Tin tức

Bạn biết gì về thuốc Paracetamol? Khi dùng cần lưu ý điều gì?

Ngày 29/09/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Paracetamol là thuốc có công dụng giảm đau hạ sốt được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên không phải ai ai cũng có thể biết rõ về loại thuốc này. Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào bạn cũng đều phải tìm hiểu thật kỹ về công dụng, liều lượng,… của chúng. Bài viết này sẽ giúp bạn có thêm thông tin bổ ích về loại thuốc này. 

1. Paracetamol là thuốc gì?

Paracetamol còn được gọi là Acetaminophen, là dạng hoạt chất có công dụng hạ sốt và giúp giảm đau rất tốt. Đặc biệt, thuốc được dùng thay thế Aspirin với hiệu quả giảm đau thế nhưng loại thuốc này không có khả năng kháng viêm mạnh như như Aspirin.

Paracetamol là dạng hoạt chất được dùng để hạ sốt và giảm đau rất hiệu quả

Paracetamol là dạng hoạt chất được dùng để hạ sốt và giảm đau rất hiệu quả

Thuốc được chỉ định chữa trị cho các bệnh như nhức đầu, nhức cơ, nhức răng, đau lưng,… và có thể hạ sốt. Thuốc này được đánh giá không làm ảnh hưởng xấu cho tim mạch hay hệ hô hấp, không làm mất cân bằng giữa axit và bazơ, không làm kích ứng hoặc xước niêm mạc dạ dày khi sử dụng.

Thuốc sẽ phát huy tác dụng sau khi uống khoảng từ 30 đến 60 phút. Tác dụng của thuốc được duy trì trong khoảng từ 3 - 4 tiếng đồng hồ. Hàm lượng sử dụng cho người lớn là Paracetamol 500mg.

2. Trường hợp chống chỉ định sử dụng 

Thuốc không được dùng cho các đối tượng sau đây:

  • Người có mẫn cảm, dị ứng với thuốc Paracetamol.

  • Người có tiền sử mắc các bệnh về gan.

  • Người có thói quen lạm dụng bia rượu và thường xuyên dùng các chất kích thích.

Người nghiện bia rượu hoặc thường xuyên dùng chất kích thích không nên sử dụng paracetamol

Người nghiện bia rượu hoặc thường xuyên dùng chất kích thích không nên sử dụng paracetamol

Ngày nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định thuốc gây tác dụng phụ cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Thế nhưng đây là những trường hợp dễ nhạy cảm và dễ bị tác động thế nên phải có sự tham khảo ý kiến của bác sĩ khi có dự định sử dụng thuốc.

3. Các dạng bào chế và hàm lượng của thuốc

Hiện nay, Paracetamol được bào chế dưới 3 dạng là uống, viên đặt với hàm lượng khác nhau và tiêm tĩnh mạch. 

3.1. Dạng uống

  • Viên sủi có hàm lượng thường ở mức 500mg gồm có Efferalgan và Panadol sủi.

  • Viên nén là Panadol viên có hàm lượng 500mg.

  • Siro uống.

  • Dạng bột pha theo gói có nhiều hàm lượng là Efferalgan 80mg, Efferalgan Hapacol 150 mg và Efferalgan 250 mg.

3.2. Dạng viên đặt

Dạng viên đặt ở hậu môn có hàm lượng là 80mg, 150mg, 300mg tùy theo trọng lượng khác nhau của mỗi trẻ. Dạng này thường chỉ dùng cho trẻ em.

Paracetamol được điều chế dưới dạng viên đặt hậu môn thường dùng cho trẻ em

Paracetamol được điều chế dưới dạng viên đặt hậu môn thường dùng cho trẻ em

3.3. Dạng tiêm tĩnh mạch 

Dạng tiêm tĩnh mạch thường có hàm lượng là 10mg/ml. Khi sử dụng dạng này cần có sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ trong và sau khi truyền. 

4. Những lưu ý gì khi sử dụng thuốc?

  • Khi sử dụng thuốc phải tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì.

  • Không được dùng quá liều lượng quy định của thuốc bởi điều này có thể làm bạn nhiễm độc gan. Với người trưởng thành không sử dụng quá 4000mg/ngày và không được uống quá 1000mg/liều.

Khi sử dụng thuốc quá liều lượng cho phép có thể gây ra nhiễm độc gan

Khi sử dụng thuốc quá liều lượng cho phép có thể gây ra nhiễm độc gan

  • Không được tự ý cho trẻ em dưới 2 tuổi dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Chỉ nên sử dụng đúng dạng thuốc Paracetamol riêng biệt cho trẻ nhỏ để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất.

  • Với dạng thuốc viên nén nhai, người bệnh phải nhai thật kỹ thuốc rồi mới được nuốt.

  • Với dạng thuốc dạng tan rã, bệnh nhân không được nhai mà phải đặt ngay trên lưỡi cho thuốc tự tan.

  • Với dạng thuốc lỏng để uống, người bệnh không nên tự ước lượng mà dùng muỗng hay dụng cụ đo lường để lấy thuốc. Nếu không có các dụng cụ đo thì phải tham khảo ý kiến của dược sĩ hoặc làm đúng hướng ghi trên nhãn thuốc và phải lắc đều trước khi dùng.

  • Không được dùng thuốc đặt để uống. Trước khi đặt thuốc phải rửa tay thật sạch sẽ và không được di chuyển nhiều cũng như đi vệ sinh sau khi đặt thuốc.

  • Không sử dụng thuốc sau khi uống rượu bia. Bởi thuốc có thể tương tác với rượu và làm ảnh hưởng xấu đến gan.

  • Nếu quên sử dụng thuốc theo liều lượng quy định, bạn hãy uống thuốc ngay  nếu như thời gian cách đó không quá lâu và kéo dài thời gian uống liều thứ hai. Nếu như không đảm bảo điều kiện như trên, bạn có thể bỏ qua liều đó và dùng liều kế tiếp đúng như quy định.

  • Paracetamol là loại biệt dược có mặt trong nhiều loại thuốc. Vì thế khi dùng thuốc, bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc chữa trị ho, cảm lạnh hoặc giảm đau khác mà không có toa được kê bởi bác sĩ. Điều này sẽ khiến bạn vô tình dùng thuốc vượt mức liều lượng cho phép.

  • Tạm ngưng dùng thuốc nếu gặp phải tình trạng như: không hạ sốt sau 3 ngày sử dụng, các cơn đau xảy ra sau khoảng 5 - 7 ngày sử dụng thuốc, táo bón, mắc ói, nhức đầu, phát ban, sưng tấy,…

Hãy ngưng sử dụng thuốc nếu cơ thể có những biểu hiện bất thường

Hãy ngưng sử dụng thuốc nếu cơ thể có những biểu hiện bất thường

5. Xử lý khi bị ngộ độc Paracetamol

5.1. Nguyên nhân gây ngộ độc Paracetamol

Đây là loại thuốc được sử dụng phổ biến và không thuộc nhóm thuốc kê theo đơn thế nên nhiều người thường tự ý mua về sử dụng không đúng cách, quá liều và gây ra ngộ độc. Ngộ độc thuốc Paracetamol thường xuất hiện trong các tình huống sau đây:

  • Thời gian giãn cách giữa các lần uống là quá ngắn.

  • Sử dụng trong thời gian kéo dài.

  • Uống quá liều lượng quy định.

  • Uống đồng thời nhiều loại thuốc giảm đau có chứa Paracetamol.

Ngộ độc Paracetamol sẽ làm gan bị ảnh hưởng xấu, thậm chí có thể gây hoại tử gan và tử vong.

5.2. Xử lý khi bị ngộ độc gan

Một khi phát hiện mình đã uống thuốc giảm đau có thành phần Paracetamol quá liều thì hãy xử trí ngay mà không cần đợi đến khi xuất hiện các triệu chứng. Một số cách xử lý khi bị ngộ độc Paracetamol là:

  • Khi nhiễm độc nặng, phải điều trị ngay lập tức. Cụ thể hơn, người bệnh cần được hỗ trợ tích cực, rửa dạ dày, tốt nhất trong vòng 4 giờ sau khi uống.

  • Bệnh nhân cần đến ngay trung tâm y tế để được xử lý kịp thời và hiệu quả. Người bệnh có thể được dùng thuốc giải độc paracetamol và đánh giá mức độ ngộ độc để có biện pháp can thiệp thích hợp.

Đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được xử lý ngộ độc kịp thời và hiệu quả

Đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được xử lý ngộ độc kịp thời và hiệu quả

5.3. Phòng ngừa ngộ độc Paracetamol

  • Nếu mắc bệnh cảm, sốt nhẹ không quá 38.5 độ C và không có biểu hiện đau nhức thì không cần sử dụng Paracetamol.

  • Không được tự ý mua và uống thuốc có thành phần Paracetamol khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý dùng quá liều khi chưa được sự chỉ định của bác sĩ.

  • Khi sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và thành phần của thuốc do Paracetamol có mặt trong nhiều loại thuốc.

  • Khi sử dụng Paracetamol thì tuyệt đối không uống bia rượu bởi dễ gây tổn thương cho gan.

Paracetamol là loại thuốc an toàn, ít gây tác dụng phụ và có hiệu quả giảm đau hạ sốt rất tốt. Tuy nhiên việc dùng thuốc phải đúng liều lượng và cách dùng, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ