Tin tức
Khám phá bí mật về các loại hormon trong cơ thể
Vai trò của các loại hormon
Hệ nội tiết trong cơ thể con người có chức năng cũng giống như chức năng của hệ thần kinh đó là chức năng giao tiếp. Trong khi hệ thần kinh thực hiện quá trình giao tiếp thông qua các nơron thần kinh và tín hiệu điện não, hệ nội tiết thực hiện quá trình này thông qua nồng độ các hóa chất hay còn gọi là hormon. Các loại hormon do hệ nội tiết sản sinh ra kiểm soát phần lớn các chức năng quan trọng trong khắp cơ thể chúng ta, bao gồm: quá trình lớn lên, phát triển, quá trình chuyển hoá và chức năng của các mô tế bào... sự cân bằng của các hormon này giúp cơ thể duy trì hoạt động bình thường. Các vùng sản sinh ra hormon bao gồm các vùng não hypothalamus, tuyến yên, tuyến giáp và các cơ quan nội tạng khác như gan, tuỵ, thận... mỗi cơ quan sản sinh ra một loại hormon khác nhau và không thể làm thay chức năng của nhau. Đó là lý do vì sao sự mất cân bằng trong quá trình sản sinh hormon có thể gây ra bệnh tật hoặc những nguy hại cho sức khoẻ con người.
Chức năng quan trọng của loại hormon
Hormon Vasopressin: Là loại hormon được sản sinh bởi vùng não hypothalamus (vùng não kiểm soát thân nhiệt, đói, khát…) ở con người. Đến lượt mình, hormon Vasopressin thúc đẩy tuyến yên giải phóng ra các loại hormon khác giúp duy trì huyết áp và cân bằng lượng nước cũng như chất điện giải trong máu.
Hormon tăng trưởng GH: (growth hormone) được sản sinh bởi tuyến yên (một trong những khu vực quan trọng trong hệ nội tiết của con người). Hormon GH được sản sinh mạnh trong suốt thời kỳ ấu thơ của đứa trẻ và kích thích quá trình tái sản sinh của các tế bào, giúp thúc đẩy sự phát triển của các cơ và hệ xương ở người trưởng thành. Tình trạng mất cân bằng hormon tăng trưởng GH có thể gây ra nhiều dị tật lạ. Thiếu GH có thể dẫn tới cơ thể phát triển còi cọc, suy dinh dưỡng, trong khi đó thừa hormon tăng trưởng GH lại có thể khiến cơ thể phát triển quá mức, gây hiện tượng người khổng lồ.
Calcitonin: Là hormon được sản sinh bởi tuyến giáp trong cơ thể. Tác dụng của calcitonin là hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển của cấu trúc xương trong cơ thể.
Insulin: Là hormon được sản sinh bởi tuyến tuỵ có nhiệm vụ điều chỉnh lượng đường - glucose trong máu. Khi một lượng đường lớn được hấp thụ vào cơ thể, insulin sẽ giúp loại bỏ bớt đường trong máu đi vào các tế bào. Khi quá trình sản sinh insulin gặp phải vấn đề bất thường, chẳng hạn như tuyến tuỵ không thể sản sinh lượng insulin cần thiết, người bệnh có thể bị mắc bệnh tiểu đường.
Adrenaline: Được sản sinh bởi tuyến thượng thận, hormon Adrenaline cùng với hormon có tên gọi noradrenaline có tác dụng kích thích điều chỉnh làm tăng lượng ôxy cung cấp cho não và các cơ, làm giãn nở đồng tử và ức chế các chức năng không cần thiết của cơ thể trong các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như trong cấp cứu sốc phản vệ.
Noradrenaline: Là hormon được sản sinh bởi tuyến thượng thận có chức năng hỗ trợ hệ nội tiết trong các tình huống khẩn cấp. Chẳng hạn như kích thích quá trình cung cấp ôxy lên não và cung cấp đường glucose cho các cơ.
Estrogen: Là hormon giới tính nữ được sản sinh bởi buồng trứng ở người phụ nữ. Đây là hormon kích thích sự dậy thì ở phụ nữ, gây xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt và thúc đẩy quá trình rụng trứng phục vụ việc sinh sản ở nữ giới.
Progesterone: Cũng như estrogen, progesterone cũng là loại hormon được sản sinh bởi buồng trứng ở người phụ nữ. Hormon progesterone có nhiệm vụ thúc đẩy quá trình dậy thì của cơ thể.
FSH: Là hormon thúc đẩy sự bắt đầu của chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên ở người phụ nữ.
LH (Lutein): Là hormon có nhiệm vụ thúc đẩy sự rụng trứng và tạo thành thể vàng. Ở nam giới, LH là hormon có nhiệm vụ kích thích sự sản sinh hormon nam tính testosteron.
Glycagon: Là hormon có tác dụng làm tăng lượng đường trong máu.
Testosteron: Là loại hormon chính, hay còn gọi là nam tính đặc trưng ở nam giới. Testosteron có nhiệm vụ kích thích sự phát triển cơ và các bộ phận trên cơ thể nam giới.
Thyroxin: Là hormon kiểm soát tốc độ phản ứng của tế bào và thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Thiếu thyroxin có thể dẫn tới viêm não và thể chất kém phát triển, gây ra chứng đần độn ở người bệnh.
Aldesterone: Là hormon điều hoà chức năng thận.
Anti - diuretic: Là hormon có tác động đến sự điều hoà quá trình ngăn thoát nước tiểu.
TSH: Là hormon được sản sinh bởi sự kết hợp hoạt động của 3 khu vực: vùng não hypothalamus (vùng não kiểm soát thân nhiệt, đói khát…), tuyến yên và tuyến giáp. Vùng não hypothalamus gửi thông tin đến tuyến yên, kích thích tuyến yên sản sinh ra hormon kích thích tuyến giáp - TSH. Đến lượt mình, hormon TSH có nhiệm vụ tác động tuyến giáp sản sinh ra hormon thyroxin.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!