Tin tức
Lác mắt từ nhỏ có phẫu thuật được không - bác sĩ giải đáp cực chi tiết
- 27/07/2021 | Nên biết: cận thị khi nào cần mổ để tốt cho mắt
- 27/07/2021 | Bỗng nhiên mắt mờ đột ngột, hãy cảnh giác vì các lý do sau
- 03/07/2021 | Lên chắp mắt tái đi tái lại nhiều lần do thói quen xấu
1. Góc tư vấn: Lác mắt từ nhỏ có phẫu thuật được không?
Hiểu đơn giản, lác mắt là tình trạng hai đồng tử mắt không cân đối khi nhìn về cùng một hướng. Có nhiều dạng lác mắt khác nhau, phổ biến nhất vẫn là khi một mắt nhìn thẳng, mắt còn lại hướng ra ngoài hoặc vào trong. Ngoài ra, lác mắt cũng có thể là tình trạng đồng tử mắt lệch lên trên hoặc xuống dưới song hiếm gặp hơn.
Lác mắt có thể là tình trạng bẩm sinh hoặc thứ phát
Lác mắt chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ do cơ mắt còn yếu và khả năng kiểm soát cơ mắt còn hạn chế. Nhiều trẻ bị lác mắt nhưng khi lớn hơn tình trạng này sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, lác mắt nếu kéo dài trên 4 tháng và không có dấu hiệu cải thiện thì cần điều trị để tránh bệnh ảnh hưởng đến thị lực và thẩm mỹ của trẻ.
Điều trị lác mắt hiện nay có rất nhiều phương pháp, áp dụng cho cả trẻ nhỏ và người lớn như: chỉnh kính phù hợp, điều trị nhược thị, điều trị bằng thuốc, phẫu thuật điều chỉnh,… Đa phần trẻ bị lác mắt sẽ được thử điều trị bằng các phương pháp khác, khi không đạt hiệu quả mới tìm đến phương pháp phẫu thuật. Ngoài ra, nếu nguyên nhân gây bệnh là do bất thường thần kinh hoặc cơ mắt thì chỉ có phẫu thuật mới khắc phục được bệnh.
Lác mắt ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và thị lực
Như vậy với thắc mắc, lác mắt từ nhỏ có phẫu thuật được không? Trẻ hoàn toàn có thể phẫu thuật và đạt được hiệu quả điều trị bệnh tốt, tuy nhiên cần cân nhắc trước khi quyết định. Đầu tiên, phẫu thuật điều trị lác mắt chỉ có thể tiến hành khi trẻ từ 2 tuổi trở lên, lúc này cơ mắt đã ổn định. Trường hợp lác mắt mà con người hướng ra ngoài thì thời gian phẫu thuật chậm hơn, cần thử các phương pháp điều trị khác nếu không hiệu quả mới phẫu thuật khi trẻ 4 - 5 tuổi.
Phẫu thuật có thể điều trị lác mắt hoàn toàn, tuy nhiên trẻ cần được điều trị vào thời điểm thích hợp. Nếu lác mắt bẩm sinh kéo dài đến khi trưởng thành, phẫu thuật điều trị có thể không đạt hiệu quả tốt nữa do điều chỉnh dây thần kinh thị lực khó khăn cũng như các tật xấu khác của mắt cũng khó điều trị.
2. Tìm hiểu về cách tiến hành phẫu thuật lác mắt
Trước khi mổ điều trị lác mắt, bệnh nhân cần được thăm khám để xác định tình trạng bệnh, bao gồm các thông tin như: chức năng cơ mắt, hình thái lác, độ lác, khả năng quy tụ, độ rộng hep của khe mi,… Việc thăm khám chủ yếu dựa trên khám giác quan - vận động, một số trường hợp phải can thiệp chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ.
Trẻ đủ tuổi mới có thể phẫu thuật điều chỉnh lác mắt
Từ kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ quyết định phẫu thuật khắc phục lác mắt như thế nào, thực hiện một hay cả hai bên mắt,… Người bệnh đủ điều kiện sức khỏe, độ tuổi sẽ được chỉ định phẫu thuật điều trị. Các bước tiến hành như sau:
2.1. Gây mê và gây tê
Trẻ em trước phẫu thuật lác mắt cần được gây mê toàn thân, còn người lớn có thể gây tê tại chỗ hoặc toàn thân tùy vào mức độ can thiệp.
2.2. Thực hiện can thiệp tiếp cận
Ở bên mắt thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ mở mi mắt và giữ bằng vành mi. Sau đó, một đường mổ nhỏ sẽ được tạo ra trên kết mạc, từ đây có thể tiếp cận can thiệp đến cơ mắt.
2.3. Điều chỉnh cơ mắt
Có nhiều kỹ thuật can thiệp có thể điều chỉnh cơ mắt để khắc phục tình trạng lác mắt như:
- Kỹ thuật làm yếu cơ mắt: Có thể lùi cơ bằng việc đưa chỗ bám cơ lùi về sau, cố định cơ sau xích đạo bằng cách khâu cố định thân cơ vào củng mạc, cắt buồng cơ sẽ cắt đứt cơ không khâu nối.
- Kỹ thuật kéo căng cơ mắt: Rút ngắn cơ bằng cách cắt một đoạn đầu cơ và khâu lại, gấp cơ thường áp dụng cho cơ chéo lớn để tăng tác dụng kéo của cơ hoặc khâu cơ ra phía trước để tăng cường tác dụng cho cơ đã lùi trước đó.
- Phẫu thuật sợi chỉ điều chỉnh: Kỹ thuật này sẽ dùng một sợi chỉ dài qua đầu cơ, thắt nút cố định và sử dụng kéo nút thắt để điều chỉnh mức độ lùi cơ. Phẫu thuật sợi chỉ điều chỉnh trong điều trị lác mắt là một kỹ thuật khó, thường thực hiện trong trường hợp bệnh khó tiên đoán hoặc có tổn thương liên quan.
Phẫu thuật điều chỉnh lác mắt có tỉ lệ thành công cao
2.4. Chăm sóc sau điều trị
Sau phẫu thuật điều trị lác mắt, cần chăm sóc để phục hồi tổn thương bằng cách vệ sinh, thay băng hàng ngày, sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh và kháng viêm. Sau phẫu thuật, nếu tình trạng lác mắt không được khắc phục hoàn toàn, thủ thuật có thể thực hiện lại để điều chỉnh lại cơ mắt.
Một số biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật lác mắt như: tuột cơ, viêm chân chỉ, xuất huyết kết mạc,… cũng cần được phát hiện khắc phục sớm. Phẫu thuật lác mắt có thể cân bằng cơ cho hai bên mắt, song bệnh nhân cần luyện tập điều khiển cơ để hoạt động của cả hai mắt cân bằng.
3. Phẫu thuật lác mắt có nguy hiểm không?
Đây là lo lắng của rất nhiều người bởi mắt là khu vực gần đầu não, nơi tập trung nhiều dây thần kinh và dây cơ nhỏ, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của mắt cũng như các cơ quan. Phẫu thuật điều trị lác mắt đã được nghiên cứu và thực hiện từ lâu, chỉ tác động lên cơ bám trên mắt để giúp hai mắt thăng bằng, không can thiệp dây thần kinh sâu nên không nguy hiểm.
Thị lực của hai mắt sau phẫu thuật sẽ vẫn giữ nguyên. Tỉ lệ thành công sau phẫu thuật khá cao, tuy nhiên vẫn số ít trường hợp lác mắt không khắc phục hoàn toàn hoặc tái phát, lúc này cần thực hiện phẫu thuật lần 2. Tỷ lệ phải phẫu thuật chỉnh lác mắt lần 2 rơi vào khoảng 5 - 10% tổng các trường hợp.
Cần kiểm tra thường xuyên sau phẫu thuật điều trị lác mắt
Sau phẫu thuật, trẻ cần được tiếp tục theo dõi, tái khám và kiểm tra vị trí mắt cũng như thị lực thường xuyên. Một số biến chứng phẫu thuật như tuột cơ, viêm chỉ, xuất huyết kết mạc nếu phát hiện sớm đều có thể khắc phục được.
Hy vọng những thông tin bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu về phẫu thuật điều trị này cũng như thắc mắc lác mắt từ nhỏ có phẫu thuật được không. Nếu cần tư vấn thêm, số hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!