thấy sự khác biệt lớn (>10mmHg) thì bạn cần theo dõi tình trạng sức khỏe của mình bởi đây có thể là dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại vi, tắc nghẽn mạch máu,... 

Người bệnh có thể đo huyết áp ở bất cứ tay nào khi họ cảm thấy thoải mái

Người bệnh có thể đo huyết áp ở bất cứ tay nào khi họ cảm thấy thoải mái

2.3. Khi nào cần đo huyết áp hai tay?

Việc đo huyết áp ở cả hai tay nên được thực hiện vào lần đo đầu tiên, nhất là người có yếu tố nguy cơ về bệnh tim mạch hoặc bệnh lý liên quan đến huyết áp. Điều này sẽ giúp bạn so sánh và xác định tay nào cho kết quả chính xác hơn.

Nếu đã có những lần đo huyết áp không ổn định hoặc cảm thấy có sự khác biệt đáng kể giữa chỉ số huyết áp ở hai tay, bạn cần đo ở cả hai tay để tìm hiểu nguyên nhân.

3. Cách đo huyết áp tại nhà đúng để theo dõi sức khỏe

Biết cách đo huyết áp tại nhà sẽ giúp bạn yên tâm thu được kết quả đúng nên bạn cần:

3.1. Chuẩn bị trước khi thực hiện các thao tác đo huyết áp

- Chọn lựa máy đo

Hiện nay có hai loại máy đo huyết áp đang được nhiều người dùng tại nhà là máy cơ và máy điện tử:

+ Máy đo huyết áp cơ (đo bằng ống nghe và bóng bóp) có độ chính xác cao nhưng cần có kinh nghiệm sử dụng.

+ Máy đo huyết áp điện tử (máy tự động) thao tác sử dụng đơn giản cho người mới bắt đầu.

Lựa chọn máy đo huyết áp điện tử sẽ phù hợp hơn nếu bạn muốn đo huyết áp tại nhà mà không cần sự hỗ trợ của bác sĩ.

- Thời điểm đo huyết áp

Nên đo huyết áp vào buổi sáng hoặc buổi tối khi cơ thể đang ở trạng thái thư giãn và nên tránh ăn uống hay vận động mạnh trước khi đo huyết áp tối thiểu 30 phút.

- Tư thế đo huyết áp

Trước khi tiến hành các bước thực hiện cách đo huyết áp tại nhà, bạn cần ngồi trong tư thế thoải mái, chân không bắt chéo và tay đặt trên bàn theo hướng ngang với tim. Hãy giữ tâm lý thoải mái, không căng thẳng hay lo lắng khi đo huyết áp vì điều này rất dễ làm sai chỉ số đo được.

Hướng dẫn chi tiết các bước thực hiện cách đo huyết áp tại nhà

Hướng dẫn chi tiết các bước thực hiện cách đo huyết áp tại nhà

3.2. Trình tự thực hiện đo huyết áp tại nhà

Cách đo huyết áp tại nhà diễn ra theo trình tự:

- Đặt vòng bít của máy đo lên vị trí cách phía trên khuỷu tay 2 - 3 cm

- Thực hiện đo huyết áp: 

+ Nếu đo bằng máy cơ cần bóp bóng bóp để thổi phồng vòng bít đến khi không nghe thấy tiếng mạch đập qua tai nghe.

+ Nếu đo bằng máy điện tử, chỉ cần bấm nút khởi động, máy sẽ tự động bơm khí và đo huyết áp.

- Đo lại

Hãy thực hiện 3 lần đo huyết áp liên tiếp, mỗi lần cách nhau 1 - 2 phút để đảm bảo tính chính xác. Kết quả đo sẽ được tính trung bình các lần đo.

- Đọc kết quả đo

Có hai con số hiển thị ở kết quả đo được:

+ Huyết áp tâm thu: Thời điểm tiếng mạch đập đầu tiên xuất hiện khi từ từ xả van khí, chỉ số trên đồng hồ chính là huyết áp tâm thu.

+ Huyết áp tâm trương (số dưới): Thời điểm bắt đầu không nghe thấy tiếng mạch đập khi xả van khí, chỉ số trên đồng hồ chính là huyết áp tâm trương.

Ví dụ giúp hình dung về kết quả đo huyết áp như sau: Nếu kết quả đo là 120/80 mmHg tức là chỉ số huyết áp tâm thu là 120 còn chỉ số huyết áp tâm trương là 80.

3.3. Chú ý trong quá trình đo huyết áp

Để không làm sai lệch chỉ số, trong quá trình đo bạn không nên cử động hay nói chuyện. Bạn nên chọn đo huyết áp vào một thời điểm cố định trong ngày và thực hiện vào khoảng thời gian này cho những ngày sau để có được sự so sánh chính xác.

Nếu huyết áp của bạn liên tục cao hoặc thấp bất thường, hoặc có sự thay đổi mạnh giữa các lần đo thì bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân.

Để kiểm tra huyết áp định kỳ, kịp thời phát hiện và điều trị bệnh lý liên quan, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ