Các tin tức tại MEDlatec

Xử trí khi bị côn trùng cắn, đốt

Ngày 03/12/2010
(SK&ĐS - Khi bị các loại côn trùng muỗi, ong, kiến, nhện, ve, đỉa, vắt, bọ chét, rệp,... cắn, đốt, phản ứng ngoài da thường gặp nhất là tình trạng ngứa ngáy dữ dội nơi bị cắn, nổi hồng ban sưng phù, tróc vẩy, nổi mụn nước, bóng nước và các nốt dạng hạch lympho.

Những vết đốt không nguy hiểm thường giảm và khỏi sau một ngày, nhưng đối với một số côn trùng có nọc độc như ong, kiến, nhện,... có thể đưa đến sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng. Do đó khi bị côn trùng cắn đốt, chúng ta cần biết cách xử lý vết đốt cũng như cách nhận biết các triệu chứng nguy hiểm để đến cơ sở y tế kịp thời.

 

Cách xử trí khi bị một số loại côn trùng cắn, đốt

Ruồi, muỗi, kiến: Những loại côn trùng này, đặc biệt là muỗi khi đốt có thể gây bệnh truyền nhiễm cho người, điển hình là sốt xuất huyết, sốt rét,... và thường gây sẩn ngứa, nổi phồng trên da rất khó chịu. Trước tiên cần sát trùng vết đốt bằng cách rửa kỹ vết đốt bằng xà phòng, sau đó có thể giảm nốt sẩn ngứa bằng cách lấy một cục đá chườm lên da khoảng 5 phút.

Bọ chét, chấy rận, ve chó: Các loại bọ chét, chấy, rận thường sống ký sinh ở trên lông các loại chó, mèo, hoặc trên da đầu. Khi cắn chúng hút máu người gây ngứa ngáy khó chịu. Các loại côn trùng này khi cắn chúng bám rất chắc vào da do đó trước tiên cần bắt chúng kéo từ từ ra khỏi da để răng chúng không sót lại ở chỗ cắn, sau đó rửa sạch vết cắn bằng xà phòng.

Vết bọ chét cắn trên cánh tay.

Sâu róm:

Sâu róm không đốt người nhưng khi chạm phải lông gai của hầu hết các loài sâu róm tiết ra chất làm ngứa rát, mẩn ngứa, nổi mề đay vùng da tiếp xúc. Trước tiên cần lấy que gạt sâu róm ra và rửa sạch da bằng xà phòng, rồi chườm đá giảm sưng ngứa và giảm đau. Tránh gãi nhiều lên vết ngứa vì điều này có thể làm lông và gai đâm sâu vào trong da.

Ong: Nếu bị ong mật đốt, lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra. Sau đó rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần.  Có thể chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.

Nếu bị ong vò vẽ đốt, nọc độc của nó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó ngay sau khi bị đốt cần rửa các vết ong đốt bằng xà phòng hoặc chất kiềm nhẹ rồi chườm lạnh; sau đó chuyển ngay nạn nhân cơ sở y tế để xử trí kịp thời.

Cần chú ý, dù bị bất cứ loại côn trùng nào cắn đốt, ngoài các phản ứng sẩn ngứa, sưng đỏ trên da mà còn có các biểu hiện khác như đau rát nhiều, tổn thương có dấu hiệu nhiễm trùng, khó thở, hoa mắt chóng mặt, sưng môi hoặc họng,... cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.

 

Đề phòng côn trùng cắn, đốt như thế nào?

Để phòng tránh bị các loại côn trùng cắn, đốt, điều quan trọng là phải giữ vệ sinh nhà cửa, môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thông thoáng. Phun thuốc diệt muỗi, côn trùng ở những nơi có cây cối rậm rạp, kênh mương, ao hồ gần khu dân cư.

Khi đi ngủ kể cả ban ngày cần mắc màn tránh muỗi và các loại côn trùng khác. Vào buổi tối ở những nơi gần đồng ruộng hoặc vào mùa mưa, mùa gặt cần đóng các cửa sổ hoặc làm lưới ngăn côn trùng để tránh côn trùng bay vào nhà khi có ánh đèn.

Ở vùng miền núi người dân khi đi rừng cần mặc quần áo dài tay, đội mũ, đi giầy, ủng để tránh bị muỗi, bọ chét, rệp, vắt,... cắn, đốt vào những vùng da bị hở.         

BS. Trọng Nghĩa

 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.