Tin tức

Đông y dùng nước chữa bệnh như thế nào?

Ngày 03/08/2013
ThS. HOÀNG KHÁNH TOÀN
Với con người, nước không chỉ là một chất dinh dưỡng trọng yếu duy trì mọi hoạt động sống, mà còn là một nhân tố tham gia tích cực vào việc phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Từ xa xưa, trong y học cổ truyền phương Đông, nước đã được sử dụng như một phương tiện, một thứ thuốc để chữa bệnh và dưỡng sinh.

Sách “Lễ ký” thời Xuân thu Chiến quốc đã viết: “Đầu hữu sang tắc mộc, thân hữu dương tắc dục”, ý nói khi ở đầu và thân mình có bệnh thì nên sử dụng việc tắm gội như một phương pháp chữa trị. Y thư kinh điển cổ nhất còn lưu lại đến ngày nay “Hoàng đế nội kinh” cũng đã viết: “Kỳ hữu tà giả, tứ hình dĩ vi hãn”, ý nói nên lấy việc ngâm rửa làm một trong những nội dung trọng yếu của “hãn pháp” (phương pháp làm ra mồ hôi để loại bỏ tà khí).

Tiếp đó, trong các y thư cổ nổi tiếng đời sau như “Thiên kim yếu phương”, “Kinh sử chứng loại bị cấp bản thảo”, “Trửu hậu bị cấp phương”, “Thiên kim dực phương”, “Ngoại đài bí yếu”, “Ngoại khoa tinh nghĩa”, “Chứng loại bản thảo”... đều đã ghi lại những kinh nghiệm dùng nước để chữa bệnh ở các mức độ khác nhau. Đặc biệt, trong sách “Bản thảo cương mục”, nhà bác học Lý Thời Trân đã tiến hành thu thập và tổng kết kinh nghiệm sử dụng thủy liệu pháp của các bậc tiền nhân. Căn cứ vào nguồn gốc, trạng thái và tính chất của các loại nước, ông đã chia nước ra thành hai loại lớn là Thiên thủy và Địa thủy, đồng thời còn nói rõ đặc tính của 43 loại nước khác nhau như nước mưa, sương, mù, tuyết, băng, mưa đá, nước biển, nước sông, nước suối, nước hồ ao...
 


Người xưa đã vận dụng thủy liệu pháp theo những phương thức chủ yếu sau đây:

Ẩm thủy pháp, còn gọi là ẩm yến pháp, là phương pháp dùng các loại nước tự nhiên như nước giếng, nước suối, nước mưa... uống trực tiếp để chữa bệnh. Tùy theo tính chất hàn nhiệt của nước mà người ta phân ra làm hai nhóm Lãnh ẩm pháp (dùng nước lạnh) và Nhiệt ẩm pháp (dùng nước nóng). Theo quan niệm của cổ nhân, nước lạnh có khả năng điều hòa tràng vị, thanh nhiệt giải độc, trừ phiền chỉ khát; nước nóng có tác dụng thông dương phát hãn, ôn trung trừ hàn. Ví như, để chữa chứng trong ngực buồn phiền rạo rực, vã mồ hôi nhiều, sách “Chứng loại bản thảo” khuyên nên đào một cái hố, đổ nước vào trong, khuấy đục đợi cho nước trong trở lại, múc lên đun sôi để nguội rồi uống dần.
 

Hấp táp pháp: phương pháp cho người bệnh ngậm một ít nước rồi từ từ nuốt xuống họng. Theo cổ nhân, phương thức này có tác dụng điều hòa tỳ vị, lợi họng giải độc thường được dùng để chữa các bệnh đường tiêu hóa, hầu họng...
 

Hàm thấu pháp: phương pháp cho người bệnh ngậm nước, súc miệng rồi nhổ ra, có tác dụng làm sạch khoang miệng, giải độc lợi họng, tiêu sưng giảm đau, thường dùng trong các bệnh khoang miệng. Ví như, để chữa chứng miệng hôi, hàng ngày vào buổi sáng nên ngậm và súc miệng bằng nước giếng mới đào; để chữa chứng hư hỏa nha thống (viêm quanh răng) nên dùng nước ép địa cốt bì pha với nửa bát nước giếng và nửa bát nước sông ngậm và súc miệng.
 

Xạ lâm pháp: phương pháp dùng nước phun lên toàn thân hoặc tại chỗ để trị bệnh, có tác dụng làm sạch da, khai khiếu tỉnh thần, chỉ huyết tán ứ, trừ độc khứ uế, thường dùng trong các bệnh ngoài da. Ví như, dể chữa chứng tay chân sưng nề dùng nước giếng mới đào phun rửa tại chỗ sao cho da bớt nóng đỏ thì ngừng; để chữa say nắng, đặt bệnh nhân nằm vào chỗ mát và thoáng gió, lấy nước ấm phun vào rốn.
 

Tháp tứ pháp: phương pháp dùng nước lạnh hoặc nước nóng thấm đẫm vào khăn rồi đắp lên nơi bị bệnh, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thông lạc chỉ thống, khai khiếu tỉnh thần, thường dùng trong chữa trị trúng độc, ngất và các bệnh ngoại khoa.
 

Tốn thủy pháp: phương pháp dùng nước tưới lên toàn thân hoặc nơi bị bệnh, có tác dụng tỉnh thần, chống co giật, thu sáp (làm co) và cầm máu. Ví như, để chữa chứng đột nhiên co giật, cửu khiếu xuất huyết, dùng nước giếng lạnh tưới phun lên mặt; để chữa chứng sa trực tràng dùng nước lạnh tưới phun lên toàn thân gây cảm giác rét run khiến trực tràng co lên nhanh chóng.
 

Thủy quán pháp: phương pháp thụt nước vào mũi miệng hoặc hậu môn, có tác dụng khai khiếu tỉnh thần, nhuận họng trừ đàm, thanh nhiệt giải độc, nhuận tràng thông tiện. Ví như, để chữa chứng đại tiện bí kết lâu ngày ở người già dùng nước sạch thụt vào hậu môn, nín chịu một lúc rồi đi đại tiện. Thủ thuật này, về nguyên tắc, tương tự như kỹ thuật thụt tháo đại tràng của y học hiện đại, nhưng vấn đề ở chỗ nó đã được tiến hành từ hàng trăm năm nay.
 

Dược dục pháp: phương pháp dùng nước có pha dịch chiết thảo dược hoặc trực tiếp dùng nước sắc thảo dược để tắm rửa toàn thân hay tại chỗ. Đây là cách chữa bệnh hết sức độc đáo của y học cổ truyền, vừa dùng tác nhân vật lý vừa lợi dụng sức thuốc để đạt mục đích trị liệu, được dùng để chữa hàng trăm chứng bệnh thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau. Ví như, để chữa cảm mạo có thể ngâm hai chân trong nước sắc gừng tươi; để chữa phong thấp có thể ngâm rửa các khớp sưng đau trong nước sắc của các vị thuốc khu phong trừ thấp như ngưu tất, độc hoạt, tần giao...; để chữa chứng mày đay có thể dùng nước sắc các vị thuốc như phòng phong, kinh giới, đơn đỏ, sà sàng tử, bạch tiên bì, khổ sâm... để tắm rửa.
 

Òn tuyền liệu pháp: phương pháp dùng nước suối nóng để chữa bệnh. theo cổ nhân, nước suối nóng có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng cổ động dương khí, ôn thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết và bổ dưỡng. đây cũng là phương pháp được y học hiện đại sử dụng rộng rãi.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ