Tin tức

Mọc mụn nước ở chân và ngứa: Nguyên nhân và biện pháp khắc phục

Ngày 17/06/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Mọc mụn nước ở chân và ngứa là tình trạng thường gặp liên quan đến các vấn đề về da liễu hoặc do côn trùng cắn, bỏng da, dị ứng,… Những vết phồng rộp không chỉ gây ngứa ngáy khó chịu mà còn gây bất lợi trong việc đi, đứng, sinh hoạt hàng ngày. Vậy nguyên nhân hình thành mụn nước ở chân là do đâu? Cách khắc phục tình trạng mụn nước mọc ở chân và gây ngứa như thế nào?

1. Những nguyên nhân gây ra tình trạng mọc mụn nước ở chân và ngứa

Nguyên nhân gây ra hiện tượng mọc mụn nước ở chân và ngứa rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về bệnh lý da liễu, tổ đỉa hoặc do tác động từ các yếu tố khác. Những lý do dẫn đến tình trạng mụn nước hình thành ở chân và gây ngứa ngáy có thể kể đến là:

Tổ đỉa

Tổ đỉa là một dạng tổn thương da với sự hình thành của các nốt mụn nước nhỏ ở chân hoặc tay, gây ngứa dữ dội khiến người bệnh khó chịu. Tình trạng tổ đỉa ở chân có thể kéo dài từ 3 - 4 tuần gây nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và nguy cơ bội nhiễm khi các nốt mụn nước vỡ ra. Bệnh không lây lan từ người sang người những có thể tấn công các khu vực lân cận trên cơ thể. Do đó, người bệnh cần phải được điều trị sớm để hạn chế những tổn thương trên da.

Tổ đỉa ở chân là dạng tổn thương da liên quan đến cơ địa hoặc yếu tố miễn dịch

Các bệnh lý da liễu

Mọc mụn nước ở chân và ngứa có thể là biểu hiện của một số bệnh lý về da liễu bao gồm: Chàm eczema, zona, thuỷ đậu, rôm sảy, tay chân miệng ở trẻ em, ghẻ nước, herpes, bóng nước tự miễn, viêm da dị ứng hoặc tiếp xúc, nấm da,…

Các nguyên nhân khác

Bên cạnh những tác nhân kể trên thì một số yếu tố khác cũng có thể là lý do gây mụn nước ở chân và ngứa như:

  • Cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng khi tiếp xúc với chất lạ.
  • Da chân thường xuyên tiếp xúc với kim loại.
  • Làm việc hoặc sinh sống trong mỗi trường ô nhiễm, ẩm ướt, có nhiều hoá chất hoặc tác nhân gây hại.
  • Lòng bàn chân đổ quá nhiều mồ hôi, bí bách do mang tất hoặc giày.
  • Da bị kích ứng do nhiệt độ dẫn đến tổn thương, phồng rộp.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị như thuốc làm loãng máu, kháng sinh,…
  • Một số bệnh lý khác như bệnh tự miễn, tiểu đường.
  • Tâm lý căng thẳng, stress kéo dài hoặc các chấn thương thần kinh.

Chân nổi mụn nước, ngứa có thể do bệnh lý da liễu hoặc các yếu tố khác
2. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị mụn nước ở chân

Mọc mụn nước ở chân không chỉ gây ngứa ngáy khó chịu mà đi kèm có thể là tình trạng nóng, rát hoặc những biểu hiện khác tùy từng trường hợp bệnh. Việc tìm ra nguyên nhân, chẩn đoán sớm và can thiệp điều trị bằng các phương pháp thích hợp nhằm giúp người bệnh cải thiện triệu chứng và hạn chế nguy cơ bội nhiễm.

Các phương pháp chẩn đoán

Để đưa ra kết luận chính xác nhất về tình trạng mọc mụn nước ở chân và ngứa, bác sĩ sẽ thực hiện các kiểm tra lâm sàng để đánh giá mức độ tổn thương trên da. Đồng thời người bệnh cũng sẽ được chỉ định thực hiện một số kiểm tra sau:

  • Xét nghiệm dị ứng da đối với những trường hợp mụn nước hình thành do các tác nhân gây kích ứng.
  • Sinh thiết da cho phép xác định chính xác các rối loạn, bệnh lý cũng như mức độ tổn thương trên da.

Biện pháp điều trị

Tuỳ vào mức độ da bị tổn thương, nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp với từng bệnh nhân.

  • Với những trường hợp mụn nước nổi ít và không gây ngứa nhiều, bác sĩ có thể tư vấn các biện pháp để khắc phục tình trạng như ngâm chân nước muối hoặc thảo dược kết hợp thay đổi chế độ dinh dưỡng.
  • Những trường hợp mụn nước mọc nhiều và lan rộng, ngứa dữ dội, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc bôi ngoài da chứa thành phần Corticosteroid để kiểm soát triệu chứng và sử dụng kháng sinh nếu các nốt mụn vỡ ra và có biểu hiện nhiễm trùng. Sau khi bôi thuốc, người bệnh có thể dùng băng bịt kín để tăng hiệu quả điều trị.
  • Áp dụng biện pháp quang trị liệu bằng tia cực tím để tiêu diệt vi khuẩn đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi da hư tổn, đẩy nhanh tiến trình điều trị mụn nước.

Bác sĩ sẽ kiểm tra lâm sàng tình trạng chân nổi mụn nước, ngứa trước khi điều trị

Phương pháp hỗ trợ điều trị mụn nước tại nhà

Các phương pháp điều trị tình trạng mọc mụn nước ở chân và ngứa thường tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ, tác động xấu đến gan, thận. Vì vậy bên cạnh việc nghiêm chỉnh chấp hành theo những chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc như sau:

  • Ngâm chân trong nước mát hoặc chườm lạnh để cải thiện tình trạng ngứa, nóng rát do mụn nước.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các loại kem dưỡng ẩm, làm mềm da để khắc phục tình trạng da khô, bong tróc và ngăn ngừa mụn nước vỡ ra gây nhiễm trùng.
  • Ngâm và rửa chân với tinh dầu hoặc các loại thảo mộc lành tính cho da có khả năng cải thiện cơn ngứa, hỗ trợ làm lành vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh các loại thực phẩm có khả năng gây kích ứng như hải sản, đậu nành, lúa mì, bông cải xanh,…
  • Uống nhiều nước để giúp cơ thể tăng cường quá trình đào thải độc tố.

Ngâm chân với thảo dược để cải thiện tình trạng ngứa, giúp vết thương nhanh lành

Hầu hết những trường hợp mọc mụn nước ở chân và ngứa không gây nguy hiểm đến sức khoẻ nhưng lại làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Chính vì vậy, người bệnh không được chủ quan khi thấy hiện tượng mụn nước nổi ở chân và ngứa mà tốt nhất nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa da liễu để kiểm tra, chẩn đoán và điều trị sớm.

Nếu bạn gặp tình trạng mụn nước mọc ở chân gây ngứa ngáy khó chịu mà chưa biết nên đi khám ở đâu thì Chuyên khoa Da liễu Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một gợi ý lý tưởng. Tại đây, các bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng da nổi mụn nước thông qua các triệu chứng lâm sàng, sau đó chỉ định các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu nhằm xác định chính xác bệnh lý để đưa ra biện pháp điều trị thích hợp.

Để liên hệ đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa, quý khách hàng vui lòng gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng của MEDLATEC theo số 1900565656 để được hướng dẫn chi tiết.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.