Tin tức
Dùng thuốc trị các bệnh mạn tính đường tiêu hoá
 
Các thuốc hay sử dụng
-  Các thuốc ức chế tiết axit theo cơ chế ức chế thụ cảm thể H2-histamin như cimetidine, ranitidine, famotidine. Trong một số bệnh tiêu hoá như loét dạ dày tá tràng, người ta cho rằng chính là do dạ dày tiết axit một cách không cân bằng với khả năng bảo vệ của lớp chất nhầy bề mặt nên lượng axit này phá huỷ thành dạ dày dẫn đến loét. Vì thế, các thuốc chống tiết axit được sử dụng.
Khi có mặt các thuốc này, lượng axit HCl giảm ngay tức khắc số lượng và các tác hại do chúng gây ra vì thế mà cũng giảm theo. Liệu trình thường là 8 - 10 tuần. Có sự khác nhau ở các mức độ bệnh lý khác nhau. Có khi người bệnh phải sử dụng đến 3 tháng.
- Cũng nằm trong nhóm làm giảm tiết axit, các thuốc ức chế tiết axit theo cơ chế ức chế bơm proton rất hay được sử dụng. Tiêu biểu như omeprazone, lanzoprazone... Đây là nhóm thuốc bất hoạt mạnh mẽ và không hồi phục bơm proton, một bộ phận nằm trên màng tế bào thành dạ dày trực tiếp tạo ra axit. Sự xuất hiện của các nhóm thuốc này làm giảm một cách rõ rệt nồng độ axit trong dạ dày có tác dụng hiệu quả với những người bị chứng loét tá tràng. Thời gian tấn công tối thiểu là 1 tháng và sau đó là thời gian điều trị duy trì.
- Các thuốc bao bọc ổ loét như sucralfat, phosphalugel... Đây là những muối sunphat của một số kim loại mà bazơ của nó có khả năng liên kết tạo ra những màng nhầy như Al, Mg. Sử dụng những thuốc này trong môi trường axit chúng sẽ tạo ra những lớp màng nhầy, keo, dính bao bọc ổ loét, cách ly ổ loét với axit và do đó ổ loét có điều kiện liền sẹo.
- Các kháng sinh diệt HP với công thức tổ hợp như ampicilin, clarithromycine, metronidazole,  tetracycline… Những kháng sinh này sẽ hoạt hoá ngay trong lòng dạ dày và tiêu diệt vi khuẩn HP. Sự làm giảm hoạt tính và số lượng vi khuẩn sẽ làm giảm đáng kể những tổn hại mà do chúng gây ra. Thông thường, các thuốc này được sử dụng theo đường uống từ 7 - 10 ngày.
-  Một số kháng sinh điều trị vi khuẩn đường ruột như metronidazol, biseptol. Đây là những kháng sinh có hiệu lực điều trị với các loại vi khuẩn kỵ khí ở ruột, đặc biệt là những vi khuẩn kỵ khí gây hại ở đại tràng, có khả năng tiêu diệt cả lỵ amíp. Vì thế những thuốc này thường là những thuốc được lựa chọn trong các chứng có rối loạn bệnh lý ở đại tràng.
- Các thuốc kháng virut như lamivudine, adefovir, entecavir, ribavirin. Lamivudine ức chế tổng hợp AND của virut, vì thế mà virut không nhân lên được. Lamividine giống như  adefovir, entecavir được chứng minh là có tác dụng với virut viêm gan B. Khác với lamivindine, ribavirin được cho là có tác dụng gây biến đổi bản sao mật mã di truyền ADN của virut và vì thế virut không thể sinh trưởng được. Ribavarin là một thuốc điển hình cho xử lý các trường hợp bị nhiễm virut viêm gan C. Để có hiệu quả diệt trừ với các virut này, chúng ta cần điều trị tối thiểu 6 tháng.
Hệ tiêu hóa phân giải thức ăn.
Chú ý đến những tương tác của thuốc
Ngoài những tương tác với một số thuốc khác, nhóm các thuốc trị bệnh mạn tính đường tiêu hoá lại tương tác với chính chức năng tiêu hoá nói chung và với một số thực phẩm nói riêng. Các tương tác điển hình là:
Nhóm thuốc ức chế tiết axit của dạ dày có tác dụng làm giảm số lượng axit gây bệnh. Tuy nhiên, axit lại là một thành phần quan trọng trong quá trình tiêu hoá của dạ dày. Nó có vai trò tạo môi trường hoạt hoá men pepsin, làm mềm thức ăn, là một thành phần làm huỷ lớp màng bao bọc ở những thực phẩm, tạo điều kiện cho các men phân giải protein dễ ngấm vào sâu. Chúng còn tham gia làm phá vỡ cấu trúc cellunose của các loại rau quả. Việc sử dụng các thuốc ức chế tiết axit vô tình đã làm giảm tính năng này của axit trong dạ dày và hậu quả là chậm tiêu, đầy bụng, nặng bụng sau khi ăn, nhất là khi ăn các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá…
Các thuốc bao bọc ổ loét như sucralfat ngoài tính năng bao bọc toàn bộ ổ loét, chúng còn bao luôn cả những lớp bề mặt bình thường khác. Việc phủ kín bề mặt của hệ tiêu hoá làm giảm quá trình hấp thu và giảm quá trình kích thích tạo ra dịch tiêu hoá. Thế nên, chứng ăn lâu tiêu cũng thường xảy ra. Chứng hấp thu kém, chậm hấp thu cũng có thể có với những trường hợp sử dụng kéo dài.
Mặc dù là một kháng sinh được chứng minh là có tác dụng mạnh với vi khuẩn HP nhưng clarithromycine là một kháng sinh nhóm macrolid. Một trong những tác dụng phụ “chán nhất” của nhóm này là đầy bụng. Cảm giác đầy bụng đến khó chịu. Người sử dụng ngồi không yên, đứng không yên, nằm không thuận. Toàn thân nôn nao, buồn nôn nhưng rất khó nôn. Cảm giác này tồn tại từ 30 phút đến 1 giờ sau khi uống thuốc.
Tương tự, metronidazole cũng không phải là một thuốc kém cạnh trong mặt này. Nó đặc biệt có tương tác mạnh với rượu. Khi người bệnh sử dụng rượu đi kèm, ngay tức khắc metronidazole gây cơn bốc hoả cấp, gây cơn hoang tưởng cấp, chứng loạn tâm thần.
Một trong những mặt cần phải lưu ý nhất với nhóm thuốc điều trị viêm gan virut B lamivudine là bệnh viêm tụy. Cần theo dõi chặt chẽ về tình hình này. Ngay khi có biểu hiện viêm tụy về mặt chỉ số xét nghiệm, phải dừng lamivudine nếu không chữa được gan thì lại phải chữa tụy.
Ngoài ra, những tác động của thói quen ăn uống cũng làm thay đổi đáng kể về mặt hiệu quả điều trị bệnh.     
      
Theo Sức khỏe và đời sống
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!