Tin tức
Cefaclor 125mg - Kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin
- 11/11/2024 | Thuốc Trimetazidine: Tác dụng, liều dùng tham khảo và lưu ý khi dùng
- 11/11/2024 | Thuốc Tramadol - Giúp giảm đau nhanh nhưng có thể gây lệ thuộc
- 15/11/2024 | Thuốc xịt mũi nazal: Công dụng và lưu ý khi dùng
- 15/11/2024 | Sử dụng thuốc dạ dày chữ P như thế nào cho hiệu quả?
- 19/11/2024 | Thuốc xịt mũi Spray: Liều dùng, cách dùng và lưu ý khi sử dụng
1. Cefaclor là thuốc gì?
Cefaclor là một trong những loại kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ thứ 2. Các dạng điều chế của Cefaclor rất đa dạng. Tuy vậy trong khuôn khổ bài viết này, MEDLATEC sẽ tập trung phân tích sâu hơn về Cefaclor 125mg điều chế theo dạng bột.
Thành phần chính trong mỗi gói Cefaclor 125mg là hoạt chất Cefaclor, cùng một số tá dược khác.
Thuốc Cefaclor 125mg điều chế theo dạng bột
2. Tác dụng chính của thuốc Cefaclor 125mg
Hoạt chất Cefaclor có khả năng tiêu diệt vi khuẩn trong giai đoạn sinh sôi, phân chia thông qua cơ chế ngăn chặn tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Thuốc Cefaclor được cho là có thể phát huy tác dụng trong điều trị bệnh lý liên quan đến tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn da,...
3. Chỉ định và trường hợp chống chỉ định
3.1. Chỉ định
Hiện nay, kháng sinh Cefaclor 125mg thường là được chỉ định để điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn. Theo đó, trường hợp dùng thuốc bao gồm:
- Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới ở mức độ nhẹ cho đến trung bình do tác nhân vi khuẩn nhạy cảm gây ra, đồng thời không đáp ứng điều trị với những loại kháng sinh thông thường. Ví dụ như người bị viêm xoang cấp tính, người bị viêm tai giữa, người bị viêm amidan tái phát thường xuyên, người bị viêm họng cấp tính do Streptococcus Beta,...
- Điều trị cho người bị nhiễm khuẩn tiết niệu do chủng vi khuẩn nhạy cảm gây ra nhưng chưa xuất hiện biến chứng (trừ trường hợp bị viêm tuyến tiền liệt).
- Điều trị cho người bị viêm da, tổ chức mô mềm gây ra bởi Streptococcus Pyogenes, Staphylococcus Aureus.
Cefaclor 125mg có thể được chỉ định cho bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn đường hô hấp
3.2. Chống chỉ định
Những trường hợp chống chỉ định, không nên dùng thuốc Cefaclor 125mg là người dị ứng với thành phần trong thuốc hoặc thuốc thuộc nhóm kháng sinh Cephalosporin.
4. Liều lượng và cách dùng
4.1. Cách dùng
Cefaclor 125mg được bào chế theo dạng bột. Khi dùng, mọi người cần pha thuốc cùng 5 đến 15ml nước, khuấy cho bột tan. Loại thuốc này thích hợp uống ngay sau khi pha thuốc, thường uống sau ăn.
Cefaclor 125mg dạng bột cần pha với nước và dùng theo đường uống
4.2. Liều lượng
4.2.1. Ở người trưởng thành
Liều dùng khuyến cáo cho người trưởng thành 250mg, cứ cách 8 tiếng lại dùng một liều. Nếu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng, liều lượng được phép điều chỉnh tăng gấp 2 nhưng không quá 4g/ngày.
Đối với những bệnh nhân được chẩn đoán suy thận, liều dùng quyết định dựa trên độ thanh thải Creatinin. Cụ thể:
- Nếu độ thanh thải Creatinin dao động trong khoảng 10 đến 50ml/phút: Liều lượng bằng 50% đến 100% so với bình thường.
- Nếu độ thanh thải Creatinin dưới 10ml/phút: Liều lượng bằng 25% so với bình thường.
Với bệnh nhân phải tiến hành thẩm tách máu thường xuyên, liều lượng sử dụng Cefaclor khởi đầu thường là từ 250mg đến 1g trước khi thực hiện thủ thuật. Sau đó, duy trì trong khoảng 250mg đến 500mg, mỗi lần dùng thuốc cách nhau 6 đến 8 tiếng, giữa những lần thẩm tách máu.
4.2.2. Ở trẻ em
Liều dùng trung bình vào khoảng 20mg/kg/ngày, chia thành 2 - 3 lần uống. Nếu trẻ bị nhiễm khuẩn nặng, liều lượng sử dụng có thể tăng lên gấp 2 nhưng tối đa không quá 1g/ngày. Ngoài ra, liều lượng dùng thuốc còn dựa trên độ tuổi của từng trẻ. Cụ thể như:
- Trẻ nhỏ từ 1 đến 12 tháng tuổi: Dùng 62.5mg/lần, cứ 8 tiếng lại uống một liều.
- Trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 1 đến 5: Dùng 125mg/lần, cứ 8 tiếng lại uống một lần.
- Trẻ từ 5 tuổi trở lên: Dùng 250mg/lần, cứ 8 tiếng lại uống một lần.
Lưu ý, toàn bộ liều lượng dùng thuốc Cefaclor đề cập trên đây không thay thế cho tư vấn của dược sĩ, bác sĩ chuyên môn. Vì vậy, bạn không nên chỉ dựa vào hướng dẫn này để dùng thuốc mà hãy đi kiểm tra sức khỏe, dùng thuốc theo tư vấn của bác sĩ.
5. Tác dụng phụ có thể gặp phải trong quá trình dùng Cefaclor
5.1. Tác dụng phụ thường gặp
- Các xét nghiệm kiểm tra cho biết lượng bạch cầu ưa Eosin có xu hướng tăng.
- Tiêu chảy.
- Da nổi phát ban tương tự như bị sởi.
Người dùng Cefaclor 125mg có thể bị nổi phát ban như bị sởi
5.2. Tác dụng phụ ít khi gặp
- Cho kết quả dương tính khi thực hiện xét nghiệm Coombs.
- Xét nghiệm phân tích cho thấy lượng bạch cầu và bạch cầu trung tính giảm có xu hướng giảm, trong khi đó tế bào Lympho lại tăng.
- Buồn nôn hoặc nôn ói.
- Ngứa ngáy, nổi phát ban.
- Bộ phận sinh dục bị ngứa, nhiễm nấm Candida hoặc viêm âm đạo.
5.3. Tác dụng phụ hiếm gặp
- Cơ thể xuất hiện phản ứng, lên cơn sốt, biểu hiện giống như bệnh huyết thanh (chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 6 tuổi).
- Cơ thể phát ban kèm mủ toàn thân, biểu bì bị hoại tử.
- Da phát ban kèm triệu chứng viêm, đau, xuất hiện hạch lớn.
- Xét nghiệm kiểm tra cho thấy tiểu cầu có dấu hiệu giảm, xuất hiện tình trạng thiếu máu tan huyết.
- Enzyme gan tăng, da chuyển vàng, viêm gan.
- Chức năng thận bị ảnh hưởng.
- Lên cơn động kinh.
- Mất tập trung, lú lẫn.
- Xuất hiện ảo giác, hay buồn ngủ,…
6. Lưu ý cần ghi nhớ trước khi dùng thuốc Cefaclor 125mg
6.1. Tương tác của thuốc
Sau đây là một vài tương tác của Cefaclor với những loại thuốc khác:
- Khi kết hợp cùng Probenecid, nồng độ của Cefaclor trong huyết thanh có xu hướng tăng.
- Khi dùng chung Cefaclor với thuốc kháng sinh thuộc nhóm Aminoglycosid hoặc các loại thuốc lợi tiểu, thận có thể bị nhiễm độc.
Nếu dùng chung cùng Probenecid, nồng độ Cefaclor trong huyết thanh dễ tăng
6.2. Xử lý trong trường hợp quên liều, dùng quá liều
Trường hợp quên một liều Cefaclor, có thể bổ sung nếu nhớ ra. Thế nhưng nếu sắp đến lúc phải uống liều thuốc kế tiếp thì bạn không cần phải uống liều quên trước đó. Để tránh tình trạng quên uống thuốc, bạn tốt nhất hãy đặt báo thức. Ngoài ra trong khi dùng thuốc, bạn tuyệt đối không uống đồng thời 2 liều.
Còn nếu như lỡ uống quá liều, bạn hãy thông báo ngay cho bác sĩ hoặc tìm đến cơ sở y tế nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện phản ứng phụ nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, người dùng quá liều Cefaclor có thể phải rửa dạ dày, rửa ruột,... tùy mức ngộ độc.
MEDLATEC hy vọng thông qua chia sẻ chi tiết trong bài viết trên, bạn đã hiểu hơn về tác dụng Cefaclor 125mg. Tuy vậy, bạn cần kiểm tra sức khỏe, tham khảo tư vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc. Nếu chưa tìm được địa chỉ khám sức khỏe tin cậy, bạn có thể lựa chọn Hệ thống Y tế MEDLATEC có bề dày kinh nghiệm hoạt động gần 30 năm. Để đặt lịch khám, Quý khách hãy liên hệ với MEDLATEC theo hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!