Tin tức
Bệnh gút có ảnh hưởng đến tinh trùng không? Làm cách nào để cải thiện?
- 25/06/2025 | Uống kháng sinh có ảnh hưởng đến tinh trùng không? Cần lưu ý gì?
- 02/07/2025 | Hiện tượng dị ứng tinh trùng có đúng không?
- 02/07/2025 | Ăn trứng vịt lộn có tốt cho tinh trùng không? Lưu ý quan trọng nam giới cần biết
1. Tổng quan về bệnh gút
Gút là một dạng viêm khớp do rối loạn chuyển hóa purin, làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Khi nồng độ acid uric vượt 420 µmol/L (nam) hoặc 360 µmol/L (nữ), các tinh thể urat dễ lắng đọng ở khớp, mô mềm và thận, gây viêm cấp tính hoặc tổn thương mạn tính.
Thông thường, axit uric sẽ được thận lọc và đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric hoặc khả năng đào thải của thận bị suy giảm, axit uric sẽ tích tụ lại trong máu, hình thành các tinh thể urat. Các yếu tố nguy cơ làm tăng nồng độ axit uric bao gồm:
- Chế độ ăn uống: Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật, rượu bia (đặc biệt là bia);
Chế độ ăn uống là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh gút
- Thói quen sống: Béo phì, ít vận động, hút thuốc, stress… ảnh hưởng đến quá trình bài tiết acid uric;
- Tiền sử gia đình: Gia đình có người mắc gút làm tăng nguy cơ mắc bệnh;
- Bệnh lý nền: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…;
- Sử dụng thuốc: thuốc lợi tiểu, aspirin liều thấp, thuốc ức chế miễn dịch,..
Bệnh gút thường biểu hiện qua các cơn gút cấp tính, với các triệu chứng điển hình như:
- Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm, tập trung ở một khớp (thường là ngón chân cái);
- Khớp bị ảnh hưởng sưng to, nóng, đỏ và rất nhạy cảm khi chạm vào;
- Cảm giác đau buốt, nhức nhối và nóng rát ở khớp;
- Do đau và sưng, bệnh nhân khó khăn trong việc cử động khớp.
Nhiều quý ông lo lắng không chỉ vì những cơn đau dữ dội mà còn băn khoăn bệnh gút có ảnh hưởng đến tinh trùng không?
2. Bệnh gút có ảnh hưởng đến tinh trùng không?
Câu trả lời cho thắc mắc bệnh gút có ảnh hưởng đến tinh trùng không là có thể, nếu bệnh kéo dài và không được kiểm soát tốt.
Khi nồng độ axit uric trong máu quá cao, cơ thể dễ rơi vào tình trạng viêm mạn tính. Chính tình trạng viêm này làm tăng các gốc tự do, những phân tử có hại có thể làm tổn thương môi trường sản xuất tinh trùng trong tinh hoàn. Ngoài ra, những bệnh lý nền đi kèm với gút như béo phì, hội chứng chuyển hóa, bệnh tiểu đường, suy thận có thể gây ra sự mất cân bằng hormone sinh dục, giảm sản xuất testosterone, từ đó làm giảm chất lượng tinh trùng và khả năng sinh sản.
Bệnh gút có thể ảnh hưởng đến tinh trùng nếu không kiểm soát tốt
Không chỉ vậy, bệnh gút còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh lý nam giới. Khi các mạch máu bị tổn thương do viêm, lưu lượng máu đến cơ quan sinh dục có thể suy giảm, dẫn đến giảm ham muốn hoặc rối loạn cương dương. Bên cạnh đó, những cơn đau gút thường xuyên khiến người bệnh mệt mỏi, căng thẳng, mất hứng thú với chuyện chăn gối, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng sinh sản.
3. Các phương pháp giúp cải thiện bệnh gút
Để giảm thiểu các triệu chứng của bệnh gút và giữ gìn sức khỏe sinh sản, nam giới cần tuân thủ các biện pháp quản lý bệnh một cách hiệu quả. Dưới đây là một số phương pháp cải thiện tình trạng gút:
Tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ
Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị gút. Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào nghi ngờ do thuốc gây ra, hoặc có các vấn đề về sức khỏe sinh sản và sinh lý, cần thông báo cho bác sĩ để được thăm khám và có hướng điều trị kịp thời.
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Người bệnh nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật, vì chúng có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Thay vào đó nên tăng cường rau xanh, trái cây, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin C và chất chống oxy hóa như cam, bưởi, rau lá xanh. Ăn vừa đủ đạm, ưu tiên đạm từ cá, sữa ít béo, đậu hũ.
Uống đủ nước
Uống đủ nước giúp cơ thể đào thải acid uric qua nước tiểu, từ đó giảm nguy cơ tích tụ tinh thể urat trong khớp. Nên uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày.
Tránh rượu, bia, thuốc lá
Người bệnh gút nên tránh rượu bia và thuốc lá vì chúng làm tăng acid uric trong máu và cản trở quá trình đào thải qua thận.
Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý
Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút. Giảm cân và duy trì cân nặng ở mức hợp ý có thể giúp giảm nồng độ acid uric trong cơ thể và hạn chế nguy cơ bùng phát các đợt gút cấp tính.
Duy trì cân nặng hợp lý để hạn chế nguy cơ mắc bệnh gút
Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội… giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và hỗ trợ chức năng xương khớp. Tuy nhiên, người bệnh nên tránh các bài tập nặng hay vận động quá sức, vì điều này có thể làm tăng nguy cơ tái phát cơn đau gút cấp.
Kiểm soát các bệnh lý đi kèm
Điều trị hiệu quả các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn lipid máu, vì chúng có thể ảnh hưởng đến bệnh gút và sức khỏe sinh sản.
Khám sức khỏe định kỳ
Thăm khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để theo dõi nồng độ axit uric, đánh giá tình trạng khớp và điều chỉnh phác đồ điều trị nếu cần.
Như vậy, thắc mắc bệnh gút có ảnh hưởng đến tinh trùng không đã được giải đáp chi tiết. Nếu có thêm thắc mắc cần tư vấn, giải đáp bạn đọc có thể liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
