Tin tức
Nhiễm độc vì tùy tiện dùng Đông dược
Bác sĩ (BS) Doãn Uyên Vy, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, khá nhiều trường hợp nhập viện do nhiễm độc thuốc Đông y. Bệnh nhân (BN) Hoàng Thị Thắm (tên BN đã thay đổi), sinh năm 1949, ngụ tại Q.12, TP.HCM đến BV Chợ Rẫy khám vì tức ngực, ho nhiều, hai chân bị yếu liệt. Sau khi thăm khám, các BS biết bà Thắm có bệnh sử suy dãn tĩnh mạch chi dưới. BN từng đi châm cứu và được hàng xóm giới thiệu uống thuốc An cung ngưu hoàng. BN tin dùng thuốc này bởi nghe đồn An cung ngưu hoàng “như thần dược”, nên uống liên tiếp bốn viên trong bốn tuần. Hai tuần sau khi uống thuốc, BN cảm thấy dấu hiệu bất thường nhưng vẫn tiếp tục sử dụng hết hai viên còn lại. Tới khi miệng BN lở loét, không thể đi lại được, gia đình mới đưa đi cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy BN bị nhiễm độc chất arsenic. Dù được cứu chữa tích cực nhưng BN không qua khỏi vì suy tim cấp.
Loại thuốc bà Thắm uống có chứa hợp chất arsenic và thủy ngân. Hàm lượng thủy ngân và arsenic của thuốc rất cao. Một viên An cung ngưu hoàng chứa khoảng 0,25g chì, 33,2g thủy ngân, 38,9g arsenic.
Trong dân gian, nhiều người truyền tai nhau uống loại sâu ban manh (sống trên cây đậu) có thể giúp cơ thể thải độc, tốt cho những người mắc bệnh gan. Khi uống loại sâu này, cơ thể nổi bóng nước, BN cứ ngỡ đang được giải độc, nhưng thực chất là bị nhiễm độc.
Cũng có không ít người nuốt sống mật cá trôi, cá trắm để chữa trị các bệnh như: đau mắt đỏ kéo màng, tắc họng, trẻ có nhiều đàm ứ đọng, hoặc sưng đau vùng kín, động kinh, yếu sinh lý ở nam giới. Hậu quả điển hình nhất là một BN nữ, 26 tuổi, ngụ tại Bạc Liêu, vì nuốt 100 mật cá trôi chữa động kinh mà phải nhập BV Chợ Rẫy chạy thận hai tuần. BN bị suy thận cấp do mật cá có các chất độc gây suy gan, suy thận.
Thuốc đông y cũng có thể gây ngộ độc. Ảnh minh họa: internet
Nguồn gốc thiên nhiên vẫn có thể nhiễm độc
Theo BS Vy, có thể hiểu thuốc Đông y bắt nguồn từ ba loại: thực vật, động vật, khoáng chất. Những thành phần của thuốc Đông y chứa kim loại nặng có thể kể đến chu sa (chứa thủy ngân), hùng hoàng (chứa thạch tín), hoặc trong thuốc cam có hàm lượng chì rất cao.
Nhiễm độc thuốc Đông y xảy ra là do thuốc chứa thành phần mang tính độc, nhưng lại được làm bằng tay nên nồng độ trong thuốc không đồng đều. Bên cạnh đó, người dân dùng thuốc Đông y tùy tiện vì nghĩ thuốc có nguồn gốc thiên nhiên nên lành tính. Sử dụng thuốc lâu dài, thiếu sự điều chỉnh, giám sát của thầy thuốc chính là nguyên nhân khiến cơ thể bị nhiễm độc.
Ngoài ra, nhiều thầy lang với lý do giữ bí mật gia truyền, không ghi hết các thành phần thuốc ra toa. Đôi khi họ dùng chất bảo quản thuốc, vô tình bệnh nhân uống trong thời gian dài gây ngộ độc. Nhiễm độc thuốc Đông y còn tùy thuộc cơ địa của từng người. Uống cùng liều lượng trong cùng thời gian, nhưng nhiều người vẫn “bình an vô sự”, trong khi đó người khác lại có biểu hiện bất thường.
Các BS lưu ý, người dân không nên nghe lời đồn thổi mà sử dụng thuốc bừa bãi. Dù là thuốc Tây y hay Đông y, khi điều trị bệnh vẫn phải được BS theo dõi, giám sát để điều chỉnh kịp thời.
Nguồn: phunuonline.com
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!