Tin tức

Chỉ số UV là gì? Những mối nguy hại khôn lường từ tia UV đối với sức khỏe

Ngày 07/07/2025
Tham vấn y khoa: Ths.BSNT Trần Hiền
Chỉ số UV (Ultraviolet Index) là một thước đo được sử dụng để biểu thị mức độ bức xạ tia cực tím từ mặt trời tại một thời điểm cụ thể trong ngày. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ chỉ số UV là gì, có ảnh hưởng gì đối với sức khỏe, và quan trọng hơn là cách để chủ động bảo vệ bản thân trước tác động âm thầm nhưng nguy hiểm của tia UV.

1. Chỉ số UV là gì?

UV là viết tắt của Ultraviolet, hay còn gọi là tia cực tím. Đây là một dạng bức xạ điện từ vô hình, không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến con người. Dựa trên bước sóng và mức độ gây hại, tia UV được chia thành ba loại chính:

  • UVA (bước sóng dài): Là loại phổ biến nhất, có khả năng xuyên qua cả kính, quần áo mỏng và tác động sâu vào lớp biểu bì của da. UVA là thủ phạm chính gây lão hóa da sớm, xuất hiện nếp nhăn và làm tăng nguy cơ ung thư da.
  • UVB (bước sóng trung bình): Có khả năng gây cháy nắng, sạm da và cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ung thư da. Cường độ UVB thường thay đổi theo mùa, thời gian trong ngày và vị trí địa lý.
  • UVC (bước sóng ngắn): Nguy hiểm nhất trong ba loại, tuy nhiên hầu hết UVC hiện nay đã bị tầng ozon hấp thụ trước khi đến được mặt đất. Dù vậy, với tình trạng ô nhiễm môi trường và suy giảm tầng ozon, đây vẫn là một mối đe dọa cần được quan tâm trong tương lai.

Vậy Chỉ số UV là gì?

Chỉ số UV là gì là khái niệm không phải ai cũng rõ

Chỉ số UV là gì là khái niệm không phải ai cũng rõ

Chỉ số UV hay còn gọi là chỉ số tia cực tím là một thước đo quốc tế phản ánh cường độ tia UV tại một địa điểm cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ số này thường được thể hiện theo thang điểm từ 0 đến 11+, cho thấy mức độ rủi ro của tia UV đối với sức khỏe con người.

  • Chỉ số UV 0 - 2: Tia UV gần như vô hại, bạn có thể sinh hoạt ngoài trời bình thường.
  • Chỉ số UV từ 3 - 5: Mức độ ảnh hưởng ở mức trung bình, nên che chắn cơ thể và dùng kem chống nắng. 
  • Chỉ số UV từ 6 - 7: Là mức cao, cần hạn chế ra ngoài từ 10h - 16h, đeo kính râm, đội nón rộng vành và bôi kem chống nắng đầy đủ.
  • Chỉ số UV từ 8 - 10: Được coi là rất cao, có thể gây tổn thương da nếu tiếp xúc trực tiếp. 
  • Chỉ số UV từ 11+: Chỉ số tia UV đạt từ 11 trở lên được xếp vào ngưỡng cực kỳ nguy hiểm, làn da có thể bị tổn thương nghiêm trọng chỉ sau 10 - 15 phút tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Nguy cơ này càng cao đối với những người sở hữu làn da nhạy cảm, dễ bắt nắng.

2. Tác hại âm thầm của tia UV đối với sức khỏe con người

Nhiều người vẫn nghĩ tia UV chỉ khiến da sạm đen hay gây cháy nắng tạm thời. Thế nhưng, tác động của chúng nghiêm trọng hơn rất nhiều. Dưới lớp ánh nắng tưởng chừng vô hại, tia UV có thể âm thầm gây ra hàng loạt tổn thương tích lũy theo thời gian, ảnh hưởng sâu rộng đến làn da, đôi mắt và cả hệ miễn dịch của con người.

2.1. Đối với làn da

Tia UV có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến làn da như:

  • Cháy nắng: Khi da tiếp xúc với tia UV trong thời gian dài mà không được bảo vệ, tình trạng bỏng nắng xảy ra với các triệu chứng như đỏ rát, đau nhức, thậm chí xuất hiện mụn nước. Những đợt cháy nắng lặp đi lặp lại có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da sau này.
  • Lão hóa sớm: Tia UVA có khả năng xuyên sâu vào lớp hạ bì, phá vỡ cấu trúc collagen và elastin, khiến da nhanh chóng xuất hiện nếp nhăn, chảy xệ và mất đi độ đàn hồi tự nhiên.
  • Sạm nám, tàn nhang: Khi tiếp xúc với tia UV, làn da tăng cường sản xuất melanin để tự bảo vệ. Tuy nhiên, sự sản sinh quá mức này lại khiến da xuất hiện các đốm sẫm màu, không đều màu, ảnh hưởng đến vẻ ngoài.
  • Ung thư da: Tia UV có khả năng làm tổn thương DNA trong tế bào da, dẫn đến sự phát triển của các tế bào đột biến. Ba loại ung thư da thường gặp gồm: ung thư biểu mô tế bào đáy, biểu mô tế bào vảy và u hắc tố ác tính - dạng nguy hiểm nhất.

Tia UV có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với làn da như lão hóa sớm, sạm nám, tàn nhang, thậm chí là ung thư da

Tia UV có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với làn da như lão hóa sớm, sạm nám, tàn nhang, thậm chí là ung thư da

2.2. Đối với mắt

Nếu mắt không được bảo vệ đúng cách, tia UV cũng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến mắt như:

  • Đục thủy tinh thể: Tia UV là một trong những yếu tố nguy cơ gây đục thủy tinh thể, khiến thấu kính mắt trở nên mờ đục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.
  • Thoái hóa điểm vàng: Dù mối liên hệ giữa tia UV và thoái hóa điểm vàng vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, nhưng nhiều kết quả cho thấy tia UV là một yếu tố góp phần làm tổn thương điểm vàng.
  • Mộng thịt: Đây là hiện tượng mô kết mạc phát triển bất thường lan vào giác mạc, thường gặp ở những người phải làm việc ngoài trời nhiều, không che chắn kỹ lưỡng.
  • Bỏng giác mạc: Giống như cháy nắng trên da, giác mạc có thể bị bỏng do tia UV cường độ cao, gây đỏ mắt, đau nhức, chảy nước mắt và nhạy cảm với ánh sáng.

2.3. Đối với hệ miễn dịch

Dưới tác động của tia cực tím, sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu, thành phần quan trọng trong hệ miễn dịch, có thể bị thay đổi. Điều này làm suy yếu khả năng nhận diện và tiêu diệt các tế bào bất thường hoặc tác nhân gây bệnh. Nếu tình trạng này kéo dài, hệ miễn dịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và giảm khả năng phòng vệ trước các mối đe dọa từ bên trong lẫn bên ngoài.

3. Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe toàn diện dưới ánh nắng mặt trời?

Để giúp bạn và gia đình chủ động bảo vệ sức khỏe, các chuyên gia y tế đã đưa ra những khuyến nghị quan trọng dưới đây.

  • Chủ động theo dõi chỉ số UV hằng ngày: Việc theo dõi chỉ số UV mỗi ngày là điều cần thiết để xác định thời điểm nên hạn chế ra ngoài hoặc cần tăng cường các biện pháp bảo vệ da. 
  • Sử dụng kem chống nắng đúng cách: Bạn nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và có khả năng bảo vệ phổ rộng (Broad Spectrum). Thoa kem trước khi ra ngoài ít nhất 20-30 phút để kem có thời gian thẩm thấu và phát huy tác dụng. Ngoài ra, bạn cần thoa lại kem sau mỗi 2-3 giờ, đặc biệt là sau khi bơi, ra nhiều mồ hôi hoặc lau khô người bằng khăn.
  • Mặc trang phục có khả năng chống nắng tốt: Việc mặc quần áo dài tay, được làm từ vải dệt dày hoặc có chỉ số chống tia cực tím cao sẽ giúp giảm thiểu tác hại của tia UV lên da. Bạn nên ưu tiên chọn quần áo màu sẫm vì màu tối thường có khả năng chống UV tốt hơn màu sáng. Khi ra ngoài, bạn nên đội mũ có vành rộng từ 7 đến 10 cm để che chắn cho vùng mặt, tai và gáy.
  • Sử dụng kính râm đạt tiêu chuẩn chống tia UV: Việc đeo kính râm đúng chuẩn giúp bảo vệ đôi mắt và vùng da quanh mắt khỏi tác động của tia cực tím. Người dùng nên chọn kính có ghi nhãn "UV400" hoặc có khả năng chặn 99 -100% tia UVA và UVB.
  • Hạn chế ra ngoài vào thời điểm nắng gắt trong ngày: Từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều là khung giờ tia UV hoạt động mạnh nhất. Nếu bắt buộc phải ra ngoài vào khoảng thời gian này, bạn nên chống nắng thật kỹ.
  • Không nên chủ quan khi trời râm hoặc ở gần các bề mặt phản chiếu: Ngay cả trong những ngày trời nhiều mây, tia UV vẫn có thể xuyên qua và gây hại cho da. Bên cạnh đó, các bề mặt như cát, nước hoặc bê tông có thể phản chiếu tia UV, làm tăng mức độ tiếp xúc. Do đó, người dùng vẫn cần thực hiện các biện pháp chống nắng trong những điều kiện này.

Bên cạnh việc chủ động che chắn, sử dụng kem chống nắng hay hạn chế tiếp xúc với ánh nắng vào thời điểm chỉ số UV cao, việc thăm khám sức khỏe định kỳ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ làn da và đôi mắt. Khám da định kỳ với bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp phát hiện sớm những thay đổi bất thường trên da. Tương tự, kiểm tra mắt định kỳ giúp theo dõi tình trạng thị lực và phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến tác hại của tia cực tím, chẳng hạn như đục thủy tinh thể hoặc thoái hóa điểm vàng.

Bên cạnh việc chủ động che chắn tia UV, bạn cũng nên khám sức khỏe định kỳ

Bên cạnh việc chủ động che chắn tia UV, bạn cũng nên khám sức khỏe định kỳ

Với những thông tin đã chia sẻ, hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ chỉ số UV là gì, ảnh hưởng như thế nào đối với con người và cách bảo vệ bản thân khỏi tia UV hiệu quả. Nếu bạn còn băn khoăn về chỉ số UV, các vấn đề về Da liễu, Nhãn khoa hoặc cần được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc cơ thể khi tiếp xúc với ánh nắng, hãy liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ