Tin tức

Cây cối xay chữa bệnh gì?

Ngày 03/08/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Cây cối xay mọc hoang, dễ tìm và có thể dùng như một dược liệu tự nhiên để chữa bệnh. Vậy dược liệu cối xay có tác dụng gì? Cách dùng ra sao? Hãy cùng MEDLATEC theo dõi bài viết sau đây để hiểu thêm về loài dược liệu tự nhiên này.

1. Đặc điểm sinh học cây cối xay

Cây cối xay (quýnh ma, giàng xay, kim hoa thảo,...), họ Malvaceae, là cây bụi có sức sống tốt, cao 1 - 1.5m. Bên ngoài cành cây cối xay có lớp lông mềm, nhỏ. Lá cây cối xay hình tim nhọn ở đầu, mọc so le, mép lá có khía răng. Mặt trên và mặt dưới của lá đều bao phủ lớp lông mềm.

Hoa cây cối xay mọc đơn độc ở kẽ lá, màu vàng. Cuống hoa dài, gấp khúc. Cánh hoa hình nêm hoặc tam giác ngược.

Tên cối xay có lẽ được gợi từ sự liên kết của các nang xếp khít ở quả tạo thành hình giống với chiếc cối xay. Mỗi lá noãn thường chứa 3 hạt, màu đen nhạt, nhãn, hình thận.

Trên thế giới, cây cối xay mọc nhiều ở châu Á. Ở nước ta, loài cây này mọc rải rác ở nhiều vùng, chủ yếu trên bờ nương rẫy, ven đồi. 

Tháng 3 - 5 là thời điểm cây con mọc lên từ hạt sau đó sinh trưởng nhanh và ra hoa vào vụ hè thu. Nếu cây bị chặt, phần còn lại vẫn có khả năng sinh trưởng bình thường.

Cây cối xay ưa sáng, ưa ẩm, rụng lá vào mùa khô hoặc đông. Khi chín, quả sẽ tự tách để hạt rơi ra ngoài. Đây cũng là cách để cây sinh trưởng và phát triển.

Hình ảnh giúp nhận diện cây cối xay

Hình ảnh giúp nhận diện cây cối xay

2. Thành phần hóa học và công dụng dược liệu của cây cối xay

2.1. Thành phần hóa học cây cối xay

Trong thành phần hóa học chính của cây cối xay có: 

- Đường: galactose, glucose, fructose.

- Axit amin: valin, arginin, alanin, axit glutamic.

- Flavonoid: cyanidin-3-rutinosid, gossypitin, gossypin.

Riêng phần hạt của cây cối xay có các loại axit béo như axit stearic, axit palmitic; 5% dầu béo; 1.7% không xà phòng hóa.

Mọi bộ phận của cây cối xay đều có thể khai thác làm dược liệu, dạng bột xay hoặc dạng cắt khúc sấy khô. Có thể sử dụng dược liệu này đắp ngoài da, sắc nước uống. Trung bình mỗi ngày có thể dùng 5 - 10g dược liệu khô hoặc 10 - 40g dược liệu tươi. Có thể dùng riêng hoặc kết hợp với dược liệu khác cho những bài thuốc nhất định.

2.2. Công dụng trị bệnh của dược liệu cây cối xay

Y học cổ truyền cho rằng dược liệu cây cối xay có tính bình, vị ngọt; công dụng lưu thông huyết, thanh nhiệt. Dân gian sử dụng dược liệu này để chữa cảm sốt, bí tiểu, đau đầu, kiết lỵ, suy giảm thính lực, phù thũng sau sinh,... 

2.2.1. Hạ sốt

Tài liệu của Ấn Độ có ghi chép về việc dùng dịch chiết từ cây cối xay trên súc vật thí nghiệm với công dụng hạ sốt nhờ cơ chế tác động đến hệ thần kinh.

2.2.2. Chống viêm

Cán bộ quân dân ở Nghĩa Bình trong những năm kháng chiến chống Mỹ đã phát hiện ra công dụng kháng viêm của cây cối xay, nhất là với bệnh viêm khớp. Nhờ có phát hiện này, Viện Quân y đã kết hợp cây cối xay với các dược liệu khác để tạo thành đơn chè khớp sắc lấy nước uống trong ngày. 

Bài thuốc chống viêm đau khớp của viện Quân y 103 quân khu 5 gồm: 3g lá và thân cây cối xay, 10g trinh nữ, 3g rau muống biển, 3g lá lạc tiên, 3g rễ cỏ xướng, 3g lá vòi voi, 3g lá lốt. Các dược liệu này dùng sắc hoặc hãm lấy nước uống. Kết quả nhận thấy từ người bệnh bị đau do viêm khớp sốt 38 - 39 độ C, nằm viện 40.8 ngày cho thấy tiến triển tích cực.

Cây cối xay có thể được sử dụng để chữa viêm đau khớp

Cây cối xay có thể được sử dụng để chữa viêm đau khớp

2.2.3. Điều trị loét dạ dày

Nghiên cứu trên chuột đã thắt môn vị gây loét dạ dày, điều trị bằng dịch chiết của cây cối xay liều 250mg/ kg và 500 mg/kg cho thấy giảm bài tiết axit dạ dày và giảm đáng kể tình trạng viêm loét so với nhóm đối chứng. Đặc biệt, nhóm được dùng liều cao cho thấy hiệu quả kiểm soát viêm loét tốt hơn.

3. Một số bài thuốc dùng dược liệu cây cối xay và lưu ý khi sử dụng

3.1. Bài thuốc chữa bệnh sử dụng cây cối xay dược liệu

- Chữa điếc, đau tai

+ Chữa đau tai: nấu 20 - 30g quả cối xay hoặc 60g rễ cối xay với thịt lợn làm thức ăn trong ngày. 

+ Chữa điếc: 60g mỗi vị: vọng giang nam, mộc hương, rễ cối xay nấu cùng đuôi lợn làm thức ăn.

- Chữa phù thũng sau sinh

Sắc 20g ích mẫu và 30g lá cối xay lấy nước uống.

- Chữa kiết lỵ

Sắc 30g hoa mào gà, 30g quả cối xay lấy nước uống.

- Chữa viêm amidan

Sắc 140g rễ cối xay tươi uống.

- Chữa bệnh trĩ

Sắc 200g rễ cây cối xay lấy nước đặc để uống sau đó sắc lại thêm một lần nữa lấy nước xông hậu môn đến khi nước hạ nhiệt thì dùng để rửa hậu môn. Nên làm như vậy 5 - 6 lần/ngày.

- Chữa đau sưng viêm khớp 

Sắc 40g rễ cây cối xay cùng một lượng vừa đủ nước và chút rượu để uống.

- Chữa lở loét lợi

Sắc 20g rễ cối xay khô cùng chút đường đỏ rồi lấy nước uống.

- Chữa sưng đau do nhọt độc

Nghiền 1 quả cối xay có cả hạt thành bột rồi hãm với nước sôi để uống. Có thể kết hợp vừa uống vừa giã lá cối xay tươi cùng với đường đỏ đắp lên nhọt độc.

Dược liệu cối xay được phơi khô để dùng dần

Dược liệu cối xay được phơi khô để dùng dần

3.2. Lưu ý khi chữa bệnh bằng dược liệu cây cối xay

- Không dùng cây cối xay chữa bệnh với người đi tiểu nhiều lần, tiêu chảy, thận hư hàn.

- Không nên lạm dụng để sử dụng quá hàm lượng cây cối xay.

- Trong quá trình dùng cây cối xay chữa bệnh nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe hoặc biểu hiện dị ứng thì cần dừng lại và đến bệnh viện thăm khám.

- Không dùng cây cối xay với thai phụ và phụ nữ đang cho con bú.

Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào về khả năng tương tác thuốc của cây cối xay dược liệu. Vì thế, khi có ý định sử dụng cây cối xay để chữa bệnh, người bệnh nên tham khảo ý kiến từ thầy thuốc đồng thời nên thông báo về các loại thuốc hay thực phẩm chức năng đang dùng để được tư vấn cụ thể.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể liên hệ đặt trước lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.