Tin tức

Cây phèn đen chữa bách bệnh là những bệnh nào?

Ngày 02/08/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Cây phèn đen được dân gian lưu truyền với khả năng chữa bách bệnh. Nếu bạn đã từng nghe đến dược liệu này hoặc thắc mắc về công dụng chữa bệnh của cây phèn đen thì hãy tham khảo chia sẻ dưới đây để có thêm thông tin cho thắc mắc của mình.

1. Khái quát đặc điểm cây phèn đen

Cây phèn đen (chè nộc, cây mực, tạo phan diệp) thuộc họ thầu dầu, là loài cây bụi cao trung bình 2 - 4m. Cành phèn đen gầy, màu đen nhạt, có lông xám. 

Lá cây phèn đen mọc so le, hình bầu dục hoặc trứng ngược, phiến mỏng, nhẵn đều 2 mặt. 

Mùa ra hoa và quả của cây phèn đen vào khoảng tháng 8 - 10. Hoa phèn đen mọc ra từ nách lá, ban đầu có màu trắng sau chuyển dần sang đỏ hồng. Hoa có thể mọc đơn hoặc tạo chùm với 3 - 4 hoa đực và hoa cái. Hoa cái to hơn so với hoa đục, có 6 - 12 ô trong một cái bầu, trong mỗi ô lại có 2 noãn. Quả phèn đen hình cầu, có hạt màu nâu nhạt bên trong. Khi còn xanh, quả có màu trắng xanh rồi chuyển dần sang màu đỏ và đen khi chín hẳn.

Vào buổi tối, loài cây này thường tỏa mùi khó chịu, khác với mùi khi dùng tay vò nát lá cây. Do đặc tính thích điều kiện sống ẩm ướt hoặc bóng mát nên dễ tìm thấy cây phèn đen ở ven sông suối, nương rẫy, ven rừng.

Phèn đen tập trung nhiều ở phía Nam của Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. Hầu hết các tỉnh ở nước ta đều có cây phèn đen nhưng nhiều nhất là ở trung du Bắc Bộ.

Quả phèn đen màu đen nhánh khi chín

Quả phèn đen màu đen nhánh khi chín 

2. Thành phần hóa học và cách thức khai thác dược liệu cây phèn đen

2.1. Thành phần hóa học

Trong cây phèn đen chứa nhiều flavonoid. Phần rễ của loài cây này chứa frieden - 3ß - ol, glochidonol, epifriedelinol, taraxeryl acetat, taraxerol, friedelin, betulin, octacosanol.

2.2. Cách khai thác dược liệu

Cả rễ, vỏ thân và lá của cây phèn đen đều có thể dùng làm dược liệu. Lá cây chủ yếu được thu hoạch vào mùa xuân - hè sau đó đem phơi khô để dùng dần. Phần rễ cây thường lấy vào mùa thu, đem rửa sạch rồi thái nhỏ và sấy hoặc phơi khô. Riêng phần vỏ thân cây có thể thu hoạch bất cứ thời điểm nào trong năm, dùng được cả dạng tươi và khô.

3. Công dụng của dược liệu phèn đen

Y học hiện đại cho rằng cây phèn đen chứa các thành phần có khả năng kháng khuẩn Bacillus subtilis, Escherichia coli và Shigella flexneri. Cao từ lá phèn đen chứa thành phần kháng khuẩn Plasmodium falciparum. Chất Flavonoid trong phèn đen ức chế hoạt tính men polyphenoloxydase huyết thanh người. Vì thế, dược liệu này có tác dụng giảm viêm, kháng khuẩn tương đối hiệu quả.

Y học cổ truyền quan niệm dược liệu phèn đen có tính mát, vị chát, công dụng lương huyết, thu liễm nên được dùng để giải độc, sát khuẩn, giảm đau, cầm máu,...

Cây phèn đen được dùng với nhiều dược liệu khác trong các bài thuốc chữa bệnh dân gian

Cây phèn đen được dùng với nhiều dược liệu khác trong các bài thuốc chữa bệnh dân gian

4. Bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu cây phèn đen

4.1. Chữa kiết lỵ

- Chuẩn bị: một lượng bằng nhau gồm các dược liệu: cam thảo đất, ý dĩ khô, mạch nha, lá phèn đen tươi.

- Cách thực hiện: giã nát lá phèn đen rồi cho thêm nước vào để lọc lấy nước cốt. Các dược liệu còn lại hãy tán thành bột mịn, mỗi lần uống trộn 1/2 thìa bột hỗn hợp dược liệu với nước phèn đen để uống.

4.2. Chữa rắn cắn

- Chuẩn bị: một nắm lá phèn đen tươi.

- Cách thực hiện: rửa sạch rồi giã nát lá phèn đen sau đó vắt lấy nước để nuốt còn phần bã dùng để đắp lên vết rắn cắn. Cách này chỉ có tác dụng sơ cứu, sau khi sơ cứu vẫn cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được xử trí an toàn.

4.3. Chữa chảy máu chân răng

- Chuẩn bị: một lượng bằng nhau gồm: lá cây phèn đen khô, long não và lá xuyên tiêu.

- Cách thực hiện: giã nhuyễn toàn bộ dược liệu rồi ngậm trong miệng.

4.4. Chữa đau nhức do nhọt độc

- Chuẩn bị: một nắm lá phèn đen tươi và lá bèo ván.

- Cách thực hiện: giã nhuyễn hai loại lá này rồi đắp lên nốt nhọt chưa bị vỡ.

4.5. Chữa đi ngoài phân lỏng do nhiệt

- Chuẩn bị: 40g ngọn lá phèn đen sao vàng, 40g đậu đen đã sao vàng.

- Cách thực hiện: sắc dược liệu cùng 800ml nước đến khi còn 200ml thì chắt nước chia thành 3 lần uống/ngày, duy trì 3 - 5 ngày.

4.6. Chữa bệnh trĩ độ 1

- Chuẩn bị: lấy một nắm nhỏ trắc bách diệp và lá phèn đen tươi, 5 lá huyết dụ.

- Cách thực hiện: rửa sạch toàn bộ dược liệu rồi thái nhỏ, sao vàng sau đó hạ thổ và sắc cùng 800ml nước đến khi chỉ còn 200ml thì lấy 150ml thành các lần uống trong ngày. 50ml còn lại pha thêm với nước, tiếp tục nấu sôi rồi dùng để rửa hậu môn 2 lần/ngày.

4.7. Chữa vết thương sưng đau và bầm tím

- Chuẩn bị: 30g lá phèn đen tươi.

- Cách thực hiện: rửa sạch, giã nhuyễn lá phèn đen tươi rồi đắp trực tiếp lên vùng bị sưng bầm.

4.8. Chữa gai cột sống

- Chuẩn bị: 30g lá phèn đen khô, 30g lá lốt khô, 10g rễ gấc, 20g lá bưởi bung, 10g cỏ xước.

- Cách thực hiện: toàn bộ dược liệu đem sao vàng sau đó sắc cùng 1.5 lít nước đến khi còn khoảng 500ml thì chắt nước chia thành 3 lần uống.

Dùng cây phèn đen với một số dược liệu khác có thể chữa bệnh gai cột sống

Dùng cây phèn đen với một số dược liệu khác có thể chữa bệnh gai cột sống

4.9. Chữa thận hư

- Chuẩn bị: 20g mỗi vị: cây muối, cây phèn đen, cây mực.

- Cách thực hiện: sắc tất cả dược liệu trong 1.5 lít nước đến khi còn khoảng 1/2 thì chắt nước uống trong ngày.

4.10. Chữa thủy đậu

- Chuẩn bị: 1 nắm gồm rễ, lá và thân cây phèn đen.

- Cách thực hiện: rửa sạch dược liệu sau đó để ráo nước và sắc với 300ml nước cho đến khi chỉ còn 1 chén nhỏ nước. Chắt phần nước này ra cốc rồi sau đó thêm vào 1/2 thìa cà phê muối vào, đánh tan. Cho trẻ uống 2/3 cốc nước vừa pha, 1/3 còn lại hãy lấy bông tăm chấm vào rồi chấm lên các nốt thủy đậu. Làm như vậy cho đến khi không còn dấu hiệu của bệnh.

Những bài thuốc chữa bệnh từ cây phèn đen trên đây được dân gian truyền miệng, không có căn cứ khoa học để khẳng định tính an toàn và hiệu quả. Vì thế, trước khi dùng dược liệu này, người bệnh cần thăm khám, trao đổi để được sự hướng dẫn chi tiết từ thầy thuốc Đông y.

Từ khoá: thủy đậu

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.