Tin tức
Góc tư vấn: mang thai rỗng có nguy hiểm không?
- 02/03/2022 | Tại sao phụ nữ mang thai cần phải bổ sung axit folic đầy đủ?
- 24/02/2022 | Phụ nữ mắc bệnh sa tử cung có mang thai được không?
- 24/02/2022 | Sa tử cung khi mang thai nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi
1. Mang thai rỗng là gì?
Để mang thai thành công, trứng sau khi rụng cần được thụ tinh bởi tinh trùng, sau đó di chuyển vào trong tử cung để hình thành phôi thai. Tại tử cung, phôi thai sẽ tìm một vị trí thích hợp để cấy cố định vị trí, sau đó phát triển lớn dần thành thai.
Mang thai rỗng là một dạng hư thai
Tuy nhiên ở người mang thai rỗng, trứng đã thụ tinh và được cấy vào thành tử cung nhưng vì nguyên nhân nào đó mà không phát triển thành phôi thai, khi đó chỉ có túi thai trong tử cung. Thai rỗng không thể phát triển bình thường do đó mẹ bầu thường bị sảy thai sớm ở tuần thứ 8 - 13 của thai kỳ, nhiều mẹ bầu sảy thai ngay khi chưa biết mình mang thai.
Như vậy, thai rỗng được coi là một hình thức hư thai, bắt buộc phải loại bỏ mà không thể phát triển thành thai bình thường. Tùy từng trường hợp mà thai rỗng sẽ sảy thai sớm hay muộn.
Ở người mang thai rỗng, mặc dù phôi thai không tồn tại hoặc phát triển nhưng nhau thai vẫn hình thành và tạo hormone thai kỳ hCG. Do đó, nếu xét nghiệm máu hay dùng que thử thai, mẹ vẫn nhận được kết quả dương tính nghĩa là đang mang thai. Các triệu chứng thai nghén cũng xảy ra bình thường, chỉ khi đi siêu âm khám thai không xác định được phôi thai.
Mang thai rỗng sẽ gây sảy thai sớm
Khi thai rỗng chưa có dấu hiệu sảy thai, mẹ bầu không gặp dấu hiệu bất thường nào mà chỉ có các dấu hiệu mang thai do tăng hormone thai kỳ. Các nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến mang thai rỗng nhưng hiện vẫn chưa xác định được chính xác. Một số yếu tố liên quan đến tình trạng này được xác định bao gồm:
-
Rối loạn di chuyển (liên quan đến bất thường ở nhiễm sắc thể số 9).
-
Tinh trùng hoặc trứng kém chất lượng dẫn đến ngừng phát triển sớm phôi thai.
-
Bất thường về cấu trúc gen nói chung.
-
Do mẹ mắc các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống,...
-
Do bệnh mạn tính hoặc nhiễm trùng.
-
Do bất thường quá trình phân chia tế bào.
-
Do yếu tố môi trường,...
Những trường hợp mẹ bầu bị mang thai rỗng nhiều lần, cần phân tích di truyền để xác định chính xác nguyên nhân. Từ đó có thể xem xét can thiệp để mang thai bình thường hoặc hình thức mang thai khác an toàn.
Mang thai rỗng sẽ không thấy phôi thai khi siêu âm
2. Mang thai rỗng có nguy hiểm không?
Trong giai đoạn túi thai vẫn phát triển mặc dù phôi thai teo nhỏ dần và biến mất, người mẹ vẫn có dấu hiệu mang thai và không gặp triệu chứng bất thường nào. Tuy nhiên, mang thai rỗng thường gây sảy thai khá sớm, nhiều mẹ bầu còn chưa biết bản thân mang thai. Mẹ vẫn có thể có những dấu hiệu mang thai bình thường như: đau ngực, buồn nôn, que thử thai 2 vạch, trễ chu kỳ kinh nguyệt,...
Khi quá trình sảy thai tự nhiên xảy ra, người mẹ sẽ có các dấu hiệu điển hình như: đau bụng, xuất huyết âm đạo, không còn dấu hiệu mang thai,... Khi không có phôi thai, sảy thai xảy ra sớm và thường bị bỏ qua do dấu hiệu khá giống với chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Nếu túi thai được đẩy ra ngoài sạch sẽ, người mẹ thường không gặp phải di chứng hay ảnh hưởng lớn sau này.
Tuy nhiên, nếu phát hiện mang thai rỗng, mẹ bầu vẫn nên đi khám để được theo dõi, đánh giá tình trạng hư thai cũng như quá trình sảy thai. Một số biến chứng do sảy thai rỗng có thể gặp phải như: rong huyết, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, rối loạn hormone,...
Nhiều trường hợp túi thai phát triển lớn, quá trình sảy thai tự nhiên có thể gây nguy hiểm thì cần xem xét can thiệp để sảy thai sớm bằng thuốc hoặc nong, nạo tử cung loại bỏ mô nhau thai khỏi tử cung hoàn toàn. Các thủ thuật này nên thực hiện ở cơ sở y tế uy tín vì có thể gây nhiễm trùng hoặc sót mô nhau thai.
Mang thai rỗng sẽ cần can thiệp nếu túi thai lớn, sảy thai tự nhiên muộn
3. Có thể phòng ngừa mang thai rỗng hay không?
Do chưa xác định được nguyên nhân chính xác, thông tin nghiên cứu về những bất thường nhiễm sắc thể gây mang thai rỗng còn hạn chế nên hiện vẫn chưa có biện pháp ngăn ngừa tình trạng hư thai này. Hầu hết trường hợp mang thai rỗng chỉ xảy ra một lần, những lần mang thai sau sản phụ vẫn nên đi khám sớm để chẩn đoán.
Nếu mẹ bị mang thai rỗng nhiều lần, cần chẩn đoán tìm nguyên nhân bằng các xét nghiệm như:
-
Xét nghiệm tinh dịch đồ đánh giá chất lượng tinh trùng.
-
Xét nghiệm sàng lọc di chuyển tiền sản.
-
Xét nghiệm nồng độ hormone kích thích nang trứng FSH hoặc hormone chống anti-mullerian.
Ngoài ra, yếu tố môi trường sống cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng thai, do đó mẹ bầu nên hạn chế tiếp xúc với các chất, khí độc trong thời gian thai kỳ. Sau khi sảy thai do mang thai trống, hãy đi kiểm tra và chờ ít nhất 1 - 3 chu kỳ kinh nguyệt đều đặn trước khi cố gắng mang thai trở lại.
Hầu hết mẹ bầu bị sảy thai rỗng không có bất thường nhiễm sắc thể nặng vẫn có thể mang thai khỏe mạnh trong những lần sau. Do đó, mẹ không nên quá lo lắng mà cần nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe sớm sau khi bị sảy thai rỗng.
Mang thai rỗng có thể lặp lại nhiều lần nếu do vấn đề di truyền
Mang thai rỗng có nguy hiểm không cần thăm khám cụ thể mới có thể kết luận. Có thể thấy đây là tình trạng hư thai sớm và thường xảy thai do chỉ có túi thai ở tam cá nguyệt thứ nhất, thường không gây nguy hiểm cho tính mạng của mẹ.
Tuy nhiên, mang thai rỗng có thể cảnh báo bất thường nhiễm sắc thể của trứng (từ mẹ) hoặc tinh trùng (từ bố), cần đi kiểm tra để xác định nguyên nhân trước khi có ý định mang thai tiếp. Nếu cần tư vấn về xét nghiệm di truyền trước khi mang thai, hãy liên hệ với hotline Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!