Tin tức
Chỉ mẹ cách trị chấy nhanh nhất cho con
- 11/10/2022 | Bệnh chấy ở trẻ em và những điều ba mẹ cần lưu ý
- 30/11/2023 | Con chấy tóc: đặc điểm, cơ chế hình thành, phương pháp điều trị và phòng ngừa
- 01/12/2024 | Rụng tóc ở trẻ em 6 tuổi có đáng lo không? Cha mẹ cần làm gì?
- 12/03/2025 | Rụng tóc nhiều có phải bị ung thư hay không? Trường hợp nào cần phải cảnh giác?
- 18/05/2025 | Cách chọn dầu gội trị rụng tóc và những điều cần lưu ý
1. Cách phát hiện chấy ở trẻ em
Chấy là động vật có kích thước rất nhỏ, có màu nâu hoặc xám, sống ký sinh trên da đầu, bám chặt vào da và tóc để hút máu. Chấy cắn có thể khiến da đầu bị ngứa và bội nhiễm vi khuẩn hoặc gặp phải tình trạng chàm hóa.
Chấy cái có thể sinh khoảng 150 trứng trong vòng đời của mình. Nếu không được phát hiện và loại bỏ, trứng chấy sẽ nở thành con trong vòng 7 đến 10 ngày.
Trẻ trong nhóm tuổi từ 3 đến 10 tuổi có nguy cơ có chấy cao nhất. Nhiều trường hợp trẻ bị chấy không phải do cha mẹ vệ sinh kém mà có thể là do bị lây từ các bạn cùng lớp khi các con chơi đùa và ngủ trưa cùng nhau.
Dưới đây là một số biểu hiện phổ biến khi trẻ có chấy trên da đầu:
- Trẻ thường xuyên bị nhột trên da đầu. Trẻ cảm giác như có vật di chuyển trên tóc.
- Trẻ hay gãi da đầu, chà xát vào da đầu. Vùng da đầu dễ bị ngứa khi có chấy là vùng phía sau đầu và tai.
- Nếu trẻ gãi nhiều, da đầu của trẻ sẽ có thể xảy ra những vết loét.
- Trẻ hay cáu gắt vì tình trạng ngứa liên tục trên đầu.
Trẻ thường xuyên gãi đầu có thể là do có chấy
Để kiểm tra xem trẻ có chấy hay không, các bậc phụ huynh có thể thực hiện một số bước sau. Lưu ý, cha mẹ nên thực hiện ở những nơi có ánh sáng tốt. Dưới đây là các bước cụ thể:
- Bước 1: Tìm chấy khi tóc trẻ còn khô
+ Mẹ nên chia tóc của trẻ thành từng phần nhỏ để phát hiện chấy dễ dàng hơn, đặc biệt kiểm tra kỹ hơn phần tóc ở gần tai và phía sau đầu.
+ Con chấy rất nhỏ và có khả năng di chuyển nhanh nên việc phát hiện chấy sẽ rất khó. Tuy nhiên, mẹ lại có thể phát hiện trứng chấy rất dễ dàng. Trứng chấy có hình giọt nước, có màu hơi vàng hoặc trắng và thường bám vào tóc.
Mẹ cần phân biệt rõ trứng chấy và gàu. Gàu là những mảnh, vảy dễ dàng bong ra khỏi da đầu và sợi tóc. Trong khi đó, trứng chấy thường bám chắc vào tóc.
Trứng chấy đã nở thường ở những đoạn tóc cách xa da đầu. Trứng chưa nở thường bám vào đoạn tóc ở sát da đầu và nhờ vào hơi ấm của da đầu, trứng sẽ nở ra chấy con.
- Tìm chấy khi tóc trẻ ướt: Nếu việc tìm chấy khi tóc khô gặp khó khăn, mẹ có thể làm ướt tóc trẻ và sử dụng lược chải chấy. Loại lược chuyên dụng này có các răng lược rất sát nhau, giúp mẹ phát hiện chấy dễ dàng hơn. Cách thực hiện như sau:
+ Mẹ làm ướt tóc trẻ, chia thành từng phần tóc và chải từ chân đến ngọn tóc. Nếu trẻ có chấy trên đầu, chấy sẽ bị mắc vào răng lược.
2. Hướng dẫn cha mẹ cách trị chấy nhanh nhất cho trẻ
Nếu phát hiện trẻ có chấy, cha mẹ cũng nên kiểm tra các thành viên khác trong gia đình để trị chấy một cách hiệu quả, triệt để. Dưới đây là một số cách trị chấy nhanh nhất:
2.1. Lựa chọn các sản phẩm trị chấy
Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm trị chấy cho trẻ em không cần kê đơn chứa các thành phần như Permethrin, Piperonyl butoxide, Dimethicon,... Những sản phẩm này có thể ở nhiều dạng khác nhau như dạng kem bôi, dầu gội đầu hay dầu xả,... Do đó, trước khi dùng, cha mẹ cần đọc kỹ thành phần và hướng dẫn sử dụng sản phẩm để dùng đúng cách và trị chấy hiệu quả cho con.
Nếu sử dụng thuốc bôi, mẹ cần dùng một chiếc khăn để quấn quanh vai trẻ, đồng thời có thể dùng khăn che mặt để hạn chế nguy cơ thuốc dính vào mắt của trẻ.
Nếu có vết xước hở trên tay, mẹ nên đeo găng tay khi bôi thuốc cho trẻ. Sau khi bôi thuốc xong, mẹ có thể mát xa đầu cho trẻ để sản phẩm trị chấy được thấm vào da đầu, chân tóc và ngọn tóc, đặc biệt, bạn cần chú ý đến phần tóc ở phía sau tai và gáy. Những thành phần trong thuốc sẽ khiến chấy rụng khỏi tóc. Sau khoảng 10 phút, mẹ có thể gội đầu cho con hoặc có thể để lâu hơn tùy thuộc vào từng sản phẩm trị chấy.
Lưu ý khi sử dụng những sản phẩm này:
- Không sử dụng với lượng thuốc quá lớn hoặc dùng quá nhiều lần so với hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Không nên cùng lúc sử dụng nhiều sản phẩm trị chấy.
- Tuyệt đối không dùng những sản phẩm này ở lông mi, lông mày hoặc gần mắt trẻ.
- Không bôi thuốc lên vùng da có vết thương, vết xước.
2.2. Trị chấy ở trẻ em bằng lược chải chấy
Một trong những cách trị chấy nhanh nhất là sử dụng lược chải chấy kết hợp với các sản phẩm trị chấy. Nếu mẹ cảm thấy lo lắng vì những hóa chất trong sản phẩm trị chấy gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, mẹ cũng có thể dùng lược chải chấy như một phương pháp trị chấy độc lập.
Lược chải chấy là một trong những cách trị chấy nhanh nhất và hiệu quả nhất
Khi áp dụng phương pháp này, điều quan trọng nhất mà các bà mẹ cần lưu ý đó là tìm một loại lược chải chấy tốt. Mẹ nên lựa chọn lược được làm từ kim loại, răng lược dài, mịn và xếp sát nhau.
Trước tiên, mẹ cần làm ướt tóc cho trẻ, có thể cho thêm một ít dầu xả để làm mềm tóc để quá trình trị chấy dễ dàng hơn. Mẹ nên chia tóc của trẻ thành từng phần nhỏ và lấy lược để chải từ da đầu đến ngọn tóc. Chải lần lượt từng phần tóc. Sau mỗi lần chải, mẹ vẩy răng lược vào bát, sau đó dùng khăn giấy lau sạch lược.
Sau khi đã chải xong, mẹ hãy xả sạch dầu xả trên da đầu cho trẻ. Đồng thời, mẹ cũng cần làm sạch lược chải chấy, giặt sạch quần áo của mẹ và trẻ. Mẹ nên thường xuyên chải chấy cho trẻ bằng lược chuyên dụng cho đến khi không thấy chấy trên da đầu khoảng 2 tuần.
Trên đây là một số thông tin tham khảo về cách trị chấy nhanh nhất. Nếu trẻ vẫn còn chấy hoặc gặp phải những tác dụng phụ hay các vấn đề bất thường, mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Mẹ nên đưa con đi khám nếu trẻ bị chấy lâu ngày không hết
Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu đặt lịch khám, quý khách vui lòng gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được hướng dẫn cụ thể.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
