Tin tức

Chuyện về tia sáng diệu kỳ trong y học

Ngày 21/10/2010
Medlatec
Khám phá ra tia X (tia Rơn-ghen) là một trong những phát hiện vĩ đại của nhân loại. Khám phá này không những mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành vật lý mà còn là một mốc lịch sử quan trọng đánh dấu thời đại mới trong lịch sử y khoa, khi chúng ta có thể nhìn thấu cơ thể mình để từ đó nhận biết và chẩn đoán bệnh tật.

Phát hiện ngẫu nhiên

Những ngày đầu năm 1896, một số nhà bác học hàng đầu thế giới nhận được các bức ảnh kỳ lạ mà họ chưa từng nhìn thấy bao giờ, đó là các bức ảnh thể hiện bộ xương bàn tay của con người. Cùng lúc này, cái tên Wihelm Conrad Roentgen - vị giáo sư người Đức, tác giả của những bức ảnh kỳ lạ đó, cũng trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới.

Phát minh ra tia X, cũng giống như nhiều phát minh khác, khởi đầu rất ngẫu nhiên. Chính Roentgen cũng không ngờ mình tìm ra được tia sáng kỳ diệu này. Thời bấy giờ, hầu hết các phòng thí nghiệm lớn trên thế giới đều được trang bị một dụng cụ là ống Crookes. Đó là một ống thủy tinh được hút chân không do William Crookes, Chủ tịch Hội Hoàng gia Anh sáng chế. Chiếc ống có hai điện cực ở hai đầu, bên trong là hai tấm kim loại được gắn ở hai cực. Hai tấm kim loại nối với một mạch điện sao cho một tấm tích điện dương và một tấm tích điện âm. Khi thiết bị này được cung cấp điện áp cao thế từ cuộn dây Ruhmkorff thì hiện tượng phát sáng huỳnh quang sẽ xảy ra trong ống, người ta dùng nó như một bóng đèn điện để phục vụ cho công việc thí nghiệm.

Ngày 8/11/1895, trong khi Roentgen vận hành ống Crookes để làm việc đêm tại phòng thí nghiệm thì ông phát hiện ra từ những tấm bìa chắn sáng tẩm barium platinocyanide đặt gần ống lóe lên những tia sáng lạ, có màu xanh nhè nhẹ. Những tia sáng này có vẻ khác lạ so với tia điện mà ông từng biết đến. Roentgen tự hỏi: chả lẽ tấm bìa tự phát sáng? hoặc một khúc xạ nào đó của tia điện?  Ông thử rút phích điện ra khỏi ổ cắm, ánh sáng kỳ lạ kia biến mất. Ông suy đoán: có lẽ cái ống crookes kia đã phát ra "một cái gì đó". Làm lại thí nghiệm bằng cách dùng giấy đen bịt kín ống lại xem sao, Roentgen thốt lên: Lạ thật! kết quả vẫn như cũ. Cái ống đã phát ra những tia sáng có khả năng xuyên qua cả giấy đen. Roentgen không vội vã nói với ai. Là nhà khoa học tỉ mỉ và chín chắn, ông lao vào khảo sát thêm về tia sáng bí ẩn này.


Wilhelm Roentgen trong phòng thí nghiệm.

Sau nhiều lần thử đi thử lại với những tấm bìa, những mảnh gỗ dày, kết quả vẫn không thay đổi, rõ ràng có một tia sáng kỳ lạ phát ra từ ống. Roentgen mừng rỡ thật sự. Suy tính trong giây lát, ông liền đưa bàn tay mình vào tầm chiếu của màn huỳnh quang. Thật là sửng sốt! Ông nhìn thấy những đốt xương bàn tay của chính mình, cả đường gân và mạch máu. Thú vị thay là bộ xương ấy đang sống, nó chuyển động theo sự điều khiển của ông. Roentgen thử tiếp tục đưa vào những vật cản khác, bằng nhiều chất liệu, cuối cùng ông rút ra kết luận: "Tia đặc biệt này có khả năng xuyên qua giấy, gỗ, vải, cao su, phần mềm của cơ thể... Nhưng không đi qua được kim loại, nhất là những kim loại có tỷ trọng lớn, không đi qua được một số bộ phận cơ thể, nhất là những bộ phận có chứa nguyên tố nặng như xương...".

Roentgen bỗng cảm thấy cần phải chia sẻ khám phá này với vợ mình. Ông lôi bà vào phòng thí nghiệm và dùng tia X chụp bàn tay bà. Thật kỳ lạ, những đốt xương tay của Bertha hiện lên rất rõ nét, cả chiếc nhẫn mà bà đeo trên ngón tay trỏ nữa, chúng đều hiện lên rõ mồn một. Hôm đó là ngày 22/12/1895. Bắt chước các nhà toán học thường hay đặt tên cho ẩn số bằng những chữ cái, ông quyết định đặt tên cho tia sáng này là tia X (tubes X).

Ngày 23/1/1896, khám phá của Roentgen được trình bày tỉ mỉ tại Hội đồng khoa học của Trường ĐH tổng hợp Wurtzbourg, trước các nhà khoa học hàng đầu về vật lý và y khoa nước Đức. Ông minh họa cho bài thuyết trình bằng những bức ảnh chụp bộ xương bàn tay vợ mình. Roentgen còn đề nghị được chụp ảnh bàn tay giải phẫu tài ba của bác sĩ Kolliker bằng X quang. Đó là lần đầu tiên trên thế giới, người ta biết đến những bức hình chụp bằng tia X-quang. Về sau này, người ta ca ngợi  những tấm hình đó "là bản chụp hình xương người đầu tiên trong lịch sử y học".

Tia sáng diệu kỳ đi vào cuộc sống

Cho đến thời điểm ấy, giới báo chí và ngay cả một số nhà khoa học đều mang nặng đầu óc bảo thủ, luôn trung thành với những định kiến, quen nhìn thế giới xung quanh bằng con mắt của các bậc quyền uy. Mỗi phát minh mới thường được tiếp nhận một cách thờ ơ, phải qua một giai đoạn đầy gian truân mới được mọi người hiểu và chấp nhận. Thế nhưng rất may là Roentgen không vấp phải những trở ngại này, ông  nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Khi tin tức về tia X lan đi, cả thế giới xôn xao vì hầu như phòng thí nghiệm nào cũng  có sẵn hoặc có thể trang bị ống Crookes. Ngay lập tức, người ta ghi nhận những giá trị hữu ích của tia X.

Tháng 2/1896, tại Paris, nhà vật lý Oudin và bác sĩ Barthelemy đã thực nghiệm X-quang tại nhà. Dựa vào nguyên lý của Roentgen, họ đã chế tạo ra máy chiếu X-quang đầu tiên trên thế giới. Chiếc máy này đã giúp cho con người có thể thấy được cơ quan nội tạng của mình mà trước đó không có cách gì thấy được. Cũng tại Paris, bác sĩ Antoine Beclere đã chiếu X quang cho người nấu bếp của mình. Ông nhận thấy phổi của bà có nhiều chỗ bị mờ. Hỏi ra mới biết, trước đó bà đã bị ho ra máu. Đó là trường hợp chẩn đoán bệnh qua Xquang đầu tiên trong lịch sử y học thế giới. Sau lần đó, bác sĩ chuyên khoa miễn dịch nổi tiếng B. Antoine đã soạn thảo bộ giáo trình: Chuyên khoa X-quang chẩn đoán và điều trị bệnh trong nội tạng người. Cuối năm 1896, bác sĩ W.Becher rồi Walter B.Cannon tìm ra được chất cản quang, nhờ đó theo dõi được nhu động của dạ dày và ruột trong quá trình tiêu hóa...

5 năm sau, Roentgen được trao giải thưởng Nobel về y học. Là một nhà khoa học chân chính không màng danh lợi, Roentgen đã trao tặng toàn bộ số tiền giải thưởng cho Trường Đại học Wurzburg để đóng góp vào công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cũng phải nói thêm rằng Roentgen hoạt động trong lĩnh vực vật lý. Nhưng khám phá của ông về tia X có tác dụng to lớn trong ngành y học, cho nên, ông được nhận giải Nobel về y học là vì thế. Ngày 19/2/1923, Roentgen qua đời trong cảnh cô đơn và hờ hững của mọi người. Thế nhưng những gì ông để lại vẫn tiếp tục lên tiếng làm chứng cho sự có mặt của ông trên cõi đời này. Khám phá của ông về tia sáng kỳ diệu đã mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho nhiều người bệnh, nhất là những người mắc bệnh lao, căn bệnh hiểm nghèo nhất thời bấy giờ.

Ngày nay trong lĩnh vực y tế, máy chụp X-quang giữ vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị, nó giúp cho y bác sĩ chẩn đoán bệnh một cách dễ dàng, chính xác và nhanh chóng. Chiếc máy này được sử dụng rộng rãi và phổ biến trên khắp thế giới, ở bất cứ một bệnh viện lớn nhỏ nào. Không những vậy, nó còn rất có ích trong việc kiểm tra hành lý tại sân bay, dò tìm vết nứt khuyết tật trong ống dẫn dầu, khí, trong công nghiệp...

            Anh Thư (Theo The faces of Medicine)

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.