Tin tức
Bệnh rung nhĩ - căn nguyên, triệu chứng và hướng xử trí hiệu quả
- 06/04/2021 | Phương pháp điều trị rung nhĩ phổ biến và hiệu quả nhất
- 03/04/2021 | Rung nhĩ là gì, triệu chứng và lưu ý khi điều trị bệnh
1. Căn nguyên và triệu chứng của bệnh rung nhĩ
1.1. Thế nào là rung nhĩ
Nhịp tim bị loạn trong bệnh rung nhĩ
Rung nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim có đặc trưng là sự co bóp nhanh quá mức và không đều của tâm nhĩ khiến cho tim loạn nhịp. Với người bình thường, nhịp tim ổn định duy trì trong khoảng 60 - 100 nhịp/ phút nhưng người bị rung nhĩ thì buồng nhĩ bị rối loạn và đập không đều nên nhịp tim có thể đến mức 150 - 200 nhịp/phút.
1.2. Căn nguyên gây ra bệnh rung nhĩ
Có những trường hợp có thể xác định được yếu tố khiến cho rung nhĩ xuất hiện nhưng cũng có không ít bệnh nhân bị rung nhĩ mà không rõ nguyên do. Thực tế cho thấy người bị động mạch vành hay bị rung nhĩ hơn người bình thường. Ngoài ra, bệnh cao huyết áp cũng có mối liên hệ với bệnh lý này.
Bệnh nhân bị mắc bệnh van tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, từng phẫu thuật tim cũng là đối tượng của bệnh rung nhĩ. Đôi khi rung nhĩ cũng có thể xảy ra với người bị cường giáp, tim bẩm sinh hoặc mắc bệnh phổi. So với người trẻ tuổi thì người cao tuổi có nguy cơ bị rung nhĩ cao hơn. Bệnh tiểu đường, ma túy, nghiện đồ uống có cồn cũng dễ xuất hiện rung nhĩ.
Nói tóm lại, căn nguyên chính xác của bệnh rung nhĩ đến nay vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên, việc nắm bắt được các yếu tố nguy cơ nêu trên sẽ giúp phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ở mức tối đa.
1.3. Triệu chứng cảnh báo bị rung nhĩ
Có những người ngay khi mới chớm bệnh đã có triệu chứng nhưng cũng có những trường hợp bị bệnh mà không xuất hiện triệu chứng đặc biệt nào. Về cơ bản, triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào căn nguyên gây ra nó, độ tuổi cũng như mức độ mà nó ảnh hưởng đến khả năng co bóp của tim.
Nếu xuất hiện triệu chứng thì người bị rung nhĩ thường gặp tình trạng:
Người bị bệnh rung nhĩ thường gặp triệu chứng đánh trống ngực, tim đập nhanh quá mức bình thường
- Tim đập không đều, đập nhanh, bị đánh trống ngực.
- Có cảm giác ngộp thở và đau ở ngực.
- Bị khó thở, mệt mỏi, yếu, chóng mặt.
- Bất tỉnh đột ngột.
- Đi tiểu nhiều lần.
Với những người bị rung nhĩ kèm theo biến chứng đột quỵ thì có thể xuất hiện thêm các triệu chứng:
- Bỗng nhiên một bên mắt nhìn mờ hoặc nhòe đi.
- Một phần cơ thể yếu đột ngột.
- Cảm thấy khó để nói hay hiểu người khác.
- Bị đau đầu dữ dội một cách đột ngột mà không rõ nguyên do.
Đây là những trường hợp cần được cấp cứu ngay ở cơ sở y tế gần nhất để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
2. Mức độ nguy hiểm và hướng xử trí với bệnh rung nhĩ
2.1. Rung nhĩ nguy hiểm như thế nào
Rung nhĩ là bệnh không những làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có thể gây ra biến chứng vô cùng nguy hiểm khi không được điều trị từ sớm. Người bị mắc bệnh lý này có nguy cơ tử vong hơn so với người thường 1.5 - 3.5 lần, nguy cơ bị tâm thần phân liệt tăng 1.6 lần và bị suy giảm nhận thức tăng gấp 1.4 lần.
Không những thế, bệnh còn làm tăng khả năng tai biến mạch máu não lên 20 - 30% và khiến cho chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm sút tới 60%. Người bị rung nhĩ có nguy cơ phải đối mặt với trầm cảm, suy tim, tắc mạch ngoại vi hay đột quỵ vì trong buồng nhĩ tồn tại huyết khối.
2.2. Hướng xử trí với bệnh rung nhĩ
Hiện nay, mục tiêu của việc điều trị bệnh rung nhĩ là nhằm:
- Dự phòng nguy cơ biến chứng: việc hình thành huyết khối trong buồng nhĩ có thể khiến cho những cục máu đông này di chuyển theo dòng máu đi đến khắp các bộ phận của cơ thể và khiến cho mạch bị tắc, phổ biến nhất là tắc mạch máu não sinh ra đột quỵ não. Để đạt mục đích này, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc chống đông máu.
Kiểm soát tốt huyết áp là một trong những cách giúp phòng ngừa hiệu quả biến chứng của rung nhĩ
- Kiểm soát nhịp đập tâm thất đồng thời chuyển được về nhịp xoang bình thường: những người bị rung nhĩ cấp tính hoặc dạng cơn có thể điều trị bằng sốc điện, thuốc hoặc triệt đốt rung nhĩ để khiến cho nhịp tim quay trở về như bình thường. Với trường hợp rung nhĩ kéo dài thì khó đạt mục đích này hơn và bệnh cũng dễ tái phát.
Số đông bệnh nhân rung nhĩ mạn tính có thể kiểm soát nhịp thất trong giới hạn bình thường bằng việc sử dụng thuốc ngăn chặn các xung động điện ở tâm nhĩ qua tâm thấy. Tùy thuộc vào mức độ bệnh, triệu chứng xuất hiện hay bệnh lý kèm theo ở từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ quyết định điều trị bệnh rung nhĩ bằng thuốc, can thiệp qua da hoặc tiến hành phẫu thuật.
Điều quan trọng nhất để đạt được những mục đích này là người bệnh cần phải tuân thủ đúng chỉ dẫn điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên lựa chọn cho mình một lối sống tốt bằng cách tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống, cách thức vận động sao cho phù hợp.
Ngoài ra, người mắc bệnh rung nhĩ cũng có thể chủ động kiểm soát bệnh bằng cách:
- Tuyệt đối không được hút thuốc là và cần tránh xa nơi có khói thuốc.
- Ăn chế độ ăn lành mạnh: hạn chế chất béo bão hòa, giảm muối, tăng cường trái cây tươi và rau xanh.
- Không quên tập thể dục đều đặn mỗi ngày bằng những bài tập vừa với thể lực của mình.
- Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý.
- Kiểm soát tốt huyết áp của mình.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi diễn tiến của bệnh, kịp thời có biện pháp xử lý khi bệnh diễn tiến nặng hơn.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hay cần tư vấn các vấn đề có liên quan đến bệnh rung nhĩ cũng như các bệnh lý về tim, bạn đọc có thể trao đổi qua hotline 1900 56 56 56. Đây là tổng đài trực tuyến được phụ trách bởi đội ngũ chuyên gia Y tế giàu kinh nghiệm của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC nên đảm bảo sẽ giúp bạn có được những thông tin bổ ích về vấn đề sức khỏe mà bạn đang quan tâm.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!