Tin tức
Các phương pháp điều trị hội chứng Dumping hiệu quả
- 17/01/2021 | Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh: Mẹ phải làm sao?
- 17/01/2021 | Đau dạ dày nên ăn gì và kiêng gì để mau chóng hồi phục?
- 06/01/2021 | Nhận biết dấu hiệu ung thư dạ dày qua từng giai đoạn
1. Hội chứng Dumping là gì?
Hội chứng Dumping, hay còn gọi là hội chứng dạ dày rỗng xảy ra khi thức ăn di chuyển từ dạ dày đến ruột non và các cơ quan cuối của hệ tiêu hóa quá nhanh. Hội chứng này không gặp ở người bình thường, chỉ xuất hiện ở người đã từng phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày.
Những người sau phẫu thuật dạ dày có thể gặp hội chứng dạ dày rỗng
Đa phần người bệnh mắc hội chứng này sẽ có triệu chứng đau quặn bụng, tiêu chảy sau khi ăn 10 - 30 phút, đặc biệt là thực phẩm chứa nhiều đường. Số ít người xuất hiện triệu chứng Dumping sau khi ăn 1 - 3 giờ.
Với các trường hợp nhẹ, có thể ngăn ngừa hội chứng Dumping bằng việc thay đổi chế độ ăn uống với các bữa ăn chia nhỏ hơn (6 - 8 bữa ăn mỗi ngày) và hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường. Các trường hợp mắc hội chứng này nghiêm trọng, không thể phòng ngừa và kiểm soát bằng chế độ ăn sẽ phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật điều trị.
2. Hội chứng Dumping - những triệu chứng điển hình
Triệu chứng của hội chứng này thường đến ngay sau khi người bệnh ăn, sớm hay muộn còn tùy từng người bệnh nhưng thường là 30 phút - 1 giờ. Đặc biệt nếu bữa ăn của bạn chứa nhiều đường tinh luyện (trong bánh kẹo, thực phẩm chế biến sẵn) hoặc đường Fructose (từ trái cây nhiều đường) thì dấu hiệu có thể nặng hơn và kéo dài hơn.
Ăn nhiều đường khiến triệu chứng Dumping nặng hơn
Cụ thể, người bệnh bị hội chứng Dumping sẽ xuất hiện những triệu chứng sớm sau:
-
Nôn mửa.
-
Buồn nôn.
-
Tiêu chảy.
-
Đau quặn bụng.
-
Chóng mặt, tinh thần rối loạn.
-
Mặt đỏ bừng.
-
Nhịp tim nhanh.
Những triệu chứng muộn thường xuất hiện sau khi ăn khoảng 1 đến 3 tiếng. Nguyên nhân do khi ăn, cơ thể hấp thu lượng lớn đường có trong ruột non và giải phóng insulin nhiều, kết quả là lượng đường trong máu thấp. Người bệnh sẽ gặp phải những tình trạng sau:
-
Đổ mồ hôi, cảm giác mệt lả.
-
Chóng mặt choáng váng.
-
Tụt đường huyết.
-
Mất hoặc rối loạn ý thức.
-
Run rẩy, nhịp tim nhanh,...
Không phải tất cả bệnh nhân đều gặp phải cả hai triệu chứng sớm và muộn của hội chứng Dumping, song triệu chứng sớm thường luôn có. Tình trạng này có thể xuất hiện không thường xuyên nhưng sẽ nhiều hơn sau những bữa ăn nhiều đường và phát triển nặng hơn sau phẫu thuật dạ dày vài năm.
3. Hội chứng Dumping - chẩn đoán và điều trị
Hiện nay, người bệnh nghi ngờ mắc hội chứng dạ dày rỗng sẽ cần chẩn đoán và điều trị như sau:
3.1. Chẩn đoán
Để xác định bạn có đúng mắc hội chứng Dumping hay không, cần kết hợp các phương pháp sau:
Kiểm tra bệnh sử và đánh giá triệu chứng
Việc xem xét bạn đã từng phẫu thuật dạ dày hoặc bộ phận khác của hệ tiêu hóa rất quan trọng, kết hợp với xem xét dấu hiệu và triệu chứng bạn gặp phải, bác sĩ có thể phỏng đoán nguyên nhân do hội chứng Dumping.
Xét nghiệm đường huyết để chẩn đoán hội chứng Dumping
Xét nghiệm đường huyết
Hội chứng Dumping thường gây ra tình trạng tụt đường huyết sau khi ăn 1 - 3 giờ, vì thế xét nghiệm đường huyết sau khi ăn ở thời điểm cao nhất của triệu chứng sẽ giúp xác định chẩn đoán.
Chụp rửa dạ dày
Chụp rửa dạ dày sử dụng chất phản xạ thêm vào thức ăn, sau đó dùng phương pháp hình ảnh để kiểm tra tốc độ thức ăn di chuyển đến dạ dày và tới ruột non. Thông tin này có giá trị lớn trong chẩn đoán hội chứng Dumping.
3.2. Điều trị
Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều sẽ tự khỏi sau khoảng 3 tháng, tuy nhiên trong khoảng thời gian này những triệu chứng sẽ gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh. Vì thế bác sĩ sẽ hướng dẫn can thiệp giảm triệu chứng bằng những biện pháp sau:
Thay đổi chế độ ăn uống
Với những người mắc hội chứng này cần lưu ý khi ăn uống như sau:
Chia nhỏ các bữa ăn: Việc chia nhỏ bữa ăn sẽ khiến dạ dày của bạn không bị quá no hoặc quá đói, lượng thức ăn chuyển xuống ruột non và cung cấp đường sẽ giảm xuống. Vì thế hội chứng Dumping cũng được cải thiện.
Tránh uống nước trước và sau khi ăn: Uống nước giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu hóa thức ăn và đẩy thức ăn xuống ruột non, nó khiến tình trạng bệnh thêm nặng hơn.
Hãy hạn chế uống nước ngay sau khi ăn với những người mắc hội chứng dạ dày rỗng
Nhai kỹ: Việc nhai kỹ giúp giảm gánh nặng cho dạ dày, việc tiêu hóa thức ăn cũng hiệu quả hơn.
Thay đổi dinh dưỡng: Nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường như siro, kẹo, đường, nước ép trái cây, nước ngọt, bánh ngọt, sữa,… Thay vào đó bổ sung Protein có trong cá, thịt, bơ đậu phộng, ngũ cốc, yến mạch,…
Tăng cường chất xơ: Chất xơ có trong thực phẩm giúp làm chậm sự hấp thu tinh bột, chuyển hóa thành đường tại ruột non. Như vậy các triệu chứng do hội chứng Dumping gây ra, nhất là triệu chứng muộn sẽ được cải thiện.
Ngồi thẳng sau khi ăn: Việc này giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, không nên nằm hoặc chạy nhảy, vận động mạnh sau khi ăn trong 30 - 60 phút.
Tăng cường Vitamin, canxi và sắt: những dưỡng chất này thường bị thiếu hụt ở những bệnh nhân sau phẫu thuật dạ dày, vì thế có thể cần bổ sung tăng cường bằng thực phẩm chức năng ngoài thức ăn thông thường.
Dùng thuốc
Nếu chế độ ăn uống không giúp người bệnh giảm cảm giác đau đớn, khó chịu thì bác sĩ sẽ xem xét kê đơn thuốc Octreotide. Thuốc này được tiêm dưới da, có tác dụng làm chậm tốc độ thức ăn đi vào ruột và triệu chứng của Dumping cũng sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên đây không phải là biện pháp điều trị hội chứng Dumping được khuyến khích bởi nó gây 1 số tác dụng phụ như: buồn nôn, đau bụng, nôn,…
Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng để điều trị Dumping
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cuối cùng được lựa chọn cho người bệnh mắc hội chứng Dumping, chỉ trong trường hợp triệu chứng không được cải thiện với những phương pháp điều trị khác.
Trên đây là những thông tin về hội chứng Dumping, nếu cần hỗ trợ thêm, hãy liên hệ với chuyên gia MEDLATEC qua đường dây nóng 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!