Tin tức
Hướng dẫn một số kỹ năng thoát hiểm cho bé khi gặp hỏa hoạn
1. Một số kỹ năng thoát hiểm cơ bản
- Tâm lý của nạn nhân khi phải đối mặt với đám cháy là sự hoảng loạn, thậm chí họ không đủ tỉnh táo để có thể quan sát và tìm ra lối thoát hiểm. Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất khi gặp hỏa hoạn là cần phải bình tĩnh và thực hiện các kỹ năng thoát hiểm một cách nhanh nhẹn.
Nhiều vụ cháy nổ xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây
- Khi đám cháy xảy ra, tầng khói trên cao thường chứa nhiều khí độc và nạn nhân sẽ có nguy cơ tử vong nhanh chóng nếu như hít phải luồng khí độc hại này. Trong khi đó, không khí tầng dưới, sát với mặt sàn sẽ ít độc hại hơn. Vì thế, thay vì đứng hay cúi thấp người khi di chuyển, thậm chí có thể bò sát dưới sàn nhà.
- Đồng thời, bạn có thể lấy những đồ vật bằng vải như quần áo, khăn,… nhúng nước để che kín mũi và miệng. Cách làm này có tác dụng lọc không khí khi hít thở. Kéo dài thời gian an toàn cho bạn. Trong trường hợp có mặt nạ chống khói, chống độc thì bạn cũng cần sử dụng ngay lập tức.
- Để thoát ra khỏi đám cháy và tránh trường hợp lửa bén vào trang phục, bạn hãy nhúng chăn vào nước. Sau đó, trùm chăn lên người và nhanh chóng chạy ra ngoài.
- Trong trường hợp không may bị lửa bén vào quần áo, bạn không nên chạy để tránh trường hợp lửa bùng lên mạnh hơn. Bên cạnh đó, cũng không nên nhảy vào thùng nước. Việc nạn nhân nên làm lúc này là đứng im và che mặt lại, sau đó nằm xuống, lăn người qua lại cho đến khi dập tắt được lửa.
Dùng mặt nạ phòng khí độc khi xảy ra cháy nổ
- Hãy di chuyển sang những khu vực an toàn hơn. Đó là những lối đi không có khói, hành lang, lối dẫn đến cầu thang bộ hoặc lối đi dẫn sang các công trình liền kề,… Tuyệt đối không tránh đám cháy bằng cách vào nhà vệ sinh vì đây là không gian hẹp, kín dễ dẫn đến ngạt khói và gây khó khăn cho công tác cứu hộ.
- Nếu đã may mắn tìm ra đến cửa sổ hoặc khu vực hành lang, nạn nhân hãy tìm mọi cách để gây sự chú ý với mọi người xung quanh và nhân viên cứu hỏa, chẳng hạn như la hét, vẫy tay.
2. Một số kỹ năng thoát hiểm cho bé khi gặp hỏa hoạn
Trong thời gian gần đây, những vụ cháy nổ ngày càng nhiều với diễn biến rất phức tạp. Cháy nổ có thể xảy ra bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu và gây ảnh hưởng đến mọi đối tượng, trong đó bao gồm cả trẻ nhỏ. Theo các chuyên gia, các bậc phụ huynh và nhà trường nên hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng thoát hiểm để phòng tránh những nguy cơ đáng tiếc xảy ra. Cụ thể, mẹ nên hướng dẫn trẻ những kỹ năng như sau:
Phụ huynh cần hướng dẫn con những kiến thức xử trí cần thiết nếu gặp hỏa hoạn
- Kỹ năng số 1: Trong trường hợp gặp phải hỏa hoạn nhưng có người lớn ở bên cạnh, các con cần ngoan ngoãn và bình tĩnh thực hiện theo những hướng dẫn của người lớn.
- Kỹ năng số 2: Nếu để trẻ ở một mình, cha mẹ cần chỉ cho con những lối thoát hiểm. Nếu nhà chỉ có một cửa thì đó chính là lối thoát hiểm duy nhất. Nếu nhà có cả cửa trước và cửa sau thì đây chính là 2 lối có thể thoát ra ngoài được. Với những căn hộ cao tầng, mẹ có thể hướng dẫn bé thoát hiểm bằng lối cầu thang bộ. Bên cạnh đó, hãy dặn trẻ nhanh chóng thoát ra ngoài, không nên chậm trễ vì cố gắng mang theo những đồ đạc không cần thiết, dù đó là những đồ vật có giá trị.
- Kỹ năng số 3: Nếu ngửi thấy mùi khét hoặc nhìn thấy có lửa cháy, các con cần hô lớn “cháy” để kêu gọi sự giúp đỡ của người lớn hoặc hàng xóm. Bên cạnh đó, có thể gọi điện thoại đến số 114 để được lực lượng cứu hỏa hỗ trợ. Đồng thời, di chuyển ra ban công hoặc lên sân thượng để kêu cứu.
Hướng dẫn trẻ đi khom người, bịt khăn nhúng nước lên mũi để thoát hiểm
- Kỹ năng số 4: Nếu nghe thấy chuông báo cháy nghĩa là đã xảy ra cháy ở nơi khác, thì bé cũng cần phải nhanh chóng di chuyển để thoát hiểm. Mẹ cũng cần hướng dẫn các con mang theo khăn nhúng nước để che đường hô hấp. Khi thấy có người lớn, hãy nhờ trợ giúp, nếu chỉ có một mình hãy chủ động di chuyển.
- Kỹ năng số 5: Trong trường hợp ở các khu chung cư, mẹ cần hướng dẫn con cách di chuyển từ cửa căn hộ đến cầu thang bộ gần nhất có chữ “EXIT” màu xanh.
- Kỹ năng số 6: Nếu tất cả lối đi đều có khói, cần gọi đến số 114 để báo cho lực lượng cứu hộ về vị trí của mình(tầng số mấy, phòng số mấy của tòa nhà đang cháy). Đồng thời, cần nhúng khăn ướt để che đường hô hấp và ra cửa sổ ban công vẫy tay, kêu cứu.
Cần lưu ý rằng, một số tòa nhà thường xuyên khóa tầng thượng thì việc di chuyển lên tầng thượng là không nên vì đây là vùng sẽ tập trung nhiều khói, khí độc. Vì thế, trước khi hướng dẫn cho con, phụ huynh cần kiểm tra kỹ càng.
Hướng dẫn trẻ gọi đến đường dây cứu trợ 114
- Kỹ năng số 7: Hướng dẫn trẻ tư thế cúi người hoặc bò sát dưới sàn nhà khi di chuyển tìm lối thoát hiểm. Đồng thời dùng khăn vải thấm nước và che mũi, miệng. Bên cạnh đó, nếu trẻ đã đủ tuổi để nhận thức, cần hướng dẫn trẻ cách sử dụng bình chữa cháy mini và lưu ý trẻ không được hắt nước nếu cháy nổ do chập điện để tránh được những hậu quả nghiêm trọng.
Hi vọng hướng dẫn về một số kỹ năng thoát hiểm trên đây sẽ giúp chung ra và các em nhỏ trang bị những kiến thức cần thiết để biết cách xử trí khi không may phải đối mặt với hỏa hoạn.
Theo các chuyên gia, mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp đều cần trang bị các sản phẩm phòng cháy chữa cháy để sử dụng trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, cần kiểm tra những thiết bị trong nhà thường xuyên, ngắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà,… để phòng chống cháy nổ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!