Tin tức

Bệnh cước có nguy hiểm không? Phải làm sao để phòng bệnh hiệu quả?

Ngày 13/01/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Khi bị cước, người bệnh luôn cảm thấy rất khó chịu. Hiện tượng da bị sưng, có cảm giác ngứa, đau như bị châm chích gây ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động thường ngày của người bệnh. Bệnh cước thường xảy ra trong mùa đông và có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, đây cũng là một căn bệnh có thể được phòng tránh hiệu quả nếu bạn áp dụng đúng phương pháp. 

1. Bệnh cước có nguy hiểm không?

1.1. Những biểu hiện thường gặp của bệnh cước

Thông thường, bệnh nhân có thể xuất hiện một số biểu hiện của bệnh ngay sau vài giờ tiếp xúc với nhiệt độ lạnh. Triệu chứng bệnh có thể xảy ra ở mũi, mông, đùi, bắp chân, lòng bàn chân, nhưng thường gặp nhất là ở các đầu ngón tay và ngón chân. Dưới đây là một số triệu chứng bệnh cụ thể: 

Triệu chứng bệnh cước thường xuất hiện ở ngón tay

Triệu chứng bệnh cước thường xuất hiện ở ngón tay

- Các đầu ngón chân và ngón tay hoặc một số vị trí như mũi, đùi, bắp chân, lòng bàn chân của người bệnh có thể xuất hiện những mảng da đỏ, hay có màu tím xanh.

- Vùng da bị cước có cảm giác nóng rát, ngứa ngáy rất khó chịu, đôi khi đau như đang bị châm chích. 

- Một số trường hợp còn có thể bị sưng và đau da, dẫn đến phồng rộp da, gây ra tình trạng mụn mủ, loét da. 

1.2. Những nguyên nhân gây ra bệnh cước

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh này. Tuy nhiên, dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh: 

  • Thời tiết lạnh vào mùa đông

Căn bệnh này thường xảy ra trong mùa đông. Những triệu chứng của bệnh sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu thời tiết thay đổi quá đột ngột từ nóng sang lạnh. Chẳng hạn như những trường hợp phải tiếp xúc với thời tiết lạnh quá lâu, sau đó lại làm nóng bàn chân và bàn tay quá nhanh bằng cách dùng túi chườm trực tiếp hoặc để tay, chân cạnh lò sưởi thì rất dễ bị cước.

Bên cạnh đó, hệ thống tuần hoàn bao gồm những cơ quan khá nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, chẳng hạn như các mao mạch, tĩnh mạch, động mạch. Do thời tiết quá lạnh, các mạch máu ngoại vi dưới da phải co lại để giúp cơ thể duy trì thân nhiệt. Sự co thắt này sẽ làm chậm quá trình lưu thông máu và có thể gây ra tình trạng cước tay, cước chân như chúng ta vẫn thường gặp. 

Bệnh cước thường xảy ra khi thời tiết lạnh

Bệnh cước thường xảy ra khi thời tiết lạnh

  • Một số yếu tố khác

Ngoài ra một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ gây bệnh cước như: 

+ Tiền sử bệnh gia đình: Nếu trong gia đình có cha, mẹ, anh chị em ruột từng bị cước, thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. 

+ Những trường hợp bị tiểu đường, tăng mỡ máu, hoặc mắc một số bệnh mạch máu ngoại biên khác cũng có nguy cơ cao bị cước. 

+ Những người bị suy dinh dưỡng, tinh thần bất ổn cũng dễ bị bệnh cước hơn so với những người có chế độ ăn giàu dinh dưỡng, khỏe mạnh và tinh thần tích cực, vui vẻ. 

+ Một số trường hợp bị thay đổi nội tiết tố cũng có nguy cơ cao bị cước. 

+ Bị cước cũng có thể do bệnh lupus ban đỏ, bệnh Raynaud, xơ cứng bì, lở loét, hay bệnh rối loạn sinh tủy,…

+ Ngoài ra, bị cước cũng có thể xuất phát từ thói quen mặc quần áo quá chật, bó sát người trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm. 

1.3. Bệnh cước có nguy hiểm không?

Cước không phải là căn bệnh nguy hiểm. Bệnh có thể khỏi sau vài ngày hoặc vài tuần khi thời tiết ấm dần lên. Tuy nhiên, trong trường hợp, những triệu chứng bệnh kéo dài quá lâu hoặc mức độ ngày càng tăng dần, kèm theo đó là xuất hiện tình trạng mụn mủ, viêm loét, nhiễm trùng da thì cần đi khám sớm để được các bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh và điều trị kịp thời, phòng tránh những biến chứng nghiêm trọng. Những trường hợp bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc mắc một số bệnh lý mạn tính thì có thể mất nhiều thời gian điều trị hơn so với những đối tượng khác.  

2. Phải làm sao để phòng bệnh cước hiệu quả?

Nếu bạn chủ động và áp dụng đúng phương pháp, bệnh cước sẽ được phòng ngừa hiệu quả. Hãy cùng tham khảo một số phương pháp dưới đây: 

- Luôn luôn giữ ấm cơ thể khi trời lạnh bằng cách mặc nhiều áo ấm, đi găng tay và đi tất. Không nên để da tiếp xúc trực tiếp với thời tiết lạnh. Lưu ý khi lựa chọn trang phụ như quần áo, găng tay, tất,… nên lựa chọn những sản phẩm có chất liệu mềm mại và không nên mặc quá bó sát. Nên tránh len và dạ vì những chất liệu này rất dễ gây kích ứng. Với những trường hợp phải thường xuyên làm việc ngoài trời thì việc giữ ấm cơ thể trong mùa đông lại càng cần thiết. 

Không nên để da tiếp xúc trực tiếp với thời tiết lạnh để tránh bị cước

Không nên để da tiếp xúc trực tiếp với thời tiết lạnh để tránh bị cước

- Không nên để tay và chân tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất có tính tẩy rửa mạnh. Khi giặt quần áo hay rửa bát, bạn nên đeo găng tay để bảo vệ da. 

- Tắm bằng nước ấm: Thay vì tắm nước quá nóng, bạn hãy lựa chọn tắm với nước ấm vừa phải để phòng tránh bị cước, đồng thời có thể giảm triệu chứng bệnh cước. Khi tắm nước ấm, cơn ngứa sẽ được xoa dịu hiệu quả. Hoặc bạn cũng có thể ngâm chân khoảng 5 đến 10 phút với nước gừng pha muối để giúp cơ thể được tăng cường lưu thông máu, giảm nguy cơ bị cước.

- Tập thể dục cũng là một trong những cách rất hiệu quả giúp hệ tuần hoàn hoạt động tốt hơn. Khi đó, máu lưu thông tốt hơn, giúp phòng cước và nhiều loại bệnh khác. Đây cũng là cách rất tốt để giúp tinh thần của chúng ta luôn vui vẻ, thoải mái và duy trì một vóc dáng cân đối. 

Uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây để phòng ngừa cước chân, tay trong mùa đông

Uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây để phòng ngừa cước chân, tay trong mùa đông

- Chế độ ăn cũng là một yếu tố quan trọng giúp bạn phòng nguy cơ bị cước. Nên uống đủ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày và đồng thời bổ sung nhiều loại rau xanh, trái cây cũng như một số thực phẩm giàu dinh dưỡng khác. Bên cạnh đó, bạn nên tránh những thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao như các loại hải sản hoặc một số món ăn từng khiến bạn bị dị ứng. Đặc biệt, không nên sử dụng chất kích thích.

Bệnh cước không nguy hiểm nhưng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh hoặc gây nguy cơ viêm loét, nhiễm trùng da. Do đó, không nên chủ quan với căn bệnh này. Bạn có thể gọi đến Tổng đài 1900 56 56 56 để được chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.