Tin tức
GS.TS Nguyễn Anh Trí: Bác sĩ phải “mưu sinh” có đạo đức
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc trao đổi với GS, TS, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC về y đức của bác sĩ trong xã hội hiện nay.
PV: Theo GS, nghề bác sĩ có phải là nghề nguy hiểm khi hy sinh thời gian, sức khỏe của mình để cứu chữa cho bệnh nhân nhưng họ lại phải chịu rất nhiều áp lực từ người bệnh, từ dư luận xã hội?
GS, TS Nguyễn Anh Trí: Nghề y nói đúng mực là nghề có nhiều áp lực. Bác sĩ giỏi cũng có lúc mắc sai sót vì sự cố, vì vô ý, nhưng quan trọng là phải biết rút kinh nghiệm mới trở thành bác sĩ giỏi.
Nếu so sánh với các nước tiên tiến trên thế giới, hành nghề y tại Việt Nam chịu nhiều áp lực và nguy hiểm hơn. Vì về điều kiện, phương tiện ở ta là đã khá tốt nhưng chưa phải là cực tốt; thuốc men chưa đầy đủ; khả năng chi trả của người bệnh Việt Nam không phải cao.
Đặc biệt, dư luận xã hội nhiều lúc, nhiều hiện tượng còn thiếu sự bình tĩnh. Khi xảy ra sự cố y khoa, dư luận thường lập tức đổ lỗi ngay cho cán bộ y tế. Mọi người không bình tĩnh xem xét ở mọi góc độ xem cán bộ y tế sai ở đâu, các yếu tố khác sai đến đâu. Nếu bình tĩnh lại có thể giải quyết được nhiều vụ việc tai biến y khoa một cách hợp lý, có tình hơn.
PV: Liệu có hay không việc trong nền kinh tế thị trường hiện nay, y đức bác sĩ đang xuống cấp?
GS, TS Nguyễn Anh Trí: So với trước đây, chất lượng chẩn đoán và điều trị tốt hơn rất nhiều, tốt hơn từng năm một và nhiều lĩnh vực ngang với quốc tế. So với trước đây hành nghề y khoa tốt hơn, kể cả phạm trù kiếm sống. Bác sĩ có trình độ khá trở lên không ai khó khăn. Người không chịu học tập, không chịu tu dưỡng thì thu nhập phải thấp hơn.
Còn về y đức, thì chúng ta phải thừa nhận, có một bộ phận, ở một nhóm người có phần nào đó bị xuống cấp. Đâu đó có người sử dụng chính y lý, y thuật để trục lợi thiếu đạo đức. Chỉ định xét nghiệm lạm dụng, mua máy vào bệnh viện công mà khai thác hết mức để bù khấu hao, hoặc máy đã khấu hao nhưng vẫn sử dụng và thu với mức giá cao…
Những hiện tượng này xã hội đã lên tiếng và Bộ Y tế đang tìm mọi cách điều chỉnh.
PV: Nghề thầy thuốc là nghề phụng sự, trong khi đó con người ai cũng có nhu cầu mưu sinh và làm giàu. Chúng ta đang cải cách nền y tế theo hướng công bằng, nhân đạo và sức khỏe là loại hàng hóa đặc biệt, không thể đi theo sự điều tiết của thị trường. Như vậy có sự mâu thuẫn nào không trong việc cân bằng giữa hai tiêu chí: phụng sự và mưu sinh?
GS, TS Nguyễn Anh Trí: Ngành y tế là một ngành phục vụ nên có áp lực rất lớn từ những người được phục vụ - mà đó lại là những người đang trong hoàn cảnh rất đặc biệt như ốm đau, mệt mỏi, khó chịu, họ lo lắng nên dễ bực bội, nổi nóng nhất.
Mặt nữa, hệ thống mức lương chính thức của ngành y tế vẫn còn thấp, gây áp lực tới mưu sinh và kiếm sống của cán bộ y tế. Họ cũng phải chịu áp lực về nâng cao trình độ để phục vụ chuyên môn, áp lực trong so sánh với đồng nghiệp… Những áp lực này đè nặng lên vai cán bộ y tế.
Rõ ràng, cả các văn bản, chính sách lẫn nhận thức xã hội coi ngành y là ngành dịch vụ và cũng là ngành phục vụ. Nhưng không được quên, đây là loại dịch vụ đặc biệt vì nó phục vụ con người, vào thời điểm con người ở trạng thái đau đớn, khổ sở, khó khăn nhất và thậm chí có trường hợp là lúc người được phục vụ nằm giữa lằn ranh sống và chết. Làm ngành dịch vụ nhưng không được quên đó là ngành đặc biệt nên không được đánh đồng.
Do đó, để cân bằng giữa mưu sinh và phụng sự, tôi cho rằng, cán bộ y tế, phải có nhận thức đúng về công việc, nghề nghiệp nhất là đặc điểm nghề nghiệp của mình, trong đó hết sức chú ý ngành dịch vụ đặc biệt. Bác sĩ cũng phải kiếm sống nhưng khi hành nghề, kiếm sống trên sức khỏe, sinh mạng người bệnh thì phải hết sức có đạo đức.
Cá nhân tôi, sau những năm tháng học tập tại Nhật Bản về, tôi có thể kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau như đi dạy ngoại ngữ, viết báo, viết thơ ca, tổ chức sự kiện… nhưng tôi vẫn kiếm sống chính bằng nghề y của mình. Tôi khuyên cán bộ y tế nên kiếm sống bằng chính nghề của mình nhưng hết sức có đạo đức.
PV: Chúng ta không thể phủ nhận thực tế, vì lý do mưu sinh, không ít bác sĩ có vi phạm vấn đề y đức với các biểu hiện là: kê đơn thuốc đắt tiền để hưởng phần trăm hoa hồng, lạm dụng các chỉ định… Là một đại biểu Quốc hội, ông nghĩ sao về thực tế này?
GS, TS Nguyễn Anh Trí: Tôi thấy đâu đó trong ngành y tế vẫn còn những người đã kiếm sống để tăng thêm thu nhập nhưng không lành mạnh. Thí dụ như việc có tập thể vận động mua máy xã hội hóa và đặt máy trong bệnh viện và khi bệnh nhân đến thì chủ yếu làm các chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu trên máy xã hội hóa đó, còn máy nhà nước thì bỏ không hoặc rất ít sử dụng. Có nơi lạm dụng trong chỉ định xét nghiệm, lạm dụng thuốc đắt tiền, nhân bản xét nghiệm và móc ngoặc để chiếm lợi trong thuốc, lớn hơn là vi phạm trong đấu thầu thuốc... Đây là bệnh thâm căn cố đế, nước nào cũng có và môi trường của “kinh tế thị trường” thì chỉ luôn chực bung ra.
Những việc làm sai đó đã tác động tiêu cực đến vấn đề phục vụ, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng chi phí một cách vô lý, tốn kém cho người bệnh, cho xã hội nói chung.
Mặt khác tôi cho rằng, các văn bản pháp quy của chúng ta mặc dù đã tiến bộ, nhưng vẫn còn những lỗ hổng, có chỗ bị trì trệ, lạc hậu chưa kịp sửa đổi nên những tiêu cực đó còn xảy ra, rất tổn hại cho xã hội. Về phía cán bộ y tế, tôi nghĩ mọi người phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện. Tu y đức phải như con chiên học về đạo, ngày nào cũng phải “rửa tội” mới không quên, mới làm tốt được.
Xin cảm ơn GS, TS Nguyễn Anh Trí!
Nguồn: http://nhandan.com.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!