Tin tức

Chuyên gia hướng dẫn điều trị đau dây thần kinh liên sườn nhiều người mắc phải

Ngày 16/05/2022
Tình trạng đau dây thần kinh liên sườn xảy ra khá phổ biến ở những người trưởng thành. Bệnh mang đến nhiều triệu chứng vô cùng khó chịu khiến người bệnh đau nhức liên tục và cần phải được điều trị sớm, nếu không sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm.

1. Triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn

Dây thần kinh liên sườn nằm dưới mỗi xương sườn và ở trong tủy sống. Các mạch máu cùng dây thần kinh liên sườn sẽ tạo thành bó mạch nằm phía dưới của mỗi bên xương sườn. Do có sự liên kết này nên khi một người mắc phải bệnh lý nào đó liên quan đến tủy sống, xương sườn, cột sống, thành ngực sẽ đồng thời gây ảnh hưởng tới dây thần kinh liên sườn. Thêm vào đó vị trí của các dây thần kinh liên sườn cũng  khá nông nên dễ bị tổn thương nếu gặp các tác động ngoại lực.

 

Vị trí dây thần kinh liên sườn

Vị trí dây thần kinh liên sườn

Vì rất khó để thăm dò dây thần kinh liên sườn nên để chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn phải dựa vào các phương pháp loại trừ.

Những biểu hiện khi bị đau dây thần kinh liên sườn bao gồm:

  • Có cảm giác đau một trong hai bên trái hoặc phải trước ngực (vị trí xương ức), sau đó lan qua mạn sườn ra sau lưng gần cột sống. Cơn đau có tính chất đau nhói, như dao đâm, âm ỉ hoặc bỏng rát theo từng cơn. Đau kể cả khi đang trong trạng thái nghỉ ngơi, tăng nặng khi vặn hoặc xoay người, khi mang vác nặng, khi cười lớn, ho hay hắt hơi;

  • Biểu hiện khác: sốt, đau bụng, mệt mỏi, đau châm chích và ngứa tê rần khu vực xương sườn, bụng và ngực. Ngoài ra còn bị đau và cử động khó vùng vai, cánh tay, lưng.

 

Khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên và không có dấu hiệu cải thiện, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán chính xác liệu mình có đang bị đau dây thần kinh liên sườn hay không, từ đó lựa chọn phương án điều trị phù hợp.

2. Đi tìm nguyên nhân dẫn đến đau dây thần kinh liên sườn

Triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn bắt nguồn từ tình trạng các dây thần kinh này bị viêm, bị kích thích, chèn ép quá mức hoặc do một bệnh lý nào đó. Cụ thể đó là:

  • Viêm dây thần kinh liên sườn;

  • Thoái hóa cột sống;

  • U thần kinh;

  • Bệnh lý tủy sống;

  • Lao hoặc ung thư cột sống;

  • Chấn thương cột sống;

  • Đau sau khi trải qua phẫu thuật bụng, vú và lồng ngực;

  • Nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus, phổ biến nhất là zona thần kinh;

  • Yếu tố làm tăng nguy cơ khác: nhiễm độc, tiểu đường, viêm đa dây thần kinh,...

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đau dây thần kinh liên sườn

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đau dây thần kinh liên sườn

Trong đó, bệnh lý zona thần kinh có các triệu chứng điển hình như phát ban đỏ, đau, ở những vùng da có dây liên sườn đi qua bị nổi mụn nước. các tổn thương do virus zona gây nên thường gây đau rát, dễ tái phát và kéo dài lâu ngày.

Phụ nữ mang thai cũng là đối tượng có nguy cơ bị đau dây thần kinh liên sườn do sự thay đổi lớn về thể chất trong thai kỳ gây tác động đến tủy sống và dây thần kinh liên sườn. Đa phần là do sự gia tăng kích thước tử cung chèn ép lên dây thần kinh liên sườn và kích thích các dây thần kinh ở giữa các đốt sống.

3. Chẩn đoán và điều trị đau dây thần kinh liên sườn bằng phương pháp nào?

3.1. Chẩn đoán

Sau khi thăm khám lâm sàng và khai thác bệnh sử, chế độ sinh hoạt, vận động của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các biện pháp chẩn đoán cận lâm sàng khác để xác định bệnh:

  • Chụp X-quang: kiểm tra hình thái các đốt sống để đánh giá tình trạng thoái hóa hoặc lao cột sống;

  • Chụp MRI: xác định các bệnh lý về đĩa đệm, cột sống, tủy sống như thoát vị, lồi hay thoái hóa đĩa đệm, chấn thương cột sống, u tủy sống, viêm nhiễm (viêm cột sống, nhiễm trùng đĩa đệm), lao cột sống;

  • Các xét nghiệm cơ bản: xét nghiệm nước tiểu toàn phần, tốc độ máu lắng, xét nghiệm máu ngoại vi;

  • Xét nghiệm sinh hóa máu: creatinine, ure, ALT, AST, CRP,...

3.2. Điều trị 

Một số loại thuốc giúp điều trị nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn đó là:

  • Thuốc nhóm Gabapentin giúp điều trị đau dây thần kinh;

  • Một số thuốc giúp giảm đau thông thường như diclofenac, paracetamol. Dùng opioid trong trường hợp đau nặng;

  • Thuốc giãn cơ vân: mydocalm, myonal dùng khi bị đau nhiều, có hiện tượng co rút ở vùng sườn bị tổn thương. Tuy nhiên chống chỉ định cho người mắc bệnh nhược cơ;

  • Bổ sung vitamin nhóm B (B1, B6, B12) hỗ trợ thúc đẩy chuyển hóa trong các tế bào, đặc biệt là tế bào myelin và tế bào thần kinh.

Dùng thuốc có thể giúp đẩy lùi các triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn

Dùng thuốc có thể giúp đẩy lùi các triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, một số phương pháp điều trị giảm nhẹ khác cũng có thể được bác sĩ áp dụng đó là:

  • Phong bế dây thần kinh liên sườn: trước tiên vùng xương sườn sẽ được gây tê, bước thứ 2 là bơm thuốc giảm đau steroid dưới hướng dẫn của tia X. Biện pháp này có thể kéo dài hiệu quả trong vài tháng và nếu bệnh nhân đáp ứng tốt thì nên tiêm thuốc định kỳ, tránh việc các cơn đau tái diễn nhiều lần. Đây là phương pháp phù hợp với những ca bị đau dây thần kinh liên sườn sau phẫu thuật hoặc do mắc zona;

  • Cắt dây thần kinh (TENS), cắt hạch giao cảm của dây thần kinh liên sườn, cắt đốt sống lưng. Tuy nhiên biện pháp này không được dùng thường xuyên do khó có thể khôi phục cảm giác sau phẫu thuật và bệnh nhân có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa. 

4. Lời khuyên giúp hạn chế đau dây thần kinh liên sườn 

Để phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ đau dây thần kinh liên sườn, mọi người nên:

  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh;

  • Không mang vác vật nặng và vận động sai tư thế hoặc làm việc quá sức;

  • Cần đeo khẩu trang và trù bị phương pháp bảo hộ khi tiếp xúc với những người mắc bệnh truyền nhiễm;

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên để đánh giá nguy cơ bị đau dây thần kinh liên sườn;

  • Trẻ nhỏ nên sớm được tiêm phòng lao để hạn chế tối đa rủi ro mắc phải căn bệnh này gây lao cột sống về sau;

  • Có một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, khoa học, lành mạnh, vận động hợp lý để tăng cường hệ miễn dịch.

Để được tư vấn chi tiết về các dịch vụ thăm khám, hãy gọi ngay đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tổng đài viên của Bệnh viện sẽ giúp bạn sắp xếp lịch hẹn khám với các chuyên gia đầu ngành.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ