Tin tức

Hỏi đáp: Chân nổi gân xanh có nguy hiểm không

Ngày 10/12/2020
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Nổi gân xanh ở chân là hiện tượng phổ biến ở nhiều người, thông thường chúng sẽ không gây nguy hại đến sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu chân nổi gân xanh quá nhiều thì đó chính là dấu hiệu của bệnh lý bạn cần phải chú ý. Cùng MEDLATEC tìm hiểu về hiện tượng chân nổi gân xanh qua bài viết sau.

1. Gân xanh dưới da là gì?

Các đường gân xanh nằm ở dưới da chính là tĩnh mạch, phụ trách vai trò như một đường dẫn quan trọng trong việc đưa máu từ các bộ phận trên cơ thể trở về tim và sau đó chuyển đến cơ quan trao đổi chất. Theo đó, thì gân xanh ở chân sẽ đưa máu từ chi dưới quay lại tim và đi đến phổi để trao đổi oxy trước khi đi khắp cơ thể. 

Đa số các gân xanh đều nằm dưới lớp da, tuy nhiên một số trường hợp tĩnh mạch bị giãn làm tăng kích thước khiến dễ dàng nhìn thấy ngay dưới bề mặt da.

Chân nổi gân xanh trên bề mặt da ở chân

Gân xanh nổi trên bề mặt da ở chân 

Trong đó, ở một số trường hợp, việc nổi gân xanh là hiện tượng tự nhiên nhưng đối với một số khác đó có thể là một biểu hiện của một loại bệnh lý đáng lo ngại.

2. Những nguyên nhân dẫn nổi gân xanh ở chân một cách tự nhiên

Trong một số trường hợp, chân nổi nhiều gân xanh không phải là biểu hiện của bệnh gây nguy hiểm đến sức khỏe mà nói chỉ là một hiện tượng tự nhiên. Những nguyên nhân gây ra hiện tượng có thể là:

  • Do tính chất của da: Xét về màu da, những người có làn da trắng, nhạt màu thì sẽ dễ nhìn thấy gân xanh hơn so với những ai có làn da sẫm màu hơn. Hay khi so sánh về độ dày hay mỏng của làn da thì tình trạng gân xanh nổi nhiều trên da sẽ thường gặp ở những người có lớp da mỏng. Ngoài ra, khi về già, các lớp mỡ dưới da của chúng ta cũng trở nên mỏng hơn không thể che phủ được khiến cho gân xanh có cơ hội hiện lên rõ hơn.

  • Do bạn quá gầy : Đối với những người gầy, lớp mỡ dưới da sẽ mỏng hơn người bình thường bởi lượng chất béo trong cơ thể thấp, chúng không đủ để che phủ hoàn toàn đường gân xanh. Vì lý do đó mà các đường gân xanh ở chân, bàn chân của những người gầy dễ nhìn thấy và nổi bật hơn.

  • Gân xanh nổi lên sau khi vận động mạnh: Khi bạn vận động hay tập luyện các bài tập liên quan đến chân, bắp chân của bạn cũng hoạt động căng lên và đẩy các tĩnh mạch dưới da nổi lên bề mặt gây nên hiện tượng nổi gân xanh ở bàn chân và chân. 

  • Chân nổi nhiều gân xanh xuất hiện ở các phụ nữ mang thai: Trong quá trình mang thai, thể tích máu của thai phụ sẽ tăng cao để nuôi dưỡng thai nhi, điều đó có nghĩa rằng hệ thống tĩnh mạch phải làm việc nhiều hơn bình thường để đáp ứng được nhu cầu lưu thông máu. Vì vậy, trong quá trình mang thai, thai phụ thường xuất hiện những đường gân xanh nổi lên ở chân. Nếu cơ thể sản phụ vẫn khỏe mạnh thì bạn không cần phải lo lắng về nó, những đường gân sẽ tự biến mất sau sinh.

Hiện tượng chân nổi gân xanh ở sản phụ

Hiện tượng chân nổi gân xanh ở sản phụ

3. Nổi gân xanh ở chân là biểu hiện của bệnh

Ở một số đối tượng mắc chứng nổi gân xanh ở chân nhưng cơ thể vẫn khỏe mạnh và không có dấu hiệu gì bất thường thì bạn không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu hiện tượng đó đi kèm với một số dấu hiệu khác như cảm giác đau nhức, chuột rút và nóng ấm ở chân, vùng chân sưng vù, các tĩnh mạch nổi lên có dạng xoắn ngoằn ngoèo thì bạn nên đi khám để nhận được sự chẩn đoán của bác sĩ. 

Bệnh giãn tĩnh mạch ở chân

Bệnh giãn tĩnh mạch ở chân

Bởi những hiện tượng đó có thể là do một số chứng bệnh nghiệm trọng như giãn tĩnh mạch gây nên. Bệnh giãn tĩnh mạch ở chân thực chất là sự suy giảm chức năng vận chuyển máu về tim của tĩnh mạch chân. Nó được hình thành do các van trong lòng tĩnh mạch phải chịu tổn thương do lượng áp lực lớn, khiến cho dòng máu lưu chuyển bị đảo ngược chiều tuần hoàn của nó.

  • Đối với những trường hợp có thể phát hiện sớm và kịp thời chữa trị thì giãn tĩnh mạch sẽ không gây nguy hiểm cho bệnh nhân. 

  • Nhưng với những trường hợp không được điều trị đúng cách và kịp thời thì chân sẽ bị viêm loét, đặc biệt là dễ xảy hiện tượng biến chứng ở vùng cổ chân. Một trong những loại biến chứng có thể kể đến là cục máu đông được hình thành trong lòng đoạn tĩnh mạch giãn lan dần lên phổi và gây tắc nghẽn động mạch phổi dẫn đến tử vong.

4. Cách điều trị bệnh chân nổi gân xanh

Khi xuất hiện tình trạng chân nổi gân xanh, ngoài việc đến thăm khám và nhận phác đồ điều trị của các cơ sở y tế chuyên khoa, các bạn có thể thực hiện song song với các biện pháp sau để có thể thoát khỏi tình trạng bệnh:

  • Bạn cần có chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo có một cơ thể khỏe mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ và vitamin.

  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể.

  • Nên chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao với những bộ môn tạo sự mềm dẻo cho cơ thể như yoga, bơi,...

  • Hạn chế đứng một chỗ quá nhiều: Bạn nên đi bước nhỏ tại chỗ hoặc hoạt động vùng chân để giảm áp lực xuống hệ thống tĩnh mạch chân khi phải đứng quá lâu.

  • Nếu có thể bạn nên thay thế việc đi thang máy bằng việc đi bộ để luyện tập cho hệ thống tĩnh mạch.

  • Không nên thường xuyên mặc những loại quần áo bó sát vùng chi dưới, gây tác động đến những đường tĩnh mạch dưới da.

  • Không nên kê gối quá cao khi ngủ, bạn nên kê thêm gối ở chân để chân cao hơn đầu tạo điều kiện cho dòng tĩnh mạch hoạt động thuận lợi hơn.

  • Không nên tắm nước quá nóng và nên xối lại chân bằng nước lạnh sau khi tắm để giúp cho tĩnh mạch co lại, phục vụ cho quá trình vận chuyển máu trở về tim dễ dàng hơn.

  • Nên thực hiện massage vùng bắp chân và bàn chân mỗi ngày, đặc biệt là trước khi đi ngủ để đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu, tránh sự tắc nghẽn tĩnh mạch chi dưới.

  • Thường xuyên sử dụng tất (vớ) y tế.

Sử dụng tất (vớ) y tế thường xuyên

Sử dụng tất (vớ) y tế thường xuyên

Bệnh nổi gân xanh ở chân không phải là một hiện tượng quá nguy hiểm đối với nhiều người. Nhưng nếu nó đi kèm với một số biểu hiện bất thường khác thì bạn nên tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị sớm.

Từ khoá: Chân nổi gân xanh

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.