Tin tức
Bệnh viêm phổi kẽ chữa được không, phương pháp điều trị là gì?
- 16/04/2021 | Nguyên nhân gây bệnh phổi kẽ và cách điều trị hiệu quả
- 01/11/2023 | Bệnh phổi kẽ và những thông tin cần biết
- 02/01/2025 | Nhận biết triệu chứng bệnh phổi và những đối tượng cần phải lưu ý
1. Khái quát nguyên nhân gây nên và triệu chứng gặp phải ở bệnh viêm phổi kẽ
1.1. Các yếu tố nguy cơ gây nên bệnh viêm phổi kẽ
Bệnh phổi kẽ (interstitial lung disease - ILD) là tên chung của một nhóm bệnh gây tổn thương tổ chức kẽ của phổi (vách phế nang, tổ chức kẽ liên phế nang, mạch máu phổi). Mô kẽ là phần liên kết giữa các túi khí (phế nang) của phổi và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng hô hấp. Khi xảy ra tình trạng viêm tại đây, các mô này bị thay thế dần bằng mô xơ, khiến mô phổi mất đi độ đàn hồi và khả năng trao đổi khí.
Dựa trên nguyên nhân gây bệnh, viêm phổi kẽ được phân loại thành:
- Viêm phổi kẽ nguyên phát: Không rõ nguyên nhân cụ thể, thường gặp ở người lớn tuổi.
- viêm phổi kẽ thứ phát: Liên quan đến các bệnh lý nền hoặc do tác động của môi trường như hít phải bụi mịn, khói thuốc hoặc do phản ứng với thuốc.
Do chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến viêm phổi kẽ nên những yếu tố sau được cho là góp phần hình thành bệnh lý này:
- Yếu tố di truyền làm làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở những người có tiền sử gia đình đối với bệnh lý về phổi.
- Tiếp xúc với các chất gây hại như bụi mịn, hóa chất công nghiệp hoặc khói thuốc lá.
- Phản ứng tự miễn của hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các mô phổi, gây viêm và xơ hóa.
- Một số loại vi khuẩn hoặc virus kích thích phản ứng viêm kéo dài.
1.2. Triệu chứng gặp phải ở bệnh nhân viêm phổi kẽ
Các triệu chứng của viêm phổi kẽ thường tiến triển chậm và không rõ ràng ở giai đoạn đầu. Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Khó thở khi vận động hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Cơn ho khan dai dẳng trong thời gian dài.
- Mệt mỏi thường xuyên do suy giảm chức năng phổi.
- Đau ở vùng ngực.
Viêm phổi kẽ gây nên nhiều triệu chứng khiến bệnh nhân bị suy giảm khả năng hô hấp nghiêm trọng
2. Bệnh viêm phổi kẽ chữa được không, điều trị bằng phương pháp nào?
2.1. Có thể chữa khỏi bệnh viêm phổi kẽ hay không?
viêm phổi kẽ chữa được không là câu hỏi được rất nhiều bệnh nhân đặt ra. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung (Bệnh viện phổi trung ương) chia sẻ trong chương trình “Bệnh phổi kẽ” do Bệnh viện phổi trung ương tổ chức: tổn thương do bệnh viêm phổi kẽ khiến quá trình trao đổi khí bị hạn chế và tiến triển xơ phổi. Đây là dạng tổn thương không có khả năng hồi phục.
Tiên lượng đối với bệnh nhân viêm phổi kẽ khá xấu: có đến 50% bệnh nhân tử vong sau khi phát hiện bệnh 2.5 năm, 20% bệnh nhân sống được 5 năm và thậm chí trường hợp nặng còn tử vong trong vòng vài tháng.
Cũng theo, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, người bị viêm phổi kẽ sẽ phải điều trị bệnh suốt đời và chi phí điều trị tương đối cao.
Như vậy, với câu hỏi: Viêm phổi kẽ có chữa được không, người bệnh cần lưu ý rằng hiện không có phương pháp nào chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Mục tiêu chính trong điều trị viêm phổi kẽ hiện nay là làm chậm tiến trình xơ hóa, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ sẽ giúp đạt được mục tiêu này.
Tiên lượng và mức độ nặng của ILD còn phụ thuộc vào loại ILD và các yếu tố như bệnh đi kèm, tốc độ suy giảm chức năng phổi, tình trạng hút thuốc, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của từng cá nhân.
Cũng từ chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Viết Nhung trong chương trình “Bệnh phổi kẽ”, nếu người bệnh được điều trị sớm, tỷ lệ kéo dài tuổi thọ có thể đến 80%, có khoảng > 60% bệnh nhân sống được 1 - 2 năm và khoảng 40% bệnh nhân sống được 2 - 4 năm.
Người nhà bệnh nhân được bác sĩ giải đáp câu hỏi viêm phổi kẽ chữa được không
2.2. Phương pháp điều trị viêm phổi kẽ
Để điều trị bệnh viêm phổi kẽ, các phương pháp có thể được áp dụng gồm:
2.2.1. Điều trị bằng thuốc
Tùy vào nguyên nhân và mức độ bệnh, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc sau:
- Thuốc kháng viêm
+ Corticosteroid: Giúp giảm viêm, thường được chỉ định cho các trường hợp viêm phổi kẽ do bệnh tự miễn.
+ Thuốc ức chế miễn dịch: Được dùng khi nguyên nhân viêm phổi kẽ liên quan đến hệ miễn dịch.
+ Thuốc chống xơ hóa phổi giúp làm chậm quá trình xơ hóa phổi, giúp bảo tồn chức năng hô hấp.
+ Thuốc giãn phế quản và hỗ trợ hô hấp: Giúp giảm triệu chứng khó thở và cải thiện khả năng trao đổi khí của phổi.
2.2.2. Liệu pháp oxy
Bệnh nhân viêm phổi kẽ giai đoạn nặng thường bị thiếu oxy do phổi bị xơ hóa. Việc điều trị bằng liệu pháp oxy giúp giảm áp lực lên tim, cải thiện khả năng hô hấp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
2.2.3. Phẫu thuật ghép phổi
Phẫu thuật ghép phổi mở ra cơ hội sống mới cho những bệnh nhân viêm phổi kẽ không đáp ứng với hai phương pháp điều trị nêu trên và bệnh nhân có tiên lượng xấu. Đây là một kỹ thuật phức tạp, đi kèm nhiều rủi ro tiềm ẩn nên bác sĩ sẽ thận trọng trong việc đưa ra quyết định. Người bệnh cần được phẫu thuật tại cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi, kinh nghiệm lâu năm cùng sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y khoa tiên tiến.
Bác sĩ sẽ thận trọng để cân nhắc, đưa ra phương án điều trị tối ưu cho bệnh nhân viêm phổi kẽ
Những chia sẻ trên đây hy vọng đã trả lời giúp bạn thắc mắc bệnh viêm phổi kẽ chữa được không và phương pháp điều trị là gì. Tuy chưa thể chữa khỏi nhưng không thể bỏ qua vai trò của việc phát hiện để điều trị bệnh sớm vì đây chính là yếu tố ảnh hưởng đến tăng tiên lượng sống cho bệnh nhân.
Nếu bị khó thở trong thời gian dài mà không xuất phát từ bất kỳ bệnh lý nào về phổi, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay để được chẩn đoán đúng, phòng ngừa nguy cơ bị viêm phổi kẽ.
Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa Hô hấp - Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ xác nhận lịch hẹn nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
