Tin tức
Góc giải đáp: Yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm mống mắt?
1. Những triệu chứng viêm mống mắt thường gặp
Tình trạng viêm mống mắt chính là viêm phần giữa của mắt, vì thế mà bệnh này còn được gọi là viêm màng bồ đào trước. Bệnh được chia làm 2 dạng, viêm mống mắt cấp tính (bệnh chỉ kéo dài trong khoảng 3 tháng) và viêm mống mắt mạn tính (thời gian bị bệnh kéo dài hơn 3 tháng).
Người bị chấn thương mắt có nguy cơ bị viêm mống mắt
Những triệu chứng viêm mống mắt có thể chỉ xảy ra ở một bên mắt, nhưng bên cạnh đó cũng nhiều trường hợp bệnh xảy ra ở cả hai mắt. Dưới đây là những triệu chứng thường gặp:
-
Bệnh nhân bị đau mắt dai dẳng.
-
Thị lực của người bệnh bị giảm sút.
-
Xuất hiện tình trạng chảy nước mắt nhiều bất thường.
-
Bệnh nhân trở nên nhạy cảm với ánh sáng.
-
Nhìn rõ mạch máu trong mắt bệnh nhân vì chúng có xu hướng giãn to và chuyển sang màu đậm hơn với hình dạng ngoằn ngoèo.
-
Một số bệnh nhân có thể mắc phải những dấu hiệu khác như sốt, chán ăn và thường xuyên mất ngủ,…
Khi gặp phải những triệu chứng này, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, cũng như điều trị bệnh kịp thời. Tránh chủ quan, ủ bệnh lâu ngày dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
2. Yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm mống mắt?
Tình trạng viêm mống mắt có thể do một nguyên nhân hoặc nhiều nguyên nhân gây ra. Thông thường, để nhận biết chính xác nguyên nhân của bệnh cũng là một vấn đề phức tạp. Dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất:
Người bệnh bị chấn thương liên quan đến mắt: Một số chấn thương ở mắt được cho là nguyên nhân gây ra bệnh viêm mống mắt cấp tính. Đó có thể là chấn thương do lực cùn, chấn thương xuyên thấu hoặc chấn thương do bệnh nhân bị bỏng từ hóa chất hay lửa,...
Người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có nguy cơ bị viêm mống mắt
Nhiễm trùng: Một số bệnh nhân bị nhiễm virus, vi khuẩn cũng dẫn đến tình trạng viêm mống mắt. Chẳng hạn bệnh nhân bị bệnh giời leo, bị nhiễm toxoplasmosis, histoplasma, bị bệnh lao hay mắc bệnh giang mai,…
Di truyền: Một số bất thường dẫn đến thay đổi gen ở những người có bệnh tự miễn cũng chính là nguyên nhân gây bệnh viêm mống mắt. Một số bệnh tự miễn có thể kể đến như bệnh viêm khớp vẩy nến, bệnh viêm ruột, viêm cột sống dính khớp,…
Bệnh Behcet: Đây là căn bệnh phổ biến với những vấn đề như viêm loét miệng, loét sinh dục hay những vấn đề về khớp. Tình trạng này có nguy cơ gây viêm mống mắt nhưng tỉ lệ hiếm gặp.
Viêm khớp dạng thấp ở thanh thiếu niên.
Do thuốc: Một số loại thuốc kháng sinh để điều trị HIV, điều trị loãng xương,… cũng có thể gây ra tác dụng phụ là viêm mống mắt. Để cải thiện triệu chứng bệnh, bạn nên dừng thuốc hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để có được lời khuyên hợp lý cho tình trạng sức khỏe hiện tại.
Một số loại thuốc điều trị làm tăng nguy cơ bị bệnh
Vậy yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm mống mắt? Những trường hợp có những yếu tố dưới đây thì nguy cơ bị viêm mống mắt của họ sẽ cao hơn những người khác:
Người bệnh có sự thay đổi, có những bất thường trong gen.
Trong cơ thể đã mắc phải một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như bệnh giang mai, bệnh HIV,…
Những trường hợp có hệ miễn dịch yếu hoặc có biểu hiện rối loạn tự miễn.
Bên cạnh đó, những người thường xuyên hút thuốc lá cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người không hút thuốc.
3. Phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh viêm mống mắt
3.1. Phương pháp điều trị
Mỗi bệnh nhân mắc bệnh đều cần được điều trị sớm để được cải thiện triệu chứng bệnh, giảm đau, giảm viêm và bảo tồn thị lực. Những phương pháp điều trị viêm mống mắt thường được áp dụng bao gồm:
Dùng thuốc nhỏ mắt steroid.
Điều trị giảm viêm bằng thuốc Glucocorticoid.
Dùng thuốc giãn đồng tử để giúp giảm cơn đau do viêm và phòng ngừa nguy cơ gây ra những biến chứng ở đồng tử.
Thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ gây viêm mống mắt
Lưu ý: Bệnh nhân cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và uống thuốc theo đúng đơn thuốc của bác sĩ. Tránh lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không đúng quy định gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nếu có những bất thường xảy ra, cần liên hệ với bác sĩ để được xử trí kịp thời, thay đổi phác đồ,… để có hiệu quả tốt hơn.
Nếu các triệu chứng của bệnh nhân không rõ ràng hoặc có vẻ tồi tệ hơn, bác sĩ có thể kê toa thuốc uống bao gồm steroid hoặc các chất chống viêm khác, tùy thuộc vào tình trạng chung tại thời điểm điều trị.
3.2. Phòng ngừa bệnh viêm mống mắt như thế nào
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn nên thực hiện theo những lưu ý dưới đây:
Đối với những trường hợp bị viêm do bệnh tự miễn gây ra sẽ không thể phòng ngừa được.
Nên thực hiện vệ sinh sạch sẽ, nên rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, rửa tay trước khi ăn, nên thực hiện ăn chín uống sôi để tránh nhiễm ký sinh trùng phòng ngừa viêm mống mắt và nhiều bệnh khác.
Không nên sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Sử dụng kính khi ra ngoài đường hoặc sử dụng đồ bảo hộ nếu phải tiếp xúc với môi trường khói bụi.
Nếu có biểu hiện bất thường thì nên đi khám càng sớm càng tốt.
Viêm mống mắt dễ bị tái phát vì thế người bệnh nên kiên trì điều trị.
Như vậy, những thông tin trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm mống mắt cũng như cách phòng bệnh ra sao. Nếu bạn cần tìm hiểu nhiều hơn về căn bệnh này hoặc muốn thăm khám bệnh, bạn có thể gọi đến số 1900 56 56 56 để được chuyên gia Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn chi tiết.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!