Tin tức
7+ nguyên nhân chảy máu cam thường gặp nhất
- 21/04/2020 | Chảy máu mũi: Nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa
- 09/07/2020 | Chảy máu mũi - nguyên nhân do đâu và có nguy hiểm hay không?
1. Nguyên nhân gây chảy máu cam
chảy máu cam khá thường gặp, bất cứ đối tượng nào cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên những đối tượng có nguy cơ cao hơn là trẻ nhỏ, người già và phụ nữ mang thai. Nguyên nhân gây tình trạng này là do vỡ nứt mạch máu trong niêm mạc mũi do chấn thương, nhiễm trùng, bất thường mạch máu hoặc các bệnh lý tác động.
Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu cam
Thường gặp nhất là bệnh nhân bị chảy máu cam do mũi khô khi môi trường không khí xung quanh khô, độ ẩm thấp, đặc biệt là vào mùa đông. Khi đó dịch tiết mũi không đủ giữ ẩm cần thiết cho mũi, khiến niêm mạc mũi khô và dễ nứt, mạch máu cũng dễ bị tổn thương, từ đó gây ra chảy máu cam.
Có nhiều yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ bị chảy máu cam và tình trạng bệnh như:
1.1. Thời tiết
Khí hậu nóng, khô chính là nguyên nhân phổ biến gây tình trạng chảy máu mũi. Độ ẩm không khí không tốt kết hợp dịch tiết mũi không đủ cung cấp khiến niêm mạc mũi nhạy cảm hơn, dễ nứt vỡ dễ tới chảy máu. Tuy nhiên tình trạng này thường gặp ở thời điểm giao mùa khi cơ thể chưa quen với sự thay đổi thời tiết hoặc người từ vùng khí hậu nhiệt đới di chuyển sang khu vực khí hậu lạnh khô.
Để khắc phục tình trạng này, có thể dùng thuốc hoặc nước nhỏ mũi, tăng độ ẩm không khí trong nhà bằng quạt hơi nước, phun sương,…
Đa số trường hợp chảy máu cam do không khí khô
1.2. Dị ứng và cảm lạnh
Hai nguyên nhân này đều dẫn tới viêm bên trong mũi, khiến các mạch máu bị sung huyết giãn ra nhiều, dễ bị tổn thương hơn và là nguyên nhân chảy máu cam phổ biến, nhất là mùa lạnh. Vì thế người bệnh bị cảm ốm, cảm lạnh hoặc dị ứng đôi khi chỉ cần hắt hơi, hỉ mũi mạnh hoặc rặn do táo bón cũng có thể dẫn tới chảy máu cam. Tình trạng này có thể tái phát nhiều lần.
1.3. Do bệnh lý
Các bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, dị dạng mạch máu), bệnh lý về máu (rối loạn chức năng đông cầm máu, suy tủy,…), bệnh lý mạn tính (xơ gan, suy thận) có thể là nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng chảy máu cam thường xuyên.
1.4. Khói bụi và hóa chất
Tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá, khói thải công nghiệp, xăng dầu, amoniac, acid sulfuric,… có thể gây tổn thương và chảy máu mũi.
1.5. Vẹo vách ngăn mũi
Một trong những nguyên nhân chảy máu cam ít gặp hơn là vẹo vách ngăn mũi. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị vẹo vách ngăn giữa 2 lỗ mũi khiến dòng khí đi vào hai lỗ mũi không đồng đều, dễ gây khô và nứt ở niêm mạc vách mũi hẹp, tăng nguy cơ chảy máu mũi.
Vẹo vách ngăn mũi cũng có thể khiến chảy máu cam
1.6. Do dùng thuốc điều trị
Các loại thuốc điều trị kê đơn như thuốc kháng viêm không steroid, thuốc chống đông máu cũng làm tăng nguy cơ chảy máu mũi. Ngoài ra, các loại thực phẩm chức năng bổ sung cũng có thể tác động làm kéo dài thời gian chảy máu giống như thuốc chống đông máu khác.
1.7. Lạm dụng bia rượu và các chất kích thích
Những người nghiện bia rượu nặng thường gặp vấn đề về máu như: giảm mức tiểu cầu, giảm hoạt động tiểu cầu và rối loạn đông máu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chảy máu cam phổ biến, nhất là ở nam giới.
2. Dấu hiệu nào cho thấy chảy máu mũi nguy hiểm?
Triệu chứng chảy máu cam có thể gặp phải ở một hoặc cả hai bên mũi, máu có thể chảy ra trước hoặc ra sau họng gây ho, khạc hoặc nôn ra máu. Khi bị chảy máu mũi, bạn cần ngồi xuống, giữ đầu hơi ngả về phía trước và dùng ngón cái cùng ngón giữa nắm chặt lấy mũi. Giữ khoảng 10 - 30 phút là máu sẽ ngừng chảy.
Tuy nhiên bạn cần được đưa tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được can thiệp xử lý nếu bị chảy máu cam trong các trường hợp nguy hiểm sau:
- Máu phun mạnh ra từ mũi thay vì chảy từng giọt hoặc nôn ra máu nhiều lần.
- Bệnh nhân bị tăng huyết áp hoặc các bệnh lý về máu khác, nhất là rối loạn đông máu.
- Máu chảy nhiều và không thể kiểm soát bằng phương pháp xử lý thông thường sau 20 phút.
- Chảy máu mũi đi kèm với sốt cao trên 38,9 độ C.
- Cảm thấy khó thở.
- Chảy máu mũi do chấn thương mũi hoặc vùng đầu, có triệu chứng đau đớn kèm theo.
Với các trường hợp chảy máu mũi nguy hiểm này, trước hết bác sĩ cần can thiệp để ngừng sự chảy máu bằng nhét gạc vào mũi hoặc đốt mạch máu bị vỡ. Sau khi xử lý được tình trạng này, bác sĩ sẽ chẩn đoán tìm nguyên nhân dựa trên thăm khám lâm sàng hoặc các thông tin bệnh lý, thuốc đang sử dụng mà bệnh nhân cung cấp.
Cần thăm khám lâm sàng để tìm nguyên nhân chảy máu mũi
Một số trường hợp bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh lý huyết học hoặc ung thư khi có triệu chứng nghi ngờ khác.
3. Làm gì để ngăn ngừa tình trạng chảy máu mũi?
Hầu hết các trường hợp chảy máu mũi là lành tính và có thể hạn chế bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh như:
- Kiểm soát tốt huyết áp và điều trị các bệnh lý tim mạch, bệnh lý về máu nếu có.
- Không tự ý sử dụng các thuốc điều trị nếu không có chỉ định của bác sĩ, nhất là chế phẩm chứa aspirin.
- Tránh tiếp xúc với bụi bẩn, hóa chất công nghiệp, nếu cần thiết thì cần đeo khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế khác đúng quy định.
- Điều trị tích cực các bệnh lý nhiễm trùng, viêm mũi, viêm đường hô hấp cấp,…
- Làm ẩm không khí nơi làm việc và tại nhà nếu có thể, bảo vệ mũi và hệ hô hấp bằng việc đeo khẩu trang hoặc dùng khăn quàng khi đi ra ngoài trời khô lạnh. Dùng dung dịch rửa mũi hoặc xịt mũi bằng nước muối cũng giúp cung cấp độ ẩm cho mũi, giảm chảy máu do khô nứt niêm mạc.
Trẻ em cần cung cấp đủ dinh dưỡng để ngăn ngừa chảy máu mũi
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nhất là trẻ em hay chảy máu mũi cần bổ sung thực phẩm giàu Vitamin C, Vitamin và khoáng chất khác.
Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân chảy máu cam, việc chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân chính xác là rất khó khăn. Hầu hết trường hợp bệnh nhân chảy máu cam không rõ nguyên nhân và lành tính. Tuy nhiên cũng không nên chủ quan, nhất là khi bị chảy máu cam thường xuyên cùng các triệu chứng bệnh khác.
Để được tư vấn khám và chẩn đoán nguyên nhân của tình trạng này, hãy liên hệ trực tiếp tới hệ thống Y tế Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hoặc đặt lịch trước qua hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!