Tin tức
Các kỹ thuật phẫu thuật lõm xương ức và lưu ý cho người bệnh
- 15/06/2022 | Kỹ thuật chụp X - quang xương ức thẳng nghiêng
- 01/10/2023 | Vì sao sáng ngủ dậy bị đau xương ức?
- 26/09/2024 | Chi phí phẫu thuật xương ức: những vấn đề người bệnh quan tâm
1. Phẫu thuật lõm xương ức là gì?
Phẫu thuật lõm xương ức là phương pháp chỉnh sửa khung xương sườn về đúng vị trí cũ, từ đó cải thiện đáng kể hình dáng ngực. Phương pháp này thường được chỉ định đối với những trường hợp bị lõm ngực từ trung bình đến nghiêm trọng.
Sau khi phẫu thuật, hình dạng ngực biến dạng của người bệnh sẽ được điều chỉnh và từ đó chức năng hô hấp cũng sẽ được cải thiện và các cơ quan như tim, phổi cũng sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, những triệu chứng bệnh như khó thở, đau ngực, sức bền kém cũng được cải thiện đáng kể.
Trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị lõm xương ức
Với những trường hợp luôn tự ti, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh, thậm chỉ bỏ lỡ việc học hành vì hình dạng ngực bất thường thì kết quả phẫu thuật chính là cơ hội mới để người bệnh cải thiện được ngoại hình, tự tin hơn, vui vẻ hơn và thoải mái thực hiện những điều mà mình yêu thích.
2. Những ai cần phẫu thuật lõm xương ức?
Với những trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ sẽ giúp người bệnh điều trị bệnh bằng những bài tập điều chỉnh tư thế và hình dáng ngực. Tuy nhiên, cần thực hiện lâu dài mới có được kết quả như mong muốn.
Những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nghiêm trọng, phẫu thuật có thể là một giải pháp phù hợp. Nếu đáp ứng những tiêu chí sau, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật cho trẻ:
- Điểm PSI (chỉ số lõm ngực) cao hơn 3,25.
- Không chỉ bất thường về ngoại hình, trẻ còn gặp phải những biến chứng nghiêm trọng liên quan đến tim mạch có thể kể đến như tình trạng rối loạn nhịp tim, chèn ép hay dịch chuyển tim, có tiếng thổi ở tim,...
Nếu trẻ gặp phải những biến chứng nghiêm trọng thì cần phẫu thuật lõm xương ức.
- Do tình trạng lõm xương ngực, trẻ gặp phải những bất thường về phổi, khiến trẻ khó thở và ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt thường ngày.
- Trẻ đã được áp dụng các bài tập cải thiện tình trạng lõm ngực nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn.
- Do có ngoại hình khác thường, trẻ thường e ngại tiếp xúc với bạn bè xung quanh. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm.
Để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ, việc phẫu thuật lõm xương ức cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần thực hiện phẫu thuật, nếu trẻ thuộc nhóm đối tượng sau thì phẫu thuật lõm xương ức không phải là giải pháp phù hợp:
- Trẻ gặp phải một số vấn đề về tim và nguyên nhân không phải là do tình trạng biến dạng lồng ngực gây ra.
- Chậm phát triển trí não.
- Sau sinh, trẻ gặp nhiều vấn đề sức khỏe phức tạp.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu.
3. Các kỹ thuật phẫu thuật lõm ngực phổ biến
Hiện nay, 2 loại phẫu thuật được áp dụng phổ biến trong điều trị lõm xương ức là phẫu thuật mở (Ravitch) và phẫu thuật nội soi nâng ngực (Nuss). Hai phương pháp này đều có thể giúp trẻ khôi phục xương ức về hình dạng bình thường. Hơn nữa, tỷ lệ tái phát bệnh rất thấp.
- Phẫu thuật mở Ravitch: Đây là phương pháp mổ mở, các bác sĩ sẽ rạch một đường ngang qua phần trước của ngực. Sau đó loại bỏ phần sụn gây biến dạng xương ức. Tiếp đó mở xương ức và dùng thanh kim loại để cố định xương ức. Sau khoảng 6 đến 12 tháng, thanh kim loại này sẽ được lấy ra. Tuy mang lại hiệu quả cao nhưng phương pháp này có thể để lại sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của trẻ.
Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ lựa chọn những phương pháp phẫu thuật phù hợp
- Phẫu thuật nội soi Nuss: Các bác sĩ chỉ thực hiện 2 vết mổ rất nhỏ ở 2 bên ngực. Sau đó, đưa một chiếc camera nhỏ vào lồng ngực để có thể quan sát bên trong. Tiếp đó, đưa thanh nâng ngực để đặt dưới xương ức, giúp xương phát triển đúng cách. Sau một thời gian, xương ổn định, bác sĩ sẽ thực hiện lấy thanh nâng ra. Ưu điểm của phương pháp này là hạn chế chảy máu, giảm đau đớn và đảm bảo tính thẩm mỹ.
4. Một số lưu ý khi phẫu thuật lõm xương ức
- Trước phẫu thuật:
+ Trẻ sẽ được thực hiện một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm cần thiết như điện tâm đồ, chụp X-quang ngực thẳng, chụp CT ngực, xét nghiệm chức năng phổi, kiểm tra mức độ gắng sức.
+ Bố mẹ cần thông báo với bác sĩ nếu trẻ đang dùng thuốc hay thực phẩm chức năng.
- Vào ngày phẫu thuật:
+ Trẻ cần nhịn ăn trước mổ 8 tiếng, nhịn uống trước mổ 6 tiếng.
+ Kiểm tra sức khỏe. Nếu có bất thường sẽ thực hiện hoãn mổ.
- Chăm sóc sau mổ:
+ Trẻ cần được nằm viện để được theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe.
+ Một ngày sau mổ, trẻ có thể ngồi dậy và tập hít thở sâu.
Cần đưa trẻ đi tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ
Khi trẻ giảm đau và có thể tự đi lại mà không cần trợ giúp, trẻ có thể được xuất viện. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc trẻ tại nhà để trẻ sớm hồi phục và sớm quay lại các hoạt động thường ngày.
Sau phẫu thuật từ 4 đến 8 tuần, trẻ cần lưu ý:
- Không nằm nghiêng hay nằm sấp.
- Không vươn tay qua đầu, cúi người.
- Không bê vật nặng.
- Không thực hiện các động tác thể dục quá sức.
- Không đeo ba lô nặng.
Trên đây là một số thông tin về phẫu thuật lõm xương ức và một số điều cần lưu ý. Nếu được điều trị phẫu thuật đúng thời điểm, trẻ có thể được cải thiện đáng kể tình trạng bệnh, thậm chí có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Lời khuyên của bác sĩ dành cho các bậc phụ huynh là nên quan sát kỹ những bất thường của trẻ và nhanh chóng đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời, hiệu quả.
Nếu còn có thắc mắc về các vấn đề sức khỏe của trẻ hoặc có nhu cầu đặt lịch khám cho con, các bậc phụ huynh vui lòng liên hệ đến Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài chăm sóc khách hàng 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!