Tin tức

Hội chứng ruột kích thích- Kẻ quấy nhiễu đáng ghét

Ngày 06/08/2014
BS. Hạnh Nguyên
Hội chứng ruột kích thích gây bệnh cho khoảng 10 -30% dân số. Bệnh hay gặp ở nữ nhiều hơn nam giới (tỷ lệ ~ 2:1), độ tuổi hay gặp từ 40-60. Hội chứng ruột kích thích không gây tử vong nhưng kéo dài, gây tâm lý lo lắng, mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của bệnh nhân.


Người bệnh không sụt cân, siêu âm bụng và xét nghiệm đều bình thường, chụp Xquang đại tràng có thể có hình ảnh tăng hoặc giảm co bóp hay rối loạn co bóp, nhưng khi soi toàn bộ đại tràng thì niêm mạc hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm phân cũng không có gì thay đổi rõ rệt. Bệnh thường xuất hiện lần đầu tiên ở người trẻ tuổi, thường là trước tuổi 45.

 

Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích

Nguyên nhân của hội chứng ruột kích thích đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ và chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Có nhiều ý kiến cho rằng hội chứng này là rối loạn chức năng bởi vì không có dấu hiệu bệnh nào được tìm thấy khi khám đại tràng. Người bệnh khó chịu, mất tự tin, nhưng bệnh không gây hại đến đường ruột, không gây chảy máu hay một bệnh trầm trọng nào ở ruột. Có một số yếu tố được cho là có liên quan đến sự khởi phát của hội chứng này: Sau nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, khả năng bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích tăng lên tới 6 lần. Các yếu tố gây stress và tâm lý bệnh nhân cũng góp phần đáng kể trong cơ chế bệnh sinh. Thức ăn không thích hợp với bệnh nhân, thức ăn ít chất xơ cũng hay gây rối loạn chức năng ống tiêu hóa. Các thương tổn đại tràng sau nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc thức ăn cũng có thể làm tăng tính nhạy cảm của đại tràng gây ra hội chứng ruột kích thích. Rối loạn điều hòa nhu động đại tràng của trục não - ruột cũng được cho là có thể gây bệnh. Các hormon sinh dục nữ tăng cao trong giai đoạn của bệnh, lý giải tại sao hội chứng ruột kích thích xảy ra ở nữ nhiều hơn nam.

Cần làm gì để giảm khó chịu?

Mặc dù là bệnh lành tính, không gây tử vong nhưng để điều trị dứt không phải dễ. Việc điều trị chủ yếu làm giảm triệu chứng giúp cho người bệnh đỡ khó chịu. Đầu tiên là điều chỉnh chế độ ăn. Phải tìm được một chế độ ăn thích hợp cho bệnh nhân. Khi đang có triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy... nên tránh ăn các thức ăn, nước uống không thích hợp. Nên chia làm nhiều bữa nhỏ, tránh ăn quá no. Không nên ăn các thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường (cam, quýt, xoài, mít...). Tránh các đồ uống nhiều đường và có gas, những thức ăn để lâu, bảo quản không tốt. Nếu có tiêu chảy tránh ăn quá nhiều thức ăn có nhiều chất xơ (rau muống, rau cải, dưa...). Hạn chế sử dụng những thức ăn dễ kích thích như bia rượu, cà phê, thức ăn cay chua, chất béo, thức ăn dễ tạo men.

Người bệnh cần có chế độ làm việc điều độ, cố gắng tạo được giấc ngủ sâu, ngủ đủ, tránh tình trạng căng thẳng... sẽ góp phần làm cho hội chứng ruột kích thích luôn được ổn định và cũng là cách phòng bênh hữu hiệu. Cần giảm hoặc loại bỏ stress, tăng cường các hoạt động thể chất, tạo một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản, luyện tập thói quen đại tiện mỗi ngày một lần, tập khí công, yoga cùng với các phương pháp thư giãn... cũng góp phần đáng kể vào việc làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

Trong đợt tiến triển của bệnh, một số thuốc cũng nên được dùng để điều trị triệu chứng của bệnh. Việc dùng thuốc nào, liều lượng bao nhiêu cần do bác sĩ khám và chỉ định cụ thể. Người bệnh nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn dùng thuốc. 

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ