Tin tức
Kiến thức nằm lòng về bệnh viêm âm đạo chị em phụ nữ nào cùng cần
- 17/06/2020 | Viêm âm đạo - Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh
- 04/04/2020 | Nếu bị viêm âm đạo do nấm Candida, chị em phụ nữ cần phải làm gì?
- 04/06/2020 | Viêm âm đạo do Gardnerella vaginalis
1. Nguyên nhân khiến phụ nữ bị viêm âm đạo là gì?
viêm âm đạo là tình trạng viêm nhiễm tại âm đạo của phụ nữ gây ra các hiện tượng ngứa rát, ra dịch bất thường ở vùng kín,... Một số nguyên nhân gây viêm âm đạo thường gặp gồm:
Các tác nhân gây viêm âm đạo
- Vi khuẩn
Đây là tác nhân gây bệnh viêm âm đạo phổ biến nhất. Sự thay đổi của vi khuẩn thường trú trong âm đạo gây nên sự phát triển quá mức của một vài vi khuẩn khác chính là lý do khiến nhiều nữ giới mắc phải bệnh lý này.
Nói một cách dễ hiểu hơn thì trong âm đạo vốn tồn tại số lượng lớn vi khuẩn có lợi để bảo vệ cho môi trường nơi đây và một số lượng ít vi khuẩn kỵ khí. Vì một lý do nào đó mà vi khuẩn kỵ khí phát triển quá mức sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng hệ vi khuẩn âm đạo và hệ lụy của nó chính là bệnh viêm âm đạo.
- Nấm
Nếu có sự tăng sinh nấm quá mức trong âm đạo cũng sẽ gây viêm nhiễm tại đây.
- Các vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục
Trùng roi, lậu, chlamydia là các loại ký sinh trùng thường lây truyền qua đường tình dục. Phụ nữ bị viêm âm đạo khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm các loại ký sinh trùng này.
- Người già mắc hội chứng viêm teo đường niệu dục
Đối với người già hoặc phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh, sự suy giảm lượng estrogen trong cơ thể hoặc sau phẫu thuật cắt bỏ 2 buồng trứng có thể bị viêm âm đạo vì lớp lót niêm mạc âm đạo bị mỏng hơn nên dễ bị kích ứng, dễ xảy ra tình trạng bỏng rát và khô âm đạo.
Ngoài một số nguyên nhân chính trên đây thì viêm âm đạo còn có thể xảy ra do việc sử dụng các loại thuốc hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ gây ra phản ứng dị ứng; vật lạ như tampon vệ sinh, giấy lụa bị bỏ quên trong âm đạo làm kích thích niêm mạc âm đạo; lây lan vi khuẩn từ đường hậu môn; chlamydia; herpes;...
2. Những dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh viêm âm đạo
Viêm âm đạo có khá nhiều dấu hiệu để nhận biết nhưng điều đáng nói là có không ít tác nhân gây ra bệnh lý này nên điều quan trọng hơn cả là phải tìm đúng tác nhân ấy thì mới điều trị hiệu quả được.
Dưới đây chúng tôi xin đưa ra một số triệu chứng điển hình của các loại viêm âm đạo thường gặp:
- Viêm âm đạo do vi khuẩn
Chị em phụ nữ có thể nhận biết bệnh lý này thông qua những thay đổi bất thường của khí hư. Thường thì người bệnh sẽ xuất hiện khí hư có mùi hôi tanh, màu xám hoặc trắng. Những dấu hiệu này đặc biệt trở nên rõ ràng vào ngày hành kinh, sau quan hệ tình dục hoặc ngày rụng trứng.
Khí hư dạng bột là một trong những dấu hiệu của bệnh viêm âm đạo
- Viêm âm đạo do nấm
Nấm gây viêm âm đạo chủ yếu thuộc họ Candida. Nó khiến cho vùng kín phụ nữ ngứa ngáy, âm đạo tiết dịch đặc nhưng có thể có mùi hoặc không có. Một số trường hợp nhiễm nấm sẽ thấy đau sau khi đi tiểu hoặc sau quan hệ tình dục.
- Viêm âm đạo do Trichomonas
Người bị nhiễm trùng roi Trichomonas ở âm đạo sẽ thấy đau bụng dưới, đặc biệt là khi quan hệ tình dục; ra khí hư có mùi hôi kèm theo màu vàng; vùng kín ngứa ngáy. Một số ít trường hợp không xuất hiện những triệu chứng này. Trường hợp viêm âm đạo do Chlamydia hay lậu cầu thường có yếu tố nguy cơ như: ra dịch âm đạo nhiều và có màu bất thường kèm theo hiện tượng tiểu buốt, tiểu rắt, đôi khi đau hố chậu 2 bên, sốt,...
3. Tác động xấu mà viêm âm đạo gây ra và hướng xử trí
3.1. Những tác động xấu do viêm âm đạo gây ra
Mặc dù không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng ở những khía cạnh nhất định, đặc biệt là khi không được điều trị, viêm âm đạo có thể gây ra những tác động xấu đến cuộc sống và sức khỏe của nữ giới:
- Khó mang thai
Viêm âm đạo kéo dài, mức độ nặng khiến cho pH ở âm đạo mất cân bằng, tinh trùng khi đi qua âm đạo giảm khả năng sống sót, khó gặp trứng để thụ tinh. Hệ lụy của điều ấy chính là khả năng thụ thai giảm, nguy cơ vô sinh hiếm muộn nữ tăng.
- Ảnh hưởng tới thai nhi
Phụ nữ mang thai rất dễ bị viêm âm đạo do nhiều lý do. Nếu không được điều trị bệnh có thể lây truyền sang thai nhi khi sinh thường khiến trẻ dễ bị viêm phổi, viêm da, viêm kết mạc,... tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.
- Lây lan, gây ra nhiều viêm nhiễm ở bộ phận khác
Khi không được điều trị kịp thời và hiệu quả, viêm nhiễm ở âm đạo rất dễ lây lan sang các bộ phận lân cận gây viêm vùng chậu, viêm đường tiết niệu, viêm nội mạc tử cung, viêm buồng trứng,...
- Bất tiện trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến hạnh phúc
Những triệu chứng do viêm âm đạo gây ra dễ khiến cho chị em cảm thấy bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, tự ti và giảm ham muốn tình dục. Tình trạng này kéo dài sẽ đe dọa đến hạnh phúc gia đình.
- Ung thư cổ tử cung
Những tổn thương mạn tính kéo dài do viêm âm đạo không được điều trị dứt điểm sẽ tạo điều kiện thuận lợi dẫn tới ung thư cổ tử cung.
3.2. Phương hướng xử trí
Để ngăn chặn những tác động xấu trên đây, ngay khi nghi ngờ các triệu chứng của bệnh viêm âm đạo, tốt nhất chị em phụ nữ nên đến gặp bác sĩ phụ khoa để thăm khám, làm những kiểm tra cần thiết để xác định đúng bệnh và điều trị đúng hướng.
Xét nghiệm dịch tiết âm đạo để tìm tác nhân gây viêm nhiễm
Thường thì bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm âm đạo bằng cách:
- Hỏi tiền sử bệnh
Người bệnh sẽ được bác sĩ hỏi tiền sử các bệnh lý phụ khoa, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục cũng như thói quen vệ sinh âm đạo và sinh hoạt tình dục.
- Hỏi triệu chứng
Bác sĩ cũng sẽ trao đổi về những triệu chứng mà chị em gặp phải để có thêm cơ sở chẩn đoán bệnh.
- Thăm khám vùng chậu
Một dụng cụ gọi là mỏ vịt sẽ được bác sĩ sử dụng để đưa qua âm hộ, quan sát âm đạo. Nhờ đó mà bác sĩ biết được tình trạng hiện tại của âm đạo: sưng đỏ, có dịch hay không,...
- Lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm
Dịch tiết âm đạo của người bệnh sẽ được lấy đưa đến phòng xét nghiệm nhằm tìm ra nguyên nhân gây viêm nhiễm. Kết quả xét nghiệm chính là căn cứ để chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh đúng hướng.
Sau khi đã có kết luận chính xác về tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ định hướng điều trị cụ thể. Hiện nay việc trị liệu viêm âm đạo chủ yếu là dùng thuốc đặc trị do bác sĩ chỉ định, thường là kháng sinh đường uống và viên đặt âm đạo.
3.3. Người bệnh cần lưu ý
Trong quá trình điều trị bệnh viêm âm đạo, người bệnh cần:
- Thường xuyên đảm bảo sự sạch sẽ và khô thoáng ở vùng kín; mặc quần lót thoáng khí, hút ẩm tốt, không có chất liệu gây kích ứng da.
- Không thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo vì hành động này dễ tạo cơ hội cho các tác nhân gây bệnh có điều kiện phát triển, lây lan.
- Quan hệ tình dục bằng biện pháp an toàn và chung thủy.
- Không tự ý dừng, giảm liều lượng hoặc đổi thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
- Tái khám đúng lịch hẹn để kiểm tra diễn tiến, hiệu quả điều trị bệnh, có hướng thay đổi phác đồ điều trị (nếu cần).
Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp chị em hiểu hơn về bệnh viêm âm đạo để chủ động phát hiện và điều trị hiệu quả bệnh lý này. Nếu có thắc mắc nào khác xung quanh vấn đề xét nghiệm, điều trị bệnh, các bạn có thể liên hệ tổng đài 1900565656 để nhận được sự tư vấn chính xác, hữu ích từ chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!