Tin tức
Dinh dưỡng bệnh nhân ung thư đại trực tràng
Bác sĩ Trần Thị Anh Tường, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết, tỷ lệ suy dinh dưỡng của bệnh nhân khi nhập viện khoảng 30-60%. Cũng như mọi bệnh nhân ung thư khác, chỉ định phẫu thuật ung thư đại trực tràng luôn giữ vai trò chính, bác sĩ cắt đoạn ruột có bướu, hạch vùng di căn và các khối di căn gan nếu có.
Tạo hậu môn nhân tạo là điều bất đắc dĩ phải làm cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể phải hóa trị, xạ trị tùy theo giai đoạn bệnh, tùy theo vị trí khối bướu. Hóa trị hay xạ trị có thể mang ý nghĩa hỗ trợ. Sau điều trị bệnh nhân có thể khỏi bệnh và khi đó dinh dưỡng đúng cách sẽ giúp giảm nguy cơ tái phát. Điều trị đôi khi chỉ mang ý nghĩa tạm bợ, chủ yếu giảm triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân. Dinh dưỡng lúc này sẽ giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng sống, tránh khỏi suy mòn sớm.
Tổng thời gian điều trị ung thư đại trực tràng mất ít nhất là 6 tháng. Chắc chắn bệnh nhân sẽ bị suy dinh dưỡng đôi lúc sẽ không hồi phục được nếu không được quan tâm từ ban đầu. Do vậy, tầm soát, đánh giá và can thiệp dinh dưỡng luôn quan trọng nên được thực hiện xuyên suốt từ khi khởi bệnh, trong và sau khi điều trị để bệnh nhân có thể tự chăm sóc dinh dưỡng cho mình một cách tốt nhất.
Bệnh nhân giảm bạch cầu nên tránh ăn thức ăn có nguy cơ nhiễm khuẩn như rau sống, trái cây ăn cả vỏ, phô mai có men vi khuẩn... Ảnh: webmd |
Những vấn đề dinh dưỡng liên quan đến phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhưng mang đến những biến chứng không mong muốn có ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân. Phẫu thuật càng lớn ảnh hưởng càng nhiều.
Đôi khi phẫu thuật không thể lấy đi khối bướu, bác sĩ sẽ thông nối ruột hay mở hậu môn nhân tạo để phòng ngừa tắc ruột sau này. Chế độ ăn của bệnh nhân mở hậu môn không có gì đặc biệt nhưng cũng cần lưu ý một số điểm:
- Đảm bảo bù đủ nước vì nước mất qua hậu môn nhân tạo khá nhiều, phân càng lỏng càng uống nước nhiều.
- Mùi hôi có thể kiểm soát bởi lọc khí hay chất khử mùi (yaourt có thể giảm tạo mùi) hay giảm thức ăn tạo mùi như măng, bông/ bắp cải, tỏi, hành, cá, cà phê, trứng.
- Hơi xì ra từ hậu môn nhân tạo cũng là một phiền phức, nên tránh một số thức ăn sinh hơi nhiều như bia, bông cải, bắp cải, dưa leo, đậu, tiêu, thức ăn cay. Tránh nhai kẹo cao su, uống bằng ống hút, thức ăn hoặc uống có chất tạo ngọt.
Những vấn đề dinh dưỡng xảy ra khi hóa trị và xạ trị
Phụ thuộc vào loại thuốc, liều thuốc và số lượng thuốc trong một phác đồ. Tiêu chảy, viêm niêm mạc là 2 biến chứng thường gặp nhất. Bổ sung Irinotecan trong phác đồ làm tăng độc tính chủ yếu là tiêu chảy. Có thể khởi phát sớm hay muộn. Đối với bệnh nhân dùng Oxaciplatin, tránh nước lạnh, hay tiếp xúc môi trường lạnh.
Những biến chứng muộn của xạ trị có thể là viêm đại tràng mãn tính, thủng ruột, chít hẹp ruột, tắc ruột, dò ruột ra da hay dò vào bàng quang, âm đạo. Biến chứng xạ trị nhiều hay ít sẽ tùy thuộc độ rộng của trường chiếu, vị trí trường chiếu và liều xạ. Hướng dẫn dinh dưỡng trong những tình huống này sẽ được hướng dẫn theo từng trường hợp.
Kế hoạch chăm sóc dinh dưỡng
Để có một cơ thể khỏe mạnh theo cả liệu trình điều trị, hạn chế biến chứng và tác dụng phụ của điều trị đến mức thấp nhất có thể, có một chất lượng sống tốt ngay cả khi bệnh không trị khỏi và để ngăn ngừa tái phát khi bệnh đã trị khỏi, bệnh nhân phải có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đúng cách, và phù hợp với từng giai đoạn điều trị. Những nguyên tắc cơ bản như sau:
Đảm bảo chế độ ăn đủ năng lượng, đạm, nước và các chất.
Nhu cầu năng lượng 25-30 kcal một kg mỗi ngày. Nhu cầu đạm 1,5-2 g cho một kg mỗi ngày. Nhu cầu nước 1ml trên một kcal mỗi ngày + nước mất bất thường. Ví dụ một bệnh nhân cân năng thường ngày 50 kg, nhu cầu năng lượng 1.500 kcal, đạm 75-100 g, nước tối thiểu một lít rưỡi mỗi ngày.
Khi điều trị, bệnh nhân sẽ mệt mỏi, chán ăn… nên khó có thể đạt đủ mục tiêu đề ra. Cần có ý thức và quyết tâm ăn uống, có sự chăm sóc từ người nhà. Nên xem thức ăn là thuốc, đến giờ là ăn/uống không đợi đói hay thèm ăn mới ăn. Chia làm nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày (6-12 cữ), chọn thức ăn giàu năng lượng, đạm. Dùng thức uống thay cho thức ăn khi quá mệt, tranh thủ ăn uống mọi lúc mọi nơi khi trên xe di chuyển hay khi chờ khám bệnh. Mua sắm thực phẩm để sẵn trong nhà, mang theo trong giỏ, để bàn làm việc. Nhờ người khác hơn là tự mình chế biến, phòng ăn thoáng mát; có nhiều người ăn chung hay xem tivi khi ăn sẽ giúp người bệnh ăn nhiều hơn.
Lựa chọn thức ăn không làm nặng hơn triệu chứng hiện có
Điều trị ung thư đại trực tràng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, nên một số thói quen ăn uống sẽ bị thay đổi. Bệnh nhân sẽ bị tiêu chảy khi uống sữa trong khi trước không bị, mau đầy bụng, nôn khi ăn một vài loại thức ăn. Do đó bệnh nhân nên ăn nhiều thứ và ghi lại những thức ăn gây khó chịu để không ăn nữa hoặc sẽ tập ăn lại khi thấy khỏe hơn. Khi có quá nhiều thức ăn không ăn được nên trao đổi bác sĩ dinh dưỡng để có hướng dẫn cụ thể hơn.
Nâng đỡ hệ miễn dịch lên mức tối ưu
Khi hóa trị một lượng lớn tế bào máu gồm bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu bị suy giảm, do đó khả năng đề kháng cơ thể với môi trường bên ngoài cũng yếu theo. Hiện chưa có thức ăn nào được chứng minh sẽ làm tăng bạch cầu nhưng có một số thực phẩm chức năng giúp làm tăng tốc độ lưu thông bạch cầu, giúp bổ sung những chất cần cho quá trình tổng hợp bạch cầu. Các chất này thường chỉ định cho bệnh nhân suy dinh dưỡng trước mổ, hay có biến chứng nhiễm trùng hay vết thương không lành sau mổ, bao gồm: Omega 3, kẽm, Glutamin, Arginin, Vitamin C.
Tuy là thực phẩm chức năng nhưng cũng như thuốc khi sử dụng cần có y lệnh bác sĩ. Điều cần lưu ý khi bị giảm bạch cầu là tránh ăn thức ăn có nguy cơ nhiễm khuẩn như rau sống, trái cây ăn cả vỏ, sữa không qua dây chuyền sản xuất, phô mai có men vi khuẩn, thức ăn lên men chua, phơi khô, làm mắm, thực phẩm đã chế biến qua ngày.
Vận động thể lực, kiểm soát cân nặng chuẩn
Luôn luôn cần ngay cả khi đang điều trị. Tập thể dục cải thiện ngon miệng, giúp mau tiêu hóa thức ăn, tăng nhu động ruột, giúp tinh thần thư giãn, giúp tăng tạo khối cơ, giúp điều hòa hệ thống miễn dịch, hô hấp, tim mạch. Có thể tập nhiều lần trong ngày, mỗi lần 5-10 phút tùy theo tình hình sức khỏe hiện có. Khi trong giai đoạn hồi phục, chế độ luyện tập nên được đẩy lên cao với mục đích kiểm soát cân năng và ngăn ngừa tái phát, tối thiểu tập 30 phút cường độ vừa, 5 lần một tuần.
Điều trị những triệu chứng có ảnh hưởng dinh dưỡng
Đôi khi những tác dụng phụ hay biến chứng của phẫu thuật, hóa trị, xạ trị có thể kiểm soát được bằng thuốc nên bệnh nhân đừng ngần ngại nói với bác sĩ để được cho thuốc và dùng thuốc. Ví dụ đau, nôn hay buồn nôn, tiêu chảy, táo bón có thề kiểm soát tốt bằng thuốc, nếu được kiểm soát tốt việc ăn uống sẽ thuận lợi hơn.
Nuôi ăn tĩnh mạch hay truyền “nước biển”
Đây là cách dinh dưỡng rất được bệnh nhân ưa thích tuy nhiên dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch không thể thay thế đường tiêu hóa vì nhiều lý do: tăng biến chứng du khuẩn huyết, nhiễm trùng, niêm mạc ruột sẽ bị hủy hoại đến mức không hồi phục, hạn chế vận động, chi phí tốn kém. Một lưu ý là khi nuôi ăn tĩnh mạch cũng cần có tính toán nhu cầu năng lượng đạm thì hiệu quả mới có. Thường thì nuôi ăn tĩnh mạch kết hợp khi ăn uống đường tiêu hóa dù đã hết sức vẫn không đạt được đủ nhu cầu trong khi bệnh nhân đang điều trị bệnh. Vai trò của dinh dưỡng đường tĩnh mạch cho bệnh nhân giai đoạn cuối chưa được chứng minh.
Theo bác sĩ Anh Tường, kết quả điều trị sẽ tốt hơn ở một cơ thể khỏe mạnh. Béo phì cũng là một nguy cơ của tái phát. Do đó kiểm soát cân nặng chuẩn (BMI =22) là tối ưu, và thực hiện một chế độ ăn cân bằng, đủ chất.
Nguồn: suckhoe.vnexpress.net
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!