Tin tức

Dấu hiệu thủng màng nhĩ ở trẻ em và phương pháp chẩn đoán, điều trị hiệu quả

Ngày 07/02/2025
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Phương Dung
Thủng màng nhĩ là có thể gây giảm thính lực ở trẻ. Nhận biết sớm dấu hiệu thủng màng nhĩ ở trẻ sẽ giúp cha mẹ kịp thời cho con thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp điều trị, đảm bảo khả năng nghe cho trẻ. Để nhận diện bệnh lý này, cha mẹ có thể tham khảo một số thông tin được đề cập dưới đây.

1. Về khái niệm thủng màng nhĩ

Thủng màng nhĩ là hiện tượng lớp màng mỏng nằm giữa tai ngoài và tai giữa bị rách. Màng nhĩ có chức năng dẫn truyền âm thanh, khuếch đại âm thanh và bảo vệ tai giữa. Khi màng nhĩ bị tổn thương, chức năng đó không còn toàn vẹn và trẻ sẽ giảm thính lực ở một mức độ nhất định.

Trẻ bị thủng màng nhĩ thường là do:

- Viêm tai giữa

Bệnh lý này gồm 2 loại:

+ Viêm tai giữa cấp: Do dịch tích tụ trong tai giữa quá mức gây tăng áp lực trong hòm nhĩ dẫn đến rách màng nhĩ để giải phóng dịch ra ngoài ống tai. Viêm tai giữa cấp thường do nhiễm trùng từ mũi họng lan lên qua ống Eustachian, hay gặp ở trẻ em.

+ Viêm tai giữa mạn: Do viêm tai giữa cấp không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, không triệt để gây viêm nhiễm kéo dài và tiêu hóa màng nhĩ, tạo ra các lỗ thủng màng nhĩ và khó liền lại. 

- Tổn thương do ngoại lực như: Đưa vật lạ vào tai, té ngã, va đập mạnh,...

- Áp lực tai thay đổi đột ngột: Khi trẻ đi máy bay hoặc lặn dưới nước, bị tát vùng mang tai.

- Âm thanh quá lớn: Tiếng nổ lớn trong phạm vi gần có thể làm tổn thương màng nhĩ của trẻ như như nổ bom, mìn, tiếng súng đạn,...

Trẻ có thể thủng màng nhĩ do vệ sinh tai sai cách

Trẻ có thể thủng màng nhĩ do vệ sinh tai sai cách

2. Nhận diện 4 dấu hiệu thủng màng nhĩ ở trẻ em

Dấu hiệu thủng màng nhĩ ở trẻ cần được nhận biết sớm để trẻ được thăm khám, chẩn đoán và kịp thời điều trị. Cha mẹ có thể dựa trên một số dấu hiệu sau để nhận diện tình trạng này:

2.1. Trẻ bỗng nhiên bị đau tai

Trẻ có thể kêu đau tai, đặc biệt là sau khi bị chấn thương vùng đầu hoặc tai. Cảm giác đau nhói trong tai khiến trẻ quấy khóc khó chịu, không ngủ và không chịu ăn uống bình thường. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột và kéo dài, trẻ thường đưa tay lên tai hoặc không chịu nằm nghiêng bên tai bị thủng màng nhĩ.

2.2. Khả năng nghe giảm 

Một trong những dấu hiệu thủng màng nhĩ ở trẻ rõ ràng nhất là trẻ nghe kém hơn so với bình thường do lúc này màng nhĩ đã bị thủng và không dẫn truyền được âm thanh như bình thường. Trẻ có thể không phản ứng với âm thanh hoặc phải yêu cầu người khác lặp lại lời nói do nghe kém.

2.3. Có dịch chảy ra từ trong tai

Dịch lỏng có mùi hôi, mủ hoặc máu có thể chảy ra từ tai bị thủng màng nhĩ của trẻ. Tình trạng này thường xảy ra sau khi màng nhĩ phải chịu áp lực lớn hoặc bị nhiễm trùng nặng. Vì thế, khi phát hiện có dịch chảy ra từ tai của con, cha mẹ cần cho trẻ khám bác sĩ ngay.

2.4. Tai bị ù và một số dấu hiệu khác

Trẻ bị thủng màng nhĩ thường có cảm giác ù tai giống như nghe thấy âm thanh vù vù bên trong tai. Ù tai đi kèm với giảm thính lực là dấu hiệu thủng màng nhĩ ở trẻ rất dễ gặp.

Nếu trẻ chưa biết nói thì thủng màng nhĩ sẽ khiến trẻ quấy khóc không rõ nguyên nhân và hay dùng tay để dụi tai. Ngoài ra, nếu thủng màng nhĩ do viêm nhiễm, trẻ còn có thể bị mệt mỏi, sốt cao, bỏ bú, quấy khóc, chán ăn,...

Nghe kém và có tiếng ù trong tai rất có thể là dấu hiệu thủng màng nhĩ ở trẻ

Nghe kém và có tiếng ù trong tai rất có thể là dấu hiệu thủng màng nhĩ ở trẻ

3. Chẩn đoán và điều trị thủng màng nhĩ ở trẻ như thế nào?

3.1. Chẩn đoán

Khi cha mẹ đưa con đến khám bác sĩ chuyên khoa do nghi ngờ dấu hiệu thủng màng nhĩ ở trẻ, bác sĩ sẽ nội soi tai để quan sát trực tiếp cấu trúc bên trong tai, nhất là phần màng nhĩ và tai giữa.

Quá trình nội soi sử dụng ống nội soi nhỏ, gắn camera ở đầu để đưa vào trong ống tai của trẻ. Camera gắn ở đầu ống nội soi sẽ truyền hình ảnh trực tiếp lên màn hình máy tính để bác sĩ nhìn rõ các bất thường như viêm nhiễm, khối u hoặc thủng, rách màng nhĩ. Ngoài ra, bác sĩ cần kiểm tra nội soi mũi và họng nhằm loại trừ những tổn thương hay viêm nhiễm phối hợp khác.

Nếu cần xác định mức độ tổn thương thính lực do thủng màng nhĩ, bác sĩ cũng có thể chỉ định đo thính lực cho trẻ. Trong quá trình kiểm tra sẽ có các âm thanh được phát ra với tần số và cường độ khác nhau để đánh giá khả năng nhận biết âm thanh của trẻ. 

Kết quả đo thính lực giúp bác sĩ xác định liệu tổn thương màng nhĩ có ảnh hưởng đến khả năng nghe hay không và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Đây là bước quan trọng giúp đảm bảo trẻ theo dõi thính lực sau khi màng nhĩ bị tổn thương.

3.2. Điều trị 

Khi đã chẩn đoán chính xác trẻ bị thủng màng nhĩ, tùy vào mức độ bệnh, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp:

- Điều trị nội khoa

Đối với các trường hợp thủng màng nhĩ do viêm nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm đau để giảm viêm, kiểm soát nhiễm trùng. Việc điều trị sớm sẽ giúp trẻ tránh được các biến chứng như viêm tai giữa mạn tính, viêm xương chũm,...

- Phẫu thuật tái tạo màng nhĩ

Nếu màng nhĩ bị thủng nặng và không thể tự lành, không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để tái tạo lại màng nhĩ. Phẫu thuật này được gọi là phẫu thuật vá nhĩ nội soi, giúp khôi phục lại màng nhĩ và cải thiện khả năng nghe cho trẻ.

Sau khi điều trị thủng màng nhĩ, trẻ cần được theo dõi tình trạng sức khỏe và đảm bảo tai luôn sạch sẽ, khô ráo. Hàng ngày, trong quá trình tắm cho con hoặc khi trẻ tham gia bơi lội, cha mẹ cần tránh để nước vào tai của con. Trẻ cũng cần tái khám để theo dõi khả năng phục hồi màng nhĩ.

Khi nghi ngờ dấu hiệu thủng màng nhĩ ở trẻ cha mẹ cần cho con khám chuyên khoa để đánh giá đúng

Khi nghi ngờ dấu hiệu thủng màng nhĩ ở trẻ cha mẹ cần cho con khám chuyên khoa để đánh giá đúng

4. Biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây thủng màng nhĩ ở trẻ

Để không gặp phải tình trạng thủng màng nhĩ ở trẻ, cha mẹ có thể giúp con phòng ngừa bằng cách:

- Vệ sinh tai đúng cách: Không nên dùng vật nhọn hoặc để cho trẻ tự dùng tăm bông làm sạch tai. Điều này sẽ giúp tránh nguy cơ gây tổn thương màng nhĩ cho trẻ.

- Theo dõi sát các dấu hiệu bất thường khi trẻ đang điều trị bệnh lý mũi họng: trẻ đột ngột kêu đau tai, tai chảy mủ hoặc máu, trẻ sốt cao, mệt mỏi bỏ ăn. Nếu trẻ có dấu hiệu viêm tai, cha mẹ nên cho con khám để điều trị ngay.

- Cẩn trọng khi bơi lội hoặc đi máy bay: Hướng dẫn trẻ thực hiện biện pháp bảo vệ tai khi bơi hoặc khi đi máy bay.

Việc nhận diện các dấu hiệu thủng màng nhĩ ở trẻ sớm và áp dụng các phương pháp chẩn đoán đúng rất cần thiết để bảo vệ thính lực và sức khỏe tai mũi họng cho trẻ. Vì thế, ngay khi nghi ngờ biểu hiện bất thường về tai của con, cha mẹ hãy sớm đưa con đến khám bác sĩ Tai mũi họng để trẻ được kiểm tra kịp thời.

Để yên tâm về kết quả thăm khám sức khỏe Tai mũi họng cho trẻ, cha mẹ có thể liên hệ đặt lịch khám cho con cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ