Các tin tức tại MEDlatec

Ung thư khi mang thai: Mức độ ảnh hưởng đến thai kỳ và phương hướng xử trí

Ngày 11/05/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Ung thư khi mang thai khiến mẹ bầu phải trải qua áp lực tâm lý nặng nề hơn nhiều so với bình thường. Quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh cũng trải qua nhiều thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả mẹ và thai nhi. Để hiểu hơn về những ảnh hưởng của ung thư, cách chẩn đoán và xử trí an toàn cho mẹ bầu, bạn đọc có thể tham khảo thông tin được đề cập trong bài viết sau đây.

1. Mắc bệnh ung thư khi mang thai ảnh hưởng gì đến mẹ bầu?

1.1. Các bệnh lý ung thư có thể gặp phải ở thai phụ

ung thư khi mang thai tức là mẹ bầu được chẩn đoán mắc ung thư trong thai kỳ. Tuy không phải là trường hợp dễ gặp nhưng nếu xuất hiện, mẹ bầu có thể mắc phải bệnh lý như: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến giáp, u nguyên bào nuôi do thai nghén,...

Ung thư cổ tử cung là một trong các bệnh lý có thể gặp phải khi mang thai

1.2. Bị ung thư khi mang thai ảnh hưởng gì đến thai phụ?

1.2.1. Ảnh hưởng về sức khỏe

Ung thư khi mang thai khiến cơ thể mẹ bầu suy giảm sức đề kháng, dễ mệt mỏi, chán ăn, sụt cân,... và dễ mắc các bệnh lý khác. Trường hợp bệnh tiến triển nặng, di căn, một số cơ quan có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng như phổi, gan, xương,... tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, xuất huyết, rối loạn chuyển hóa,...

1.2.2. Ảnh hưởng về tinh thần

Bị chẩn đoán ung thư khi mang thai là cú sốc tâm lý lớn với mẹ bầu. Lúc này, mẹ bầu dễ rơi vào trạng thái lo lắng, trầm cảm,... vì nỗi sợ quá trình điều trị sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Đây là lý do khiến cho mẹ bầu cần được đặc biệt quan tâm, điều trị về tâm lý.

2. Ung thư khi mang thai ảnh hưởng gì đến thai nhi?

Mẹ bị ung thư khi mang thai thường phải sinh non để ưu tiên cho quá trình điều trị. Điều này khiến trẻ có nguy cơ đối diện với các vấn đề về hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh.

Trường hợp mẹ bầu điều trị ung thư trong quá trình mang thai, hóa chất có thể truyền qua nhau thai và gây độc, tăng nguy cơ dị tật, thai chậm phát triển, sinh non. Trẻ sinh ra sau khi mẹ điều trị ung thư thường phải theo dõi lâu dài về khả năng phát triển thần kinh, tim mạch, miễn dịch,...

Mẹ bị ung thư khi mang thai khiến thai nhi dễ khiến thai nhi sinh non

3. Ung thư khi mang thai được chẩn đoán bằng phương pháp nào?

Việc thực hiện các biện pháp chẩn đoán ung thư khi mang thai gặp nhiều khó khăn hơn bình thường do tính chất nhạy cảm của thai kỳ. Thông thường, bác sĩ sẽ ưu tiên các phương pháp chẩn đoán như:

- Siêu âm: An toàn cho thai nhi.

- Chụp X quang: Nhiều nghiên cứu cho kết quả rằng cường độ tia xạ của chụp X-quang sử dụng trong chẩn đoán là quá thấp để có thể gây hại tới thai nhi.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scanner) vùng đầu và ngực thường an toàn khi mang thai, bởi thai nhi không bị phơi nhiễm trực tiếp với tia xạ.

- Chụp MRI: Không sử dụng tia xạ, an toàn với thai kỳ.

- Xét nghiệm máu: Một số dấu ấn ung thư có thể tăng trong thai kỳ mà không phải do ung thư, vì vậy bác sĩ sẽ thận trọng trong việc xem xét kết quả xét nghiệm.

- Sinh thiết giải phẫu bệnh: Nếu nghi ngờ mẹ bầu có khối u ác tính, bác sĩ có thể lấy mẫu mô để xét nghiệm giải phẫu bệnh.

Các phương pháp chẩn đoán sau đây sẽ được bác sĩ thận trọng hơn trước khi đưa ra chỉ định:

- Chụp CT-Scanner vùng bụng hoặc chậu hông hoặc chụp PET - CT: Sử dụng tia X không an toàn cho thai nhi. Bác sĩ chỉ tiến hành chẩn đoán hình ảnh này khi thật sự cần thiết và được sự đồng thuận từ bệnh nhân cùng gia đình.

4. Mẹ bầu cần làm gì nếu nhận kết quả xác định ung thư khi mang thai?

Trường hợp đã được chẩn đoán xác định bị ung thư khi mang thai, mẹ bầu sẽ được tư vấn và theo dõi sức khỏe chuyên sâu bởi sự phối hợp của bác sĩ ở nhiều chuyên khoa: ung bướu, sản khoa, nhi khoa và tâm lý. Việc lựa chọn phương án điều trị sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên các yếu tố như: dạng bệnh mắc phải, giai đoạn bệnh, tuổi thai, nguyện vọng của mẹ bầu và gia đình,...

4.1. Điều trị bảo tồn thai kỳ

Nếu thai phụ mắc ung thư ở giai đoạn sớm, có thể trì hoãn điều trị đến sau tam cá nguyệt thứ nhất hoặc thậm chí sau khi sinh. Trong thời gian đó, bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi sát sao bằng các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cần thiết.

Việc điều trị ung thư sẽ được bác sĩ trao đổi với gia đình và cân nhắc để có phương án tốt nhất cho thai kỳ

4.2. Điều trị kết hợp

Nếu cần thiết, mẹ bầu sẽ được chỉ định điều trị hóa trị với liều phù hợp từ tam cá nguyệt thứ hai trở đi. Tuy nhiên, việc lựa chọn thuốc phải rất cẩn trọng và theo dõi thai nhi sát sao để giảm thiểu tối đa nguy hiểm đến quá trình phát triển của thai nhi.

4.3. Chấm dứt thai kỳ 

Trường hợp khối u tiến triển quá nhanh, nguy hiểm đến tính mạng của mẹ bầu hoặc yêu cầu điều trị khẩn cấp, bác sĩ sẽ tư vấn đình chỉ thai kỳ sớm để tập trung điều trị cho mẹ. Đây là quyết định khó khăn, cần được thảo luận để cân nhắc kỹ lưỡng từ phía gia đình với bác sĩ.

4.4. Hỗ trợ điều trị tâm lý và chăm sóc đặc biệt

Thai phụ mắc ung thư cần được chăm sóc toàn diện trên các phương diện: tư vấn tâm lý, điều chỉnh dinh dưỡng để cải thiện đề kháng, tăng cường nghỉ ngơi và tăng tần suất thăm khám thai.

Mẹ bầu phát hiện bị ung thư khi mang thai vẫn có khả năng sinh con an toàn nếu bệnh ở giai đoạn nhẹ và được điều trị tích cực. Tuy nhiên, thời điểm và phương pháp sinh sẽ được quyết định tùy theo tình trạng sức khỏe của mẹ bầu, sự phát triển của thai nhi và loại ung thư mắc phải. Sau khi sinh, mẹ sẽ được tiếp tục quá trình điều trị ung thư.

Thai phụ không nên lo lắng quá mức khi phát hiện ung thư và cũng không nên tự ý quyết định trì hoãn điều trị nếu chưa trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ chuyên khoa. Các trường hợp bị ung thư khi mang thai tuy là thách thức lớn nhưng bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp để bảo vệ cả mẹ và thai nhi. Sự hỗ trợ tâm lý từ gia đình cùng bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp mẹ bầu vượt qua khó khăn và cải thiện hiệu quả điều trị.

Để yên tâm về kết quả sàng lọc, chăm sóc sức khỏe thai kỳ, mẹ bầu có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.