Tin tức

Làm chuyện ấy nhiều lần nhưng bị đau nhiều, nguyên nhân do đâu?

Ngày 11/06/2019
Ban biên tập
Vì đau khi giao hợp, sau 9 tháng kết hôn, chị D.T.T 20 tuổi (Sóc Sơn, Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khám thì giật mình biết được nguyên nhân. Theo bác sĩ chuyên khoa, phụ nữ bị bất thường này ảnh hưởng đến chất lượng sinh dục, cũng như khả năng có con.

Tại sao đau khi giao hợp?

Sau khi hỏi tiền sử bệnh và các thông tin liên quan, bệnh nhân D.T.T được khám và làm các cận lâm sàng cần thiết để trả lời cho câu hỏi “Tại sao đau khi giao hợp?”.

Trên hình ảnh siêu âm và khám lâm sàng cho thấy, bệnh nhân T. là trường hợp đặc biệt, có 2 tử cung , 2 buồng trứng, 2 cổ tử cung và vách ngăn âm đạo hoàn toàn.

BS Nguyễn Duy Phương - Chuyên Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chia sẻ: Nguyên nhân gây bất thường này là do trong quá trình biệt hóa từ phôi thai dẫn đến dị thường về sinh dục. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh dục và việc sinh đẻ của bệnh nhân.

Làm chuyện ấy nhiều lần nhưng bị đau nhiều, nguyên nhân do đâu?

BS Nguyễn Duy Phương - Chuyên Sản phụ khoa, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC Siêu âm phát hiện dị thường cổ tử cung, tử cung, vòi trứng ở bệnh nhân D.T.T.

Chia sẻ thêm về hiện tượng đau khi giao hợp của bệnh nhân T, BS Phương cho biết: “Vì bệnh nhân có vách ngăn âm đạo, ngăn đường ống âm đạo thành 2 phần, mỗi phần có một cổ tử cung và tử cung riêng, nên khi giao hợp, vách ngăn này đã gây cản trở làm bệnh nhân bị đau nhiều. Hơn nữa, mỗi lần xuất tinh có thể xuất vào bên này hoặc bên kia, nếu trong trường hợp xuất tinh vào phải mà trứng rụng ở bên trái thì bệnh nhân khó có con và ngược lại”.

Các dị dạng cơ quan sinh dục hay gặp ở nữ giới

Ngoài bất thường cơ quan sinh dục của bệnh nhân T, BS Phương cho biết: Dị dạng cơ quan sinh dục nữ có nhiều, điển hình những thể hay gặp như sau:

1. Màng trinh không thủng

Bình thường màng trinh của nữ giới không kín, thường có lỗ để kinh nguyệt hàng tháng thoát ra. Tuy nhiên, có không ít trường hợp, màng trinh không có lỗ. Đây chính là một trong các nguyên nhân khiến nữ giới không thấy có kinh hàng tháng, dù vẫn có một số dấu hiệu của có kinh nguyệt như đau tức bụng dưới, mỏi lưng, căng tức ngực.

2. Dính môi sinh dục

Cơ quan sinh dục của nữ giới có 2 môi, bất thường là khi hai môi bé bị dính nhau ở mép, toàn bộ hoặc bán phần. Trường hợp này có thể che khuất âm đạo, khiến nữ giới khó giao hợp hoặc không thể giao hợp và ảnh hưởng đến việc sinh con.

3. Dị dạng âm đạo

Không có âm đạo: Có những phụ nữ khi sinh ra đã không có âm đạo, tuy nhiên, vẫn có thể có tử cung và buồng trứng như bình thường. Trường hợp này, máu kinh cũng không thể thoát ra ngoài được nên bị đọng lại trong tử cung và tràn lên sừng tử cung. Những trường hợp này khó điều trị, phải phẫu thuật tạo hình âm đạo, không sinh con theo đường âm đạo mà cần được mổ đẻ.

Teo âm đạo bẩm sinh: Phụ nữ vẫn có đủ 2 buồng trứng, tử cung, vòi trứng hoàn chỉnh, nhưng chỉ có phần trên âm đạo, còn phần dưới bị teo lại và bít kín. Do vậy, khi đến tuổi dậy thì kinh nguyệt không thoát ra bên ngoài được, gây đau bụng, bụng dưới ngày càng to ra do bị ứ máu kinh lâu ngày.

Làm chuyện ấy nhiều lần nhưng bị đau nhiều, nguyên nhân do đâu?

Khám âm đạo, phát hiện dị thường âm đạo.

4. Âm đạo có vách ngăn: hay còn gọi là âm đạo kép

Vách ngăn ngang âm đạo: Trong âm đạo có vách ngăn ngang âm đạo, có thể nằm ở 1/3 trên hay 1/3 giữa. Nếu vách ngăn không thủng thì sẽ có biểu hiện giống như trường hợp màng trinh không thủng. Nếu vách ngăn có thủng thì chỉ phát hiện được khi quan hệ tình dục dương vật - âm đạo.

Vách ngăn dọc âm đạo: Thường trường hợp này đi kèm với dị dạng tử cung. Vách ngăn dọc âm đạo có thể hoàn toàn suốt dọc âm đạo hoặc chỉ một phần. Biểu hiện chủ yếu là đau khi giao hợp hoặc không giao hợp được.

5. Dị dạng tử cung

Không có tử cung: Trường hợp này phụ nữ sẽ không có kinh nguyệt và không thể mang thai được.

Tử cung đôi: Có thể có hai tử cung trong tiểu khung. Chúng có thể chung nhau một âm đạo hoặc mỗi tử cung có một âm đạo riêng biệt. Nếu chức năng của một trong hai tử cung hoàn toàn bình thường thì phụ nữ này vẫn có thể mang thai.

Tử cung có vách ngăn: Loại dị dạng tử cung thường gặp nhất (chiếm khoảng 40%). Những trường hợp này có thể phát hiện nhờ siêu âm, chụp X-quang, soi ổ bụng. Hai tử cung có thể dính với nhau bằng một vách ngăn không hoàn toàn hoặc vách ngăn hoàn toàn. Những trường hợp này có thể ảnh hưởng đến việc mang thai, dễ gây sảy thai hoặc thai kém phát triển.

Tử cung một sừng: Trường hợp này tử cung chỉ có một buồng trứng và một vòi trứng nên người này có thể gặp khó khăn hơn khi mang thai.

Làm chuyện ấy nhiều lần nhưng bị đau nhiều, nguyên nhân do đâu?

Hình ảnh minh họa tử cung đôi ở người dị thường tử cung.

6. Dị dạng buồng trứng

Hai buồng trứng có chức năng nuôi dưỡng các tế bào trứng (nang trứng), giúp các nang này phát triển và phóng noãn khi trưởng thành để sinh sản. Những bất thường ở buồng trứng có thể là:

- Không có buồng trứng hoàn toàn.

- Chỉ có một bên buồng trứng: Có thể có hoặc không có vòi trứng kèm theo.

- Thừa buồng trứng.

- Vị trí buồng trứng bất thường: Ở thắt lưng, bẹn.

7. Dị dạng vòi trứng

Vòi trứng là cơ quan nối giữa các buồng trứng với tử cung, là nơi noãn gặp và kết hợp với tinh trùng tạo thành hợp tử và phát triển những bước đầu tiên. Một số dị dạng thường gặp ở vòi trứng như:

- Vòi trứng bị chít hẹp.

- Thừa vòi trứng: bình thường mỗi buồng trứng chỉ có một vòi trứng, tuy nhiên có những trường hợp bất thường có thể có hai vòi trứng ở một bên buồng trứng.

- Thừa loa vòi trứng: mỗi vòi trứng chỉ có một loa vòi, song trong một số trường hợp có thể có hai loa vòi ở một vòi trứng.

8. Đa dị dạng

Nhiều phụ nữ gặp kết hợp cả 2, 3, 4 cơ quan sinh dục cùng bị dị dạng. Những trường hợp như vậy, cần được can thiệp ngoại khoa càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.

Bác sĩ Phương khuyến cáo: Gần đây Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tiếp nhận nhiều trường hợp phụ nữ đi khám phụ khoa phát hiện dị dạng cơ quan sinh sản, trong đó trường hợp của chị T. là một tiêu biểu. Dị dạng cơ quan sinh dục là vấn đề ít người nghĩ rằng mình có thể mắc phải. Vì vậy, để không ảnh hưởng đến đời sống tình dục và khả năng làm mẹ, chị em trước khi kết hôn nên đi khám tiền hôn nhân để phát hiện bất thường và có can thiệp ngoại khoa kịp thời.

Khám sản phụ khoa ở đâu tốt?

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đáp ứng đầy đủ các dịch vụ khám Sản phụ khoa phát hiện bất thường cho các khách hàng có nhu cầu. Với đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Sản như:

  • PGS.TS.BSCKII Cung Thị Thu Thủy - chuyên khoa Sản - Phụ khoa, nguyên Trưởng khoa Khám - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, giảng viên cao cấp có 35 năm kinh nghiệm;
  • Tiến sỹ Lê Minh Châu - nguyên Phó Trưởng khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương với 33 năm kinh nghiệm điều trị vô sinh trực tiếp đảm nhiệm các công tác như tiếp khám và điều trị vô sinh, thực hiện các dịch vụ hỗ trợ sinh sản, tổ chức bơm tinh trùng IUI,...
  • Cùng đội ngũ bác sĩ chuyên Khoa Sản: BSCKI Dương Ngọc Vân, BS Nguyễn Duy Phương; BS chuyên khoa Nam học Thân Ngọc Tuấn,…

Đồng thời, bệnh viện trang bị hệ thống máy móc và thiết bị hiện đại thực hiện các  kỹ thuật cận lâm sàng tại viện như:

  • Xét nghiệm như soi tươi dịch âm đạo, Chlamydia, sinh thiết cổ tử cung, nội tiết, AMH, Chlamydia- lậu PCR, HPV PCR,…
  • Chụp X quang như tử cung - vòi trứng;
  • Siêu âm 4D,…

Với trình độ chuyên môn cao cùng các kỹ tiên tiến hiện đại, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn đồng hành cùng sức người dân trên toàn quốc.

 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.