Tin tức
Chẩn đoán sớm bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em
Bệnh Tay-Chân-Miệng (Hand-Foot-Mouth Disease = HFMD) là một bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi.
Bệnh tay chân miệng do các virut thuộc họ Picornaviridae là loại virus có bản chất là RNA sợi đơn (+) gây ra như Coxsackievirus A (thường gặp A16), Coxsackievirus B; Echovirus; Enterovirus (thường gặp EV71, EV68 hoặc CV- B2), … Tuy nhiên, chỉ sự nhiễm Enterovirus 71 có khả năng gây ra các biến chứng nặng và có thể gây tử vong hơn so với nhiễm enterovirus khác [1, 2].
Hiện nay, việc chẩn đoán sớm nhiễm bệnh Tay-chân- miệng ngay ngày đầu tiên xuất hiện triệu chứng nhờ phát hiện kháng thể IgM của Enterovirus 71 với test nhanh (Enterovirus 71 Rapid test) trong huyết thanh hoặc huyết tương trẻ bị bệnh đang thực hiện hàng ngày tại Bệnh viện MEDLATEC 42-44 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội.
1. Triệu chứng
Bệnh Tay-Chân-Miệng là một bệnh dễ lây lan, đường lây truyền thường từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Giai đoạn lây lan mạnh nhất là tuần đầu tiên bị bệnh.
Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Sau đó, triệu chứng đầu tiên xuất hiện thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng. Một đến hai ngày sau khi xuất hiện sốt trẻ bắt đầu đau miệng, có thể xuất hiện các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành các bọng nước có đường kính 2-3 mm và thường tiến triển đến loét. Các nốt ban này không ngứa và thường khu trú ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân. Tuy nhiên, ban có thể xuất hiện ở mông hoặc chỉ xuất hiện ở miệng mà không thấy ở các vị trí khác (xem hình 1) [1, 2].
Ở thai phụ nhiễm bệnh Tay-Chân-Miệng trong thời gian ngắn trước khi sinh có thể truyền virus cho trẻ sơ sinh. Đa số những trẻ này chỉ biểu hiện nhẹ nhưng một số có thể biểu hiện bệnh trầm trọng, có thể dẫn đến rối loạn chức năng đa cơ quan, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong [1].
2. Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh thường dựa trên các biểu hiện lâm sàng với vị trí đặc trưng của ban (tay, chân, miệng và mông). Cần chẩn đoán phân biệt với nhiễm virus herpes ở miệng. Dữ kiện lâm sàng, tuổi và yếu tố dịch tễ thường giúp ích cho chẩn đoán phân biệt giữa hai loại bệnh này.
Việc phân lập virus từ các bệnh phẩm phết họng hay dịch của các bọng nước rồi nuôi cấy virus trong tế bào thận khỉ thường sau 2 đến 4 tuần mới có kết quả nên không hữu ích cho chẩn đoán mà chỉ có ý nghĩa chẩn đoán hồi cứu và ý nghĩa dịch tễ học.
Để chẩn đoán sớm và chẩn đoán phân biệt nhiễm EV 71 với các nhiễm do virus khác, cần sử dụng xét nghiệm phát hiện kháng thể IgM của EV 71. Việc phát hiện kháng thể IgM của EV 71 có thể giúp chẩn đoán sớm nhiễm virus EV71 với độ nhạy 90% trong ngày đầu tiênxuất hiện triệu chứng của bệnh và độ nhạy này duy trì đến 4 ngày. Sau đó, độ nhạy xét nghiệm IgM của EV 71 tăng đến 95% -100% trong khoảng hơn một tháng [4, 5]. Xét nghiệm này có độ đặc hiệu (âm tính) ở trẻ không bị nhiễm bệnh chân tay miệng là 99,1% ở trẻ không bị nhiễm bệnh chân tay miệng và là 99,9% ở người lớn khỏe mạnh. Tỷ lệ phản ứng chéo (dương tính giả) với các enteroviruses khác không phải EV71 là 11.4%.
Xét nghiệm này tuy chỉ cho một giá trị chẩn đoán ban đầu nhưng rất quan trong trong việc đưa ra phương hướng điều trị của bệnh. Sau đó, muốn xác định chắc chắn nhiễm EV 71 cần phân lập virus từ các bệnh phẩm phết họng hay dịch của các bọng nước, thực hiện các xét nghiệm sinh học phân tử như PCR và Real-time RT-PCR [3, 6].
3. Điều trị
Về nguyên tắc, vì chưa có thuốc đặc hiệu chống EV71 nên chủ yếu là điều trị triệu chứng, theo dõi sát và điều trị tích cực nếu có biến chứng. Sử dụng thuốc an thần sớm để giảm kích thích, tránh tăng áp lực sọ não. Độ 1 có thể điều trị ngoại trú, nếu bệnh nặng từ độ 2 trở đi cần phải đưa bệnh nhi đến các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị bằng những phương tiện hỗ trợ hiện đại hơn như máy thở ô xy, đặt nội khí quản, thở máy, các thuốc an thần (phenobarbital), immunoglobulin, truyền dịch, …
4. Phòng bệnh
Bệnh Tay-Chân-Miệng lây theo đường tiêu hóa nên việc giữ gìn vệ sinh tốt có thể hạ thấp nguy cơ nhiễm bệnh. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát. Vì vậy, trẻ cần được thường xuyên rửa tay, tránh cho tay vào miệng. Những trẻ bị sốt và có mụn nước ở tay, chân hoặc miệng cần được nghỉ tại nhà, không nên cho đến nhà trẻ [2].
Tài liệu tham khảo
1. Ho M, Chen ER, Hsu KH, et al. (1999). An epidemic of enterovisus 71 infection in Taiwan. Taiwan Enterovirus Epidemic Epidemic Working Group.
2. Solomon T, Lewthwaite P, Perera D, Cardosa MJ, McMinn P, Ooi MH (2010). Virology, epidemiology, pathogenesis, and control of enterovirus 71. Lancet Infect Dis;10: 778–790.
3. Tan EL, Yong LL, Quak SH, Yeo WC, ChowVT, Poh CL (2008). Rapid detection of enterovirus 71 by real-time TaqMan RT-PCR. J Clin Virol; 42: 203–206.
3. Tsao KC, Chan EC, Chang LY, Chang PY, Huang CG, Chen YP, et al (2002). Respones of IgM for enterovirus 71 infection. Journal of Medical Virology; 68 (4): 574-580.
4. Wang SY, Lin TL, Chen HY, Lin TS (2004). Early and rapid detection of enterovirus 71 infection by an IgM-capture ELISA. Journal of Virological Methods; 119 (1): 37-43
5. Zhou F, Kong F, Wang B, McPhie K, Gilbert GL, Dwyer DE (2011). Molecular characterization of enterovirus 71 and coxsackievirus A16 using the 5'untranslated region and VP1 region. Journal of medical microbiology; 60: 349–358.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!