Tin tức
Chỉ số Glucose máu ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
- 11/09/2020 | Bật mí cách kiểm tra Glucose trong cơ thể để phòng bệnh tiểu đường
- 16/07/2020 | Xét nghiệm Glucose niệu trong chẩn đoán đái tháo đường
- 03/04/2020 | Nghiệm pháp dung nạp Glucose giúp ích điều gì cho bạn?
1. Chỉ số Glucose máu bao nhiêu là an toàn
Xác định chỉ số Glucose máu góp phần chẩn đoán tình trạng sức khỏe để xem cơ thể có mắc các bệnh lý liên quan hay không. Tùy vào thời gian xét nghiệm hay thể trạng hiện tại mà lượng đường huyết sẽ thay đổi khác nhau. Một số yếu tố cần lưu ý như: tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, thời gian mắc bệnh (nếu có),… Nồng độ Glucose máu được đánh giá là an toàn như sau (đơn vị sử dụng phổ biến là mmol/l hoặc mg/dL):
-
Lúc đói (trước bữa ăn): 90 - 130 mg/dL (5 - 7,2 mmol/L).
-
Sau khi ăn: dưới 180 mg/dL (xét nghiệm tiến hành 1 - 2 tiếng sau ăn).
-
Trước khi ngủ: 100 - 150 mg/dL (6 - 8,3 mmol/L).
Thời điểm kiểm tra nên tiến hành vào lúc sáng sớm, bụng đói, lượng đường huyết ít bị tác động sẽ cho kết quả chính xác hơn. Nếu bạn muốn kiểm tra sau bữa ăn cần đợi khoảng 2 tiếng để lượng đường máu ổn định, chỉ số ở mức trên 11,1 mmol/L nguy cơ cao là bạn đã mắc bệnh.
2. Một số căn bệnh nguy hiểm do lượng đường huyết bất thường
Tăng đường huyết
Ở giai đoạn sớm, hội chứng tăng đường huyết chưa có dấu hiệu rõ ràng. Bệnh chỉ biểu hiện qua một số dấu hiệu như:
-
Uống nước nhiều: từ 3 - 4 l/ngày.
-
Thèm ăn: các tế bào thiếu hụt đường do bị tăng tính thấm thành mạch, nhưng càng ăn thì lượng đường huyết càng cao.
-
Tiểu nhiều: tiểu nhiều lần trong ngày, nhất là vào ban đêm.
Tình trạng tiểu đêm nhiều lần có thể liên quan đến chỉ số đường huyết
Với tình trạng Glucose máu tăng kéo dài có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm đến nhiều cơ quan trong cơ thể, gây nên một số bệnh lý như:
-
Các bệnh về tim: xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…
-
Suy thận: bởi lượng Glucose quá cao làm làm tổn thương cầu thận, dần dần gây viêm cầu thận mạn dẫn tới suy thận.
-
Các bệnh lý về mắt: suy giảm thị lực, đục thủy tinh thể, các bệnh về giác mạc, võng mạc,…
-
Các bệnh lý về da: viêm nhiễm, tróc da, lở loét, mụn nhọt,…
-
Thần kinh: viêm dây thần kinh, rối loạn cảm giác,…
-
Một số biến chứng khác: thấp khớp, viêm phổi, hôn mê,…
Hạ đường huyết
Tình trạng này thường xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường. Số ít trường hợp có thể bị do tác dụng phụ của thuốc, người bệnh sau phẫu thuật dạ dày, hoạt động gắng sức,… Các triệu chứng chung thường gặp như:
-
Rối loạn hệ thần kinh tự động: chóng mặt, tay chân nặng nề, run tay, mệt đột ngột, đau đầu, vã mồ hôi, ớn lạnh,…
-
Rối loạn hệ thần kinh trung ương; hôn mê, co giật, rối loạn cảm giác, vận động,…
Một số biểu hiện khác: đau bụng, buồn nôn, nhịp tim nhanh, tăng tiết nước bọt, trường hợp nặng có thể xuất hiện động kinh, liệt nửa người,…
3. Các phương pháp xét nghiệm
Nghiệm pháp Glucose
Đây là phương pháp được khuyên dùng cho phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ (tầm 24 - 28 tuần), nhằm phát hiện sớm các căn bệnh nguy hiểm nhất là đái tháo đường thai kỳ. Bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm vào buổi sáng, sau khi nhịn đói khoảng 10 - 14 tiếng. Tuy nhiên, những người đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, suy dinh dưỡng mãn tính không thể sử dụng liệu pháp này. Chống chỉ định với một số người đang dùng các loại thuốc lợi tiểu, corticoid,… trong vòng 3 ngày gần nhất.
Xét nghiệm nước tiểu (glucose niệu)
Trong quá trình chuyển hóa thông thường, Glucose niệu sẽ cho kết quả âm tính. Thế nhưng vì một số các yếu tố ảnh hưởng như lượng đường huyết cao, thận bị tổn thương dẫn đến sự hiện diện của đường ở trong nước tiểu. Một số loại thuốc hoặc tình trạng căng thẳng cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Quá trình tiến hành diễn ra nhanh chóng và thuận tiện, bạn không cần nhịn đói vẫn có thể xét nghiệm.
Xét nghiệm glucose máu (tĩnh mạch)
-
Lúc đói: bệnh nhân phải nhịn ăn tối thiểu 8 tiếng trước khi tiến hành, chỉ có thể uống nước lọc. Mức chỉ số sẽ biểu hiện như sau:
+ Bình thường: <100 mg/dL.
+ Tiền tiểu đường: 100 - 125 mg/dL.
+ Tiểu đường: >126 mg/dL.
-
Ngẫu nhiên: có thể thực hiện bất kỳ thời điểm nào trong ngày, không buộc phải nhịn ăn.
Xét nghiệm HbA1c
HbA1c là loại hemoglobin kết hợp với Glucose. Nồng độ đường huyết tăng cao tương đương với lượng Glucose và hemoglobin gắn kết nhiều hơn. Không cần nhịn ăn trước khi tiến hành xét nghiệm và có thể thực hiện bất kỳ thời điểm nào trong ngày, có thể sử dụng với bệnh nhân đang mắc bệnh tiểu đường với điều kiện không dùng thuốc trước khi xét nghiệm khoảng 1 giờ. Các mức độ định lượng HbA1c như sau:
-
Bình thường: 5,7% (tổng sống hemoglobin).
-
Tiều tiểu đường: 5,7 - 6,4%.
-
Tiểu đường: trên 6,5 %.
Bạn có thể tự đo chỉ số đường huyết tại nhà
4. Làm thế nào để giữ cho Glucose máu ổn định?
Theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên
Một số phương pháp thuận tiện cho bạn trong việc tự theo dõi chỉ số đường huyết tại nhà. Để yên tâm hơn, nên đi khám sức khỏe tổng quát tối thiểu 6 tháng/lần tại các cơ sở phòng khám y tế để được tiến hành xét nghiệm và chẩn đoán chính xác nhất.
Lưu ý chế độ ăn uống
Những bữa ăn lành mạnh, cân bằng các thành phần dinh dưỡng chính là yếu tố quan trọng nhất góp phần giúp bạn ổn định lượng đường huyết. Nên sử dụng các loại rau xanh đậm màu và nhiều trái cây trong khẩu phần ăn hàng ngày. Thay thế các thực phẩm tinh bột đã qua tinh chế bằng các loại ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, bánh mì đen,… Tránh xa các chất béo xấu có hại cho cơ thể như mỡ động vật, nội tạng,… Có thể thay thế dầu ăn thường ngày bằng dầu oliu, dầu hướng dương,… sẽ có ích hơn cho sức khỏe tim mạch của bạn. Hạn chế sử dụng rượu bia và tuyệt đối không tiếp xúc với khói thuốc lá.
Tâm lý
Tinh thần áp lực, tâm lý căng thẳng thường xuyên, kéo dài cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng tăng đường huyết. Nên phân bố thời gian thư giãn và công việc hợp lý. Duy trì thái độ sống lạc quan, vui vẻ để bảo vệ sức khỏe của bạn một cách tốt nhất.
Chế độ nghỉ ngơi
Giấc ngủ cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe trong việc cân bằng, điều hòa cơ thể bao gồm cả lượng đường huyết. Việc thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, công việc hằng ngày mà góp phần tăng đường huyết, suy giảm hệ miễn dịch,… Ở độ tuổi trưởng thành, thời gian ngủ được khuyến cáo là từ 7 - 9 giờ để đảm bảo chất lượng giấc ngủ cũng như đảm bảo tình trạng sức khỏe.
Điều trị bằng thuốc
Cần lưu ý các tác dụng phụ của một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường huyết như corticoid, prednisolon, thuốc tránh thai, hen suyễn, điều trị các bệnh về khớp hay bệnh lý ngoài da,… Tuân theo chỉ định và tư vấn của bác sĩ để sử dụng thuốc hiệu quả, đồng thời giảm thiểu các tác động xấu từ tác dụng phụ của thuốc.
Chỉ định của bác sĩ sẽ giúp bạn phòng tránh các tác dụng phụ của thuốc
Khi có các biểu hiện bất thường trong vấn đề sức khỏe, bạn đọc không nên chủ quan, nên đi thăm khám để phòng tránh và chữa trị nếu có các dấu hiệu của bệnh. Bệnh viện đa khoa MEDLATEC cam kết sẽ cung cấp cho bạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả với mức chi phí vừa phải. Mọi thắc mắc xin liên hệ với tổng đài 1900.56.56.56 để được tư vấn, giải đáp.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!