Tin tức

Lần đầu tiên H7N9 lây từ người sang người

Ngày 11/08/2013
TRÚC QUỲNH - Theo China Daily, South China Morning Post, BBC, AP
Các nhà khoa học Trung Quốc hôm qua thông báo, họ vừa phát hiện trường hợp đầu tiên rất có khả năng virus cúm gia cầm H7N9 lây trực tiếp từ người sang người kể từ tháng 3, Trung Quốc có 43 người chết vì chủng virus cúm này.

 

Xem xét vịt sống bày bán ở chợ gia cầm tại Trung Quốc ngày 26/4. Ảnh: Fox News
Xem xét vịt sống bày bán ở chợ gia cầm tại Trung Quốc ngày 26/4. Ảnh: Fox News.


Sự phát triển của virus H7N9 là “đáng lo ngại” và cần phải được giám sát chặt chẽ, nhóm nghiên cứu viết trong bài báo đăng trên Tạp chí Y học Anh (British Medical Journal) của Anh. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh virus này vẫn còn yếu khi lây giữa người với người.
 

“Mọi người không nên hoảng sợ. Khả năng lan truyền của loại virus mới này không cao lắm”, nhà dịch tễ học Bao Chang-jun ở Trung tâm Phòng chống Bệnh tật Giang Tô, đồng tác giả của nghiên cứu, nói. Giang Tô là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất bởi dịch cúm gia cầm H7N9.
 

Các nhà khoa học Trung Quốc nói rằng, họ không phỏng vấn được 2 cha - con bệnh nhân trước khi họ qua đời, nên không thể hoàn toàn loại trừ khả năng cô con gái nhiễm virus từ nguồn nào đó khác, tuy nhiên, khả năng này “rất khó xảy ra”.

Các nhà khoa học lâu nay vẫn lo rằng, chủng virus này sẽ biến đổi thành dạng lây lan dễ dàng từ người sang người. Trong nghiên cứu mới, Bao và đồng nghiệp cho biết, một người đàn ông 60 tuổi tử vong trong bệnh viện sau khi nhiễm H7N9 và rõ ràng là bệnh nhân này đã lây nhiễm cho con gái. Người phụ nữ 32 tuổi sau khi chăm sóc bố suốt một tuần cũng tử vong trong bệnh viện.

Trước đó, người bố thường xuyên đi chợ gia cầm sống, nhưng người con không tiếp xúc với bất kỳ nguồn gia cầm có khả năng mang bệnh nào. Cả hai đều tử vong vì suy đa tạng. Các xét nghiệm virus từ hai bệnh nhân cho thấy chúng gần như giống nhau hoàn toàn. Vì thế, các chuyên gia y tế kết luận rằng, lời giải thích hợp lý nhất là người con gái lây bệnh trực tiếp từ bố.
 

Dù có bằng chứng rõ ràng về lây nhiễm trực tiếp từ người sang người, nhưng khả năng này vẫn được cho là hạn chế và không bền vững. Không ai trong số 43 người tiếp xúc gần với hai bệnh nhân này, bao gồm nhân viên bệnh viện, bị nhiễm virus.
 

“Phát hiện này cho thấy tính nhạy cảm di truyền có thể là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới việc lây nhiễm bệnh, và virus cúm gia cầm dễ dàng lây lan giữa những người có quan hệ về di truyền”, bài báo trên Tạp chí Y học Anh viết.
 

Chưa đáng ngại

Theo số liệu Tổ chức Y tế Thế giới công bố cuối tháng trước, tổng số người nhiễm virus H7N9 ở Trung Quốc đại lục là 132, trong đó có 43 ca tử vong. Trung Quốc phát hiện trường hợp nhiễm đầu tiên vào tháng 3. Đài Loan đến nay phát hiện một trường hợp nhiễm bệnh. Hầu hết bệnh nhân từng đi chợ gia cầm sống hoặc tiếp xúc gần với gia cầm sống trong 1 hoặc 2 tuần trước khi phát bệnh.

Xét nghiệm virus H7N9 trong phòng
            thí nghiệm. Ảnh: EPA
Xét nghiệm virus H7N9 trong phòng thí nghiệm. Ảnh: EPA.


Một nghiên cứu công bố hồi tháng 6 cảnh báo rằng, tháng 8 có thể là thời điểm virus lây lan mạnh trở lại. Kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm được công bố trên tạp chí Khoa học (Science) của Mỹ hồi tháng 5 cho thấy chủng virus H7N9 lây lan từ động vật sang động vật, đặc biệt là loài chồn sương, và cũng có thể lây từ người sang người trong điều kiện nhất định.
 

Nhóm virus H7 bao gồm các chủng virus lây lan trong cộng đồng các loài chim, trong đó nhóm phụ H7N9 chưa từng được phát hiện ở người cho tới thời điểm bùng phát ở Trung Quốc.
 

Bình luận về bài báo đăng trên Tạp chí Y học Anh, hai nhà nghiên cứu James Rudge và Richard Coker ở Nhóm Nghiên cứu chính sách bệnh truyền nhiễm ở Thái Lan cho rằng, đây là bằng chứng mạnh mẽ nhất về sự lây lan từ người sang người của H7N9.
 

Chủng virus H5N1 và H7N7 trước đây từng lây từ người sang người. Tuy nhiên, chưa có chủng nào biến thể đến mức có thể lây lan dễ dàng. Vì thế, các nhà khoa học cho rằng, virus H7N9 lây từ người sang người cũng không phải điều đáng ngạc nhiên.
 

Ông Peter Horby, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Lâm sàng thuộc ĐH Oxford (Anh), cho rằng, sự lây lan hạn chế từ người sang người “không hẳn có nghĩa là chủng virus này đang ở giai đoạn đầu của quá trình thích nghi đầy đủ với con người”.

Nguồn: tienphong.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.