Tin tức
Chắp mắt là gì? Cách điều trị như thế nào?
- 03/07/2021 | Lên chắp mắt tái đi tái lại nhiều lần do thói quen xấu
- 19/08/2021 | Chắp mắt ở trẻ: phương pháp điều trị và cách phòng ngừa
1. Chắp mắt là gì?
Khi bị chắp mắt, người bệnh sẽ xuất hiện những nốt sưng đỏ ở vùng da mí mắt. Những nốt này có thể ở mí trên, mí dưới, có thể chỉ xuất hiện ở một bên mắt, nhưng cũng có thể xuất hiện ở cả hai mắt ở cùng một thời điểm. Những nốt này thường không gây đau nhưng gây cộm, dẫn tới tình trạng sụp mí trong thời kỳ viêm nhiễm.
Chắp mắt có thể tự khỏi sau vài ngày
Bệnh có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, nhóm tuổi từ 30 đến 50 là đối tượng mắc bệnh nhiều nhất. Chắp mắt thường không quá nguy hiểm. Những nốt sưng đỏ này sẽ tự tiêu sau từ 5 đến 7 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu chắp mắt gây ra triệu chứng đau nhức, làm cản trở tầm nhìn và tái phát từ 2 lần trở lên thì bạn nên đi khám sớm.
Nhiều người thường nhầm lẫn giữa chắp mắt và lẹo mắt. Tuy nhiên, đây là 2 bệnh hoàn toàn khác biệt. Lẹo mắt thường do tình trạng nhiễm trùng tuyến dầu ở mắt, giống như những nốt nhọt hoặc áp xe ở mí mắt và khi sờ vào thấy cứng.
Chắp mắt không gây lây nhiễm, do đó bạn không cần e ngại khi tiếp xúc hoặc trò chuyện với người bệnh.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến chắp mắt?
- Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng chắp mắt là do tuyến dầu meibomian ở mắt xảy ra tắc nghẽn. Tác dụng của tuyến nhỏ này là bôi trơn bề mặt mắt. Tuy nhiên, khi chúng bị tắc nghẽn, dầu sẽ bị chảy ngược lại bên trong và hình thành nên những nốt sưng vùng mí mắt. Khi chất nhờn tiếp tục được tiết ra, chúng sẽ gây kích ứng da tại mí mắt, cũng như vùng da quanh mắt và gây ra tình trạng sưng tấy.
Dụi mắt dễ gây chắp mắt
- Viêm bờ mi lâu ngày là một trong những nguyên nhân gây chắp mắt và khiến bệnh này dễ tái phát nhiều lần. Khi người bệnh không vệ sinh mắt đúng cách hoặc không bảo vệ mắt khi tiếp xúc với khói bụi, có thói quen dụi mắt,... thì tình trạng bệnh có thể nghiêm trọng hơn.
- Những trường hợp gặp phải những vấn đề về nội tiết tố cũng có thể làm tăng tiết nhờn vùng mí mắt và dễ xảy ra tắc nghẽn, cuối cùng gây ra bệnh chắp mắt.
- Tuy rất ít nhưng cũng có một số trường hợp bị chắp mắt là do những vấn đề về hệ thống miễn dịch.
Những đối tượng có nguy cơ cao bị chắp mắt bao gồm:
- Người có nhiều mụn trứng cá đỏ.
- Người bị bệnh viêm bờ mi mạn tính.
- Tăng tiết bã nhờn vùng mí mắt.
- Người nhiễm virus.
- Bệnh nhân lao.
3. Cách điều trị chắp mắt
Như đã nói, đây là viêm nhiễm cấp và có thể tự khỏi sau vài nếu được vệ sinh mí mắt và để cho mắt nghỉ ngơi mà không cần điều trị. Trong một số trường hợp đặc biệt, chắp mắt có thể kéo dài hàng tháng. Người bệnh nên đi khám mắt để được bác sĩ chẩn đoán bệnh cụ thể và lên phác đồ điều trị phù hợp.
Nên đi khám nếu tình trạng chắp mắt tái phát
Trong một số trường hợp chắp mắt, người bệnh có thể chăm sóc mắt tại nhà theo một số hướng dẫn dưới đây:
- Đắp gạc ấm lên mí mắt: Tác dụng của phương pháp này là giúp giảm tình trạng tắc nghẽn ở tuyến dầu. Cách thực hiện như sau:
+ Chuẩn bị một miếng gạc sạch và nhúng vào nước ấm. Sau đó vắt khô và đắp lên vùng mí mắt.
+ Nên đắp gạc ấm trong khoảng 10 đến 15 phút.
+ Nên thường xuyên nhúng gạc lại vào nước ấm để duy trì nhiệt độ.
+ Có thể thực hiện đắp gạc từ 4 đến 6 lần mỗi ngày.
- Mát xa nhẹ bên ngoài mí mắt: Thực hiện nhẹ nhàng và trong khoảng thời gian vài phút mỗi ngày. Tác dụng của những động tác mát xa là giúp tuyến dầu nhanh thông trở lại.
- Vệ sinh vùng da mắt sạch sẽ, hạn chế đưa tay sờ lên mắt.
Khi đã áp dụng những phương pháp chăm sóc tại nhà trong vòng 1 tuần nhưng tình trạng chắp mắt vẫn không được cải thiện, bạn nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa. Tại đây, các bác sĩ có thể điều trị bệnh theo một số phương pháp như sau:
- Cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc chống viêm, dùng thuốc mỡ hoặc có thể tiêm steroid vào nốt chắp mắt nếu cần thiết.
- Một số trường hợp chắp mắt là do viêm nhiễm ở những vùng da quanh mí mắt thì bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại kháng sinh đường uống.
- Một số trường hợp nghiêm trọng hơn như chắp mắt gây sưng to, kéo dài và hay tái phát, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật dẫn lưu để điều trị bệnh triệt để.
Lưu ý: Tình trạng chắp mắt sưng tấy quá lớn có thể gây ảnh hưởng đến bề mặt của giác mạc, ảnh hưởng đến tầm nhìn, gây loạn thị. Người bệnh không nên nặn chắp mắt vì hành động này có thể khiến bệnh trầm trọng hơn và gây ra những tổn thương không đáng có.
4. Phòng ngừa bệnh chắp mắt bằng cách nào?
Chắp mắt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của đôi mắt mà còn khiến người bệnh vô cùng khó chịu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và mất tự tin trong giao tiếp. Một số phương pháp dưới đây sẽ giúp bạn phòng bệnh hiệu quả:
Nên rửa tay trước khi đeo kính áp tròng
- Vệ sinh vùng mí mắt bằng khăn sạch hoặc cũng có thể thực hiện tẩy tế bào chết cho mắt khoảng 2 đến 3 lần trong một tuần.
- Làm ấm mí mắt cũng là một cách có thể giảm nguy cơ bị chắp mắt.
- Những người thường xuyên trang điểm cho mắt như kẻ mắt hoặc dùng phấn mắt thì cần lưu ý tẩy trang sạch sau khi trang điểm.
- Những trường hợp hay bị viêm mí mắt nên bổ sung omega-3 hoặc dùng dầu hạt lanh.
- Trước khi đeo và tháo kính áp tròng nên vệ sinh tay sạch sẽ.
- Thường xuyên rửa mặt để loại bỏ bụi bẩn.
- Không dùng chung khăn mặt hay một số đồ dùng cá nhân khác với người bệnh.
- Khi bị bệnh hoặc thấy bệnh tái phát nhiều lần, không nên tự ý mua thuốc điều trị.
Để tìm hiểu thêm về bệnh chắp mắt hoặc có nhu cầu thăm khám với các bác sĩ Chuyên khoa Mắt, mời bạn liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo số đường dây nóng 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!