Tin tức

Bệnh do Cytomegalovirus - bệnh thường gặp nhưng dễ bỏ qua

Ngày 15/09/2014
ThS. BS Trịnh Thị Quế, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
CMV là tác nhân có thể gây nhiều bệnh, gặp ở nhiều nhóm tuổi, từ những bất thường bẩm sinh đến các rối loạn bệnh lý, đặc biệt ở người suy giảm miễn dịch.


1. Khái quát chung

CMV (Cytomegalovirus, từ tiếng Hy Lạp cyto -"tế bào", và-megalo-, "lớn") là một virus thuộc nhóm Herpesviruses [6]. CMV thuộc về phân họ Betaherpesvirinae của Herpesviridae, bao gồm cả Roseolovirus. Đây là tác nhân có thể gây nhiều bệnh, gặp ở nhiều nhóm tuổi, từ những bất thường bẩm sinh đến các rối loạn bệnh lý, đặc biệt ở người suy giảm miễn dịch. 

CMV lây nhiễm và có mặt ở khắp nơi trên thế giới không phân biệt chủng tộc và điều kiện sống. Ở Hoa Kỳ có khoảng 50% đến 80% người trưởng thành từng bị phơi nhiễm với loại virut này (khoảng 40% trên toàn thế giới) [3].


Tuy nhiên, mức độ phơi nhiễm cụ thể lại tùy thuộc vào lứa tuổi: Ở trẻ sơ sinh có khoảng 1% bị phơi nhiễm và 58,9% từ 6 tuổi trở lên bị nhiễm CMV, trong khi có đến 90,8% những người có độ tuổi 80 trở lên đã từng bị phơi nhiễm với CMV [5]. 


Người ta cũng nhận thấy ở các nước có nền kinh tế càng kém phát triển mức độ phơi nhiễm với loại virut CMV càng cao [1].

2. Khả năng gây bệnh


2.1. Nhiễm CMV ở người lớn và trẻ em lớn


Nhiễm CMV gây ra Hội chứng tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng. Thời gian ủ bệnh 20 - 60 ngày, xuất hiện triệu chứng bệnh sau 2 - 6 tuần với các triệu chứng: sốt kéo dài, đôi khi lạnh run, suy yếu, khó chịu; đau cơ, lách to, viêm họng xuất tiết và viêm hạch ở cổ; bất thường chức năng gan và bệnh lý lympho bào.


Bệnh thường nhẹ, hầu hết bệnh nhân hồi phục không di chứng nhưng viêm gan cận lâm sàng lại thường gặp. Rất hiếm khi nhiễm CMV đưa đến tử vong, trừ các trường hợp bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Đặc biệt, ở bệnh nhân được ghép thận, ghép tủy có sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để lại biến chứng viêm phổi mô kẽ với tỷ lệ cao [4].


2.2. Nhiễm CMV chu sinh


Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm CMV trong lúc sinh khi ngang qua âm đạo, nhiễm sau sinh khi bú sữa mẹ hay do tiếp xúc với các dịch tiết khác của mẹ. 40 - 60% trẻ sơ sinh bú mẹ hơn một tháng mà mẹ có huyết thanh dương tính với CMV sẽ bị lây nhiễm [5]. Đa số các trẻ này đều không có triệu chứng, một số trẻ có thể có triệu chứng viêm phổi kẽ kéo dài. Một số triệu chứng khác hay gặp như cân nặng lúc sinh thấp, viêm hạch, nổi mẩn, viêm gan, tế bào lympho tăng và thiếu máu [4].


CMV có khả năng được thải không liên tục từ hầu họng và nước tiểu trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.


2.3. Nhiễm CMV bẩm sinh


Virut sau khi xâm nhập qua bánh rau vào trong bào thai được các đại thực bào ăn và hình thành tế bào khổng lồ. Tế bào khổng lồ được tạo thành gọi là Cytomegalo, có nhiều nhân nổi bật, nhiều thể vùi trong nhân. Khi một trẻ bị nhiễm CMV ở nhiều cơ quan cũng có thể dẫn đến bất thường bẩm sinh [2].


Hầu như chỉ những thai nhi có mẹ bị nhiễm CMV lần đầu trong khi mang thai mới có triệu chứng lâm sàng. Thai nhi có nhiều dạng biểu hiện lâm sàng từ không có triệu chứng đến thể nặng và lan rộng toàn thân. Một số triệu chứng như đốm mảng xuất huyết, gan, lách to, vàng da (60-80%), teo não và đầu nhỏ, nhu mô não bị vôi hóa, chậm phát triển trong tử cung(30-50%), thoát vị bẹn và viêm võng mạc ít thấy hơn [2],[3].


3. Chẩn đoán


3.1. Triệu chứng lâm sàng


- Triệu chứng lâm sàng thường ít và không đặc hiệu có thể có:


+ Chán ăn, miệt mỏi;


+ Viêm họng, viêm long đường hô hấp;


+ Đau cơ;


+ Sốt nhẹ…


- Ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ nếu trường hợp nặng đôi khi có thể có:


+ Suy dinh dưỡng bào thai, chậm lớn;


+ Vàng da;


+ Gan lách to.


3.2. Cận lâm sàng


3.2.1. Các xét nghiệm thông thường có thể thấy:


+ Men gan tăng nhẹ;


+ Bilirubin tăng nhẹ hoặc trung bình ở trẻ nhỏ;


+ Bạch cầu bình thường hoặc giảm nhẹ, trong đó dòng Mono tăng cao;


+ Tiểu cầu giảm.


3.2.2. Các xét nghiệm đặc hiệu


- Xét nghiệm kháng thể


Có hai loại kháng thể CMV được sản xuất để đáp ứng với nhiễm CMV là IgM và IgG. Kháng thể IgM được sản xuất đầu tiên bởi cơ thể để đáp ứng với nhiễm CMV, tuy nhiên sau vài tháng, kháng thể có thể giảm tới mức dưới ngưỡng phát hiện.


Khi nhiễm CMV, kháng thể IgG tồn tại trong máu của bệnh nhân suốt đời nên xét nghiệm này chỉ có thể phát hiện đã nhiễm CMV gần đây hoặc trước đó.


Nếu chỉ dựa vào xét nghiệm phát hiện kháng thể đặc hiệu CMV trong huyết thanh sẽ không đủ đặc hiệu để kết luận người bệnh có mang CMV ở thời điểm hiện tại hay không [3].


- Xét nghiệm nuôi cấy virus


Nuôi cấy virus là phương pháp truyền thống phát hiện virus, tuy nhiên việc nuôi cấy virus đến nay vẫn là một kỹ thuật khó, không phải phòng thí nghiệm nào cũng có khả năng thực hiện. Đặc biệt với các phòng xét nghiệm chuẩn đoán, việc nuôi cấy virus là không khả thi [3].


- Xét nghiệm sinh học phân tử


Xét nghiệm sinh học phân tử phát hiện sự hiện diện trình tự gen đặc trưng của CMV. Với sự phát triển của sinh học phân tử, chưa bao giờ việc phát hiện các virus gây bệnh lại trở lên dễ dàng như hiện nay. Đặc biệt, với kỹ thuật Realtime PCR chỉ với 3 bước đơn giản: (1) Tách chiết DNA từ mẫu bệnh phẩm (huyết tương, máu toàn phần); (2) Khuếch đại trình tự đặc trưng của CMV với các bộ kit đã thương mại và đạt tiêu chuẩn CE-IVD; (3) Phân tích kết quả bằng phần mềm kết nối máy tính.


Xét nghiệm sinh học phân tử cho biết chính xác việc hiện diện của CMV DNA trong mẫu. Kỹ thuật này không chỉ đạt độ nhạy, độ đặc hiệu cao mà còn định lượng chính xác được tải lượng virus trong huyết tương nên có ý nghĩa trong chẩn đoán và theo dõi bệnh.


Một bộ kit thương mại được sử dụng rộng rãi trên thị trường đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu dùng cho chẩn đoán (CE-IVD) có tên là artus CMV RGQ MDx Kit của hãng Qiagen (Đức), được thiết kế để khuếch đại đoạn trình tự 105 bp trên gen đặc trưng cho CMV là Major Immediate Early Gene (MIE). Xét nghiệm CMV với bộ kit này được tự động trên hệ thống máy QIAsyphony SP/AS/RGQ (Hãng Qiagen - Đức) đảm bảo kết quả chính xác nhất, tránh được sai sót do thao tác [5].


* Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ cho việc tách chiết DNA tự động, thiết lập phản ứng tự động với nhiều hệ thống máy realtime PCR. Với việc trang bị đó, Bệnh viện MEDLATEC có thể chẩn đoán chính xác các virus (viêm gan B, C, Herpes, CMV, EBV,…), vi khuẩn (lao, lậu, chlamydia,…), đặc biệt xét nghiệm sinh học phân tử tìm đột biến gen ung thư.


4. Điều trị


-  Tăng cường dinh dưỡng.


- Phòng chống bội nhiễm, tiêu chảy, rối loạn nước điện giải.


-  Tăng cường miễn dịch bằng biện pháp thay thế để dự phòng nhiễm khuẩn cho những người bị các bệnh thiếu hụt IgG và các kháng thể khác.


-   Sử dụng thuốc Ganciclovir nhằm làm giảm mức độ suy giảm miễn dịch.

Tài liệu tham khảo 


1.  Caruso C, Buffa S, Candore G (2009): Mechanisms of immuno-senescence. Immun. Ageing 6:10.

2. Kerrey BT, Morrow A, Geraghty S, Huey N, Sapsford A, Schleiss MR (2006). "Breast milk as a source for acquisition of cytomegalovirus (HCMV) in a premature infant with sepsis syndrome: detection by real-time PCR". J Clin Virol; 35 (3): 313-316. 

3. Offermanns S, Rosenthal W (2008). Encyclopedia of Molecular Pharmacology (2nd ed.). Springer. pp. 437–438.  


4. Schleiss MR (2006). "Acquisition of human cytomegalovirus infection in infants via breast milk: natural immunization or cause for concern?". Rev Med Virol; 16 (2): 73-82. 


5. Staras SA, Dollard SC, Radford KW, Flanders WD, Pass RF, Cannon MJ (November 2006). Clin. Infect. Dis. 43 (9): 1143- 1151.


6. Ryan KJ, Ray CG (editors) (2004). Sherris Medical Microbiology (4th ed.). McGraw Hill. pp. 556; 566–9.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.