Tin tức

Hoang mang trước hiện tượng mù tạm thời mà không rõ nguyên nhân

Ngày 07/09/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Mù tạm thời hay nhìn mờ thoáng qua là tình trạng mắt đột nhiên mất thị lực nhưng chỉ trong vài giây hoặc vài phút sau đó người bệnh lại có thể nhìn trở lại. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này và cách điều trị là gì?

1. Thế nào là bị mù tạm thời?

Mù tạm thời xảy ra khi một hoặc cả hai bên mắt bị mất thị lực một phần hay toàn bộ. Đây chỉ là hiện tượng xuất hiện thoáng qua, kéo dài trong khoảng thời gian ngắn vài giây hoặc vài phút và không theo quy luật rõ ràng. Chính vì tính thất thường này nên các chuyên gia về thần kinh hay nhãn khoa đều nhận định rằng mù tạm thời là hệ quả của sự gián đoạn tuần hoàn máu tới não hoặc mắt, thậm chí là do cả hai vấn đề này.

Có nhiều trường hợp người bệnh đôi khi lại nhìn thấy mọi vật xung quanh rất mờ nhòe nhưng điều này lại chỉ được nhận biết qua tường thuật của bệnh nhân, khi thăm khám ngay tại bệnh viện lại không phát hiện ra tổn thương thực thể. Vì vậy để chẩn đoán bệnh cần có sự kết hợp của máy móc kỹ thuật và kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm của bác sĩ. 

 Mù tạm thời có thể tiềm ẩn những nguy cơ bệnh lý nghiêm trọng gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh

 Mù tạm thời có thể tiềm ẩn những nguy cơ bệnh lý nghiêm trọng gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh

2. Mù tạm thời xuất phát từ nguyên nhân nào?

Mặc dù nhìn mờ thoáng qua là tình trạng không phải là hiếm gặp nhưng việc tìm hiểu nguồn gốc dẫn đến hiện tượng này lại không hề đơn giản. Nguyên nhân gây nhìn mờ thoáng qua khá đa dạng, có thể là do những bệnh lý sau đây:

2.1. Tắc mạch tạm thời

Gián đoạn tuần hoàn hay bị tắc mạch máu não tạm thời có khả năng là do những nguyên nhân sau:

  • Lẫn các cục máu đông trong dòng tuần hoàn vì tiêm chích ma túy, tai biến can thiệp mạch, chụp mạch hay tiêm truyền;

  • Tăng độ nhớt của máu hoặc tăng huyết áp khiến vùng vỏ não đảm nhiệm chức năng thị giác bị ảnh hưởng;

  • Mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch như bệnh van tim. xơ vữa động mạch, u nhầy tâm nhĩ và viêm nội tâm mạc;

  • Do các dị dạng mạch máu liên quan đến mạch máu nuôi dưỡng mắt.

2.2. Thiếu máu

Tình trạng mất máu cấp tính hay mạn tính đều có thể gây ra tình trạng thiếu máu não hoặc ảnh hưởng đến tuần hoàn mắt. Điều này gây ra những cơn chếnh choáng, ngất hay mù tạm thời. Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu máu như:

  • Thiếu sắt, thiếu máu là hiện tượng xảy ra khá phổ biến ở nhiều bệnh nhân nữ, nhất là các bé gái đang trong độ tuổi dậy thì. Đối với phụ nữ bước sang tuổi trung niên thì tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, thiếu máu não hoặc các bệnh lý huyết học khác cũng hình thành nên các cụ máu đông gây tắc mạch và dẫn đến tình trạng mù tạm thời;

  • Cấp tính: Tai nạn gây chảy máu, tràn máu các màng, ho ra máu sét đánh, xuất huyết tiêu hoá mức độ nặng, chửa ngoài tử cung vỡ,...

  • Mạn tính: Rong huyết, rong kinh, giun sán, xuất huyết tiêu hoá mức độ nhẹ, thiếu máu thiếu sắt,...

2.3. Tăng áp lực nội sọ

Xuất hiện u não, tăng áp lực máu hoặc tăng áp lực nội sọ đều gây ảnh hưởng tới đầu mút thần kinh thị giác dẫn tới hiện tượng nhìn mờ thoáng qua. Do đó bác sĩ sẽ cần phải khai thác rất kỹ tiền sử bệnh án của bệnh nhân để tìm hiểu các bệnh lý mà họ đang gặp phải.

2.4. Hội chứng Migraine

Nổi tiếng trong giới y khoa, hội chứng này thường gặp ở những bệnh nhân nữ trẻ tuổi liên quan đến yếu tố di truyền. Nguyên nhân gây ra hội chứng Migraine là do viêm/co thắt mạch não dị ứng với những biểu hiện điển hình như sau:

  • Buồn nôn;

  • Đau nửa đầu;

  • Thị lực giảm, mù tạm thời;

  • Người bệnh có thể nhìn thấy vòng hào quang, các đốm sáng hoặc hình ziczac trong mắt.

2.5. Mắc phải các bệnh lý nhãn khoa

Các chuyên gia cho rằng một số bệnh lý về nhãn khoa có khả năng là căn nguyên của tình trạng tắc mạch máu mắt và não, ngoài ra còn là nguyên nhân gây mù tạm thời từ vài giây đến vài phút, ví dụ như:

  • Phù gai thị;

  • Co kéo và bong dịch kính;

  • Drusen gai thị;

  • U hốc mắt;

  • Bệnh Horton (viêm động mạch thái dương);

  • Viêm dây thần kinh thị giác;

  • Hẹp động mạch cảnh;

  • U não: khối u trong não cũng có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh hoặc mạch máu ở mắt, dẫn đến mù tạm thời hoặc đôi khi mù vĩnh viễn nếu không được điều trị phù hợp.

Tăng áp lực nội sọ có thể là nguyên nhân gây mù tạm thời

Tăng áp lực nội sọ có thể là nguyên nhân gây mù tạm thời

3. Chẩn đoán và điều trị mù tạm thời

3.1. Các phương pháp chẩn đoán

Để xác định được các nguyên nhân khiến người bệnh bị nhìn mờ thoáng qua, bên cạnh các triệu chứng như mô tả của bệnh nhân bác sĩ sẽ vận dụng tới các kỹ thuật chẩn đoán sau:

  • Soi đáy mắt;

  • Kết hợp hội chẩn giữa Chuyên khoa Mắt và Chuyên khoa Thần kinh;

  • Tìm huyết khối qua quan sát tuần hoàn máu di chuyển tới tim và não;

  • Chụp CT sọ và chụp MRI nhằm phát hiện u nội sọ và tổn thương ở não;

  • Chụp X-quang mạch máu có tiêm thuốc cản quang;

  • Chụp MRA (cộng hưởng từ mạch máu) giúp thu lại hình ảnh của mạch máu;

  • Chọc dịch não tủy giúp tìm nguyên nhân nhiễm trùng trong trường hợp không thấy thương tổn.

3.2. Điều trị

Để lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp cần dựa trên các yếu tố như: nguyên nhân gây mù tạm thời và thể trạng của bệnh nhân hay vị trí có huyết khối ở đâu (có thể là ở động mạch tim, cổ, đầu). Nếu mức độ tắc nghẽn mạch trên 70% đường kính động mạch cảnh thì phẫu thuật sẽ được chỉ định để loại bỏ. Ngoài ra tình trạng mù tạm thời còn được khắc phục bởi các phương pháp khác như sử dụng thuốc chống đông hay thuốc aspirin, giải phóng động mạch bị tắc nghẽn bằng cách đặt stent.

4. Lời khuyên từ các chuyên gia

Mỗi người tốt nhất hãy nên chủ động thường xuyên đi thăm khám mắt, trung bình từ 1 -2 lần/năm đối với người trên 65 tuổi.  Người trẻ tuổi hơn và mắc các bệnh lý đe dọa đến sức khỏe của đôi mắt như tiểu đường, huyết áp  cao cũng cần đi khám mắt theo lịch hẹn của bác sĩ.

Những thói quen sinh hoạt sau cũng giúp cản trở sự diễn tiến tăng nặng của chứng mù tạm thời:

  • Đeo kính bảo hộ khi lao động hoặc làm những công việc nguy cơ tổn hại mắt cao;

  • Đeo kính râm khi ra ngoài trời nắng để bảo vệ mắt trước tia UV và các tác nhân gây hại;

  • Đeo kính đúng với độ thị lực của mắt và đo kiểm tra mắt lại định kỳ;

  • Hạn chế uống bia rượu và không hút thuốc lá;

  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp;

  • Ăn các thực phẩm nhiều beta, chất chống oxy hóa và caroten như rau bina, rau cải xanh, củ quả màu cam và màu đỏ (cà chua, cà rốt),... có tác dụng chống lại bệnh thoái hóa mắt, bao gồm cả bệnh võng mạc và đục thủy tinh thể.

Khi đi ra ngoài trời nắng bạn hãy bảo vệ mắt bằng cách đeo kính râm

Khi đi ra ngoài trời nắng bạn hãy bảo vệ mắt bằng cách đeo kính râm

Nếu bạn hoặc người thân đang có các triệu chứng cảnh báo tình trạng mù tạm thời thì hãy đến khám tại Chuyên khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, điều trị sớm các bệnh lý tiềm ẩn để tránh nguy cơ biến chứng nghiêm trọng trong tương lai.

Mọi thông tin chi tiết xin quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp tới tổng đài 1900 56 56 56. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.