Tin tức

Magiê: Khoáng chất cần thiết cho chức năng thần kinh và cấu trúc xương

Ngày 18/06/2016
Magiê là một khoáng chất cần thiết cho sự sản sinh năng lượng, co cơ, chức năng thần kinh và cấu trúc xương. Magiê huyết thanh cũng có thể được chỉ định để kiểm tra sự thiếu hụt Magiê ở người hấp thu kém, suy dinh dưỡng, tiêu chảy, nghiện rượu hoặc sử dụng thuốc làm tăng đào thải Magiê qua thận.

1. Sinh học của Mg

Magiê đi vào cơ thể qua chế độ ăn uống, được hấp thụ bởi ruột non và đại tràng. Magiê được lưu trữ trong xương, các tế bào và các mô. Chỉ có khoảng 1% tổng lượng Magiê cơ thể có mặt trong huyết tương (trong đó dạng ion hóa chiếm 65-84%), 60% trong xương và 40% trong cơ (Kulpman WR 1996 [2].  Các thực phẩm chứa một lượng nhỏ Magiê gồm các loại rau xanh lá như rau chân vịt, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt. Các loại thực phẩm có chất xơ thường cũng là nguồn cung cấp Magiê. Cơ thể duy trì mức độ Magiê bằng cách điều hòa sự hấp thu và đào thải hoặc tái hấp thu ở thận.Magiê cần thiết cho nhiều chuyển hóa của cơ thể, đặc biệt là cần thiết cho chuyển hóa canxi (Hình 1).

Magie tham gia vào nhiều giai đoạn chuyển hóa canxi

Hình 1.Magiê tham gia vào nhiều giai đoạn của chuyển hóa canxi

Sự thiếu hụt Magiê máu (hypomagnesemia) có thể gặp trong tình trạng suy dinh dưỡng, điều kiện gây kém hấp thu và với sự đào thải quá nhiều magiê qua thận. Sự thiếu hụt Magiê nhẹ và vừa có thể không có hoặc có rất ít các triệu chứng không đặc hiệu. Sự thiếu hụt kéo dài hoặc nặng có thể gây buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, lú lẫn, co thắt cơ, co giật, thay đổi trong nhịp tim và cảm giác tê hoặc ngứa. Sự thiếu hụt Magiê cũng có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi Canxi và làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt Canxi.

Sự dư thừa Magiê máu (hypermagnesemia) có thể gặp khi uống thuốc kháng acid chứa Magiê và khi thận giảm khả năng bài tiết Magiê. Các triệu chứng của sự dư thừa Magiê cũng có thể tương tự như những thiếu hụt Magiê và gồm: buồn nôn, suy nhược cơ thể, mất cảm giác ngon miệng và nhịp tim bất thường.

2. Sự sử dụng của xét nghiệm Magiê

Xét nghiệm Magiê được sử dụng để đo mức độ Magiê trong máu (hoặc đôi khi nước tiểu). Mức độ bất thường của Magiê thường gặp nhất trong các điều kiện hoặc bệnh lý làm giảm hoặc làm tăng bài tiết Magiê qua thận hoặc làm giảm khả năng hấp thu Magiê ở ruột. Mức độ Magiê có thể được sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của các vấn đề về thận hoặc đái tháo đường mất kiểm soát và có thể giúp chẩn đoán các rối loạn tiêu hóa.

Vì mức độ Magiê trong máu thấp có thể, theo thời gian, làm cho mức độ Canxi và Kali thấp một cách dai dẳng nên có thể sử dụng Magiê để giúp chẩn đoán các bệnh lý liên quan với Canxi, Kali, Phốt pho và hormone tuyến cận giáp Parathiroid hormone (PTH) - một hormone có vai trò  điều hòa chuyển hóa Canxi.

Mức độ Magiê có thể được đo định kỳ để theo dõi sự đáp ứng đối với việc bổ sung Magiê theo đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch và có thể được sử dụng cùng với Canxi và Phốt pho để giám sát sự bổ sung Canxi.

3. Chỉ định

Magiê huyết thanh có thể được chỉ định để theo dõi mức độ Canxi và Kali trong máu thấp mạn tính. Xét nghiệm Magiê huyết thanh cũng có thể được chỉ định khi một người có các triệu chứng có thể là do sự thiếu hụt Magiê, chẳng hạn như yếu cơ, chuột rút, lú lẫn, rối loạn nhịp tim và co giật.

Magiê huyết thanh cũng có thể được chỉ định để kiểm tra sự thiếu hụt Magiê ở người hấp thu kém, suy dinh dưỡng, tiêu chảy, nghiện rượu hoặc sử dụng thuốc làm tăng đào thải Magiê qua thận.

Magiê huyết thanh còn có thể được chỉ định theo thời gian để theo dõi hiệu quả điều trị bổ sung Magiê và / hoặc Canxi.

Ở bệnh nhân suy thận hoặc đái tháo đường mất kiểm soát, Magiê huyết thanh có thể được chỉ định theo định kỳ cùng với các xét nghiệm khác như Creatinine và Nitơ ure máu (BUN) để theo dõi chức năng thận và để chắc chắn là bệnh nhân đó không đào thải hay giữ lại quá nhiều Magiê.

4. Giá trị tham chiếu của Magiê

- Mức độ Mg huyết thanh ở người khỏe mạnh thay đổi theo lứa tuổi:

Trẻ sơ sinh (tuần đầu tiên): 1,2-2,6 mg/dL hay 0,48-1,05 mmol/L

                        Trẻ em (tuổi học trò):          1,5-2,3 mg/dL hay 0,60-0,95 mmol/L (Meites S 1989 [3])

            Nam:                                    1,8-2,6  hay 0,73-1,06 mmol/L

                        Nữ;                                       1,9-2,5 hay 0,77-1,03 mmol/L (Speich M 1981 [4])

- Mức độ Mg nước tiểu/ 24 h ở người khỏe mạnh là: 73-122 mg/24h hay 3-5 mmol/ 24h (Dyckner T 1982 [1]).

            Cách chuyển đổi đơn vị: mg/dL × 0,4113 = mmol/L

5. Ý nghĩa lâm sàng

5.1. Mức độ Magiê huyết thanh tăng:

Sự tăng mức độ Magiê trong máu hiếm khi do các nguồn thực phẩm nhưng thường là bài tiết giảm hoặc bổ sung quá mức. Sự tăng mức độ Magiê trong máu được thấy trong:

- Suy thận

- Cường cận giáp

- Suy giáp

- Mất nước

- Nhiễm acid do đái tháo đường

- Bệnh Addison

- Sử dụng các thuốc kháng acid chứa Magiê hoặc thuốc nhuận tràng

5.2. Mức độ Magiê huyết thanh giảm:

Mức độ Magiê trong máu thấp có thể chỉ ra rằng một người không tiêu thụ, hấp thụ đủ hoặc bị bài tiết quá nhiều Magiê. Sự giảm Magiê máu cũng có thể là nguyên nhân của giảm Canxi máu và cũng thường liên quan đến giảm Kali máu (Whang R 1990 [5]). Sự thiếu hụt Magiê thường thấy trong:

- Chế độ ăn uống kém (có thể gặp ở người cao tuổi, suy dinh dưỡng và nghiện rượu)

- Rối loạn tiêu hóa (bệnh Crohn)

- Đái tháo đường mất kiểm soát

- Suy tuyến cận giáp

- Sử dụng thuốc lợi tiểu dài hạn

- Tiêu chảy kéo dài

- Sau phẫu thuật

- Bỏng nặng

- Nhiễm độc thai nghén khi mang thai

Các dấu hiệu lâm sàng của thiếu hụt Magiê có thể chỉ xuất hiện khi mức độ Magiê huyết thanh <1,22 mg/dL (hay < 0,5 mmol/L).

Tốc độ bài xuất Magiê < 12 mg/ 24 h (0,5 mmol/24 h) được xem như dấu hiệu thật sự của thiếu hụt Magiê; Tốc độ bài xuất Magiê > 24 mg/ 24 h (1 mmol/24 h) khi giảm Magiê máu thể hiện sự mất  Magiê do thận.

Một số điểm cần chú ý

Vì  Magiê là một chất điện giải nên xét nghiệm Magiê có thể được chỉ định cùng với chất điện giải khác như Natri, Kali, Clo, Bicarbonate, Canxi và Phốt pho để đánh giá trạng thái cân bằng điện giải của một người. Magiê thấp không phải là bất thường khi Kali cũng thấp.

Mức độ Magiê máu có xu hướng giảm trong quý hai và ba của thai kỳ.

Mức độ Magiê máu bình thường không nhất thiết phản ánh tổng lượng Magiê dự trữ của cơ thể. Cơ thể cố gắng duy trì mức độ Magiê máu tương đối ổn định và sẽ giải phóng Magiê từ xương và các mô để thực hiện điều này. Vì vậy, mức độ máu có thể bình thường nhưng vẫn có thể có sự thiếu hụt Magiê ở giai đoạn sớm.

Thức ăn giàu Magie

Thức ăn giàu Magie

Những thuốc có thể làm tăng nồng độ Magiê máu gồm lithium, aspirin, thuốc tuyến giáp, một số kháng sinh và các sản phẩm chứa Magiê. Những thuốc có thể làm giảm nồng độ Magiê máu gồm digoxin, cyclosporin, thuốc lợi tiểu, insulin, một số kháng sinh, thuốc nhuận tràng và phenytoin.

Magiê thường không được theo dõi thường xuyên như một số khoáng chất khác. Nó được chỉ định chủ yếu khi một người có một mức Canxi bất thường và khi có các triệu chứng có thể là do sự thiếu hụt hoặc thừa Magiê.

Mỗi người có khả năng hấp thụ, sử dụng và bài tiết Magiê ở những mức độ khác nhau nên việc sử dụng các thuốc có ảnh hưởng đến mức độ Magiê máu cần được sự tư vấn của thầy thuốc.

                                                            Kết luận

1. Magiê là một khoáng chất rất cần thiết cho sản xuất năng lượng, sự co cơ, chức năng thần kinh và duy trì xương chắc khỏe. Các xét nghiệm có liên quan đến Mg gồm: Calcium, Kali, Phốt pho, PTH, Vitamin D.

2. Magiê huyết thanh được sử dụng để đánh giá mức độ bệnh thận, đái tháo đường mất kiểm soát, các rối loạn tiêu hóa, các bệnh lý liên quan với Canxi, Kali, Phốt pho và PTH hoặc để theo dõi hiệu quả bổ sung Canxi và Magiê.

3.Magiê huyết thanh có thể được chỉ định để theo dõi sự thiếu hụt Magiê ở người hấp thu kém, suy dinh dưỡng, tiêu chảy, suy thận, theo dõi hiệu quả điều trị bổ sung Magiê và Canxi hoặc để theo dõi chức năng thận.

4. Magiê huyết thanh có thể tăng do bài tiết giảm hoặc do bổ sung quá mức (suy thận, cường cận giáp, suy giáp, mất nước,...), có thể giảm do ăn thiếu Magiê, hấp thu kém hoặc bài tiết quá nhiều Magiê (người già, rối loạn tiêu hóa, suy cận giáp, bỏng nặng, ...).

                                                              Tài liệu tham khảo

1. Dyckner T, Wester PO. Magnesium deficiency – guide-lines for dianosis and substituion therapy. Acta Med Scand 1982; 661 Suppl: 37-41.

2. Kulpmann WR, Gerlach M. Relationship between ionized and total magnesium in serum. Scand J Clin Lab Invest 1996; 56, Suppl 224: 251-258.

3. Meites S. Pediatric Clinical Chemistry, 3rd ed. Wasshington DC: AACC Press, 1989: 191.

4. Speich M, Bousquet B, Nicolas G. Reference values for ionized, complexed, and proteon bound plasma magnesium in men and women. Clin Chem 1981; 27: 246-248.

5. Whang R, Ryder KWW. Frequency of hypomagnesemia and hypermagnesemia. J Am Med Ass 1990; 63: 3063-3064.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.