Tin tức

Mọc răng ở trẻ: các dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc trẻ mọc răng

Ngày 24/03/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Mọc răng ở trẻ là vấn đề được nhiều bậc cha mẹ quan tâm vì đây là mốc đánh dấu sự phát triển của cơ thể trẻ. Mọc răng sẽ gây ra một số triệu chứng khó chịu nhất định làm ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Nắm được các biểu hiện mọc răng sẽ giúp cha mẹ chăm sóc trẻ tốt hơn và giảm được những cảm giác khó chịu trong quá trình mọc răng của bé.

1. Mốc thời gian mọc răng ở trẻ

Thường thì vào giai đoạn 6 tháng tuổi, chiếc răng đầu tiên của trẻ sẽ nhú dần và tới 30 tháng tuổi là kết thúc quá trình mọc răng sữa. Tuy nhiên cũng có những trường hợp trẻ mọc răng sớm hơn (khi chỉ mới 3 - 4 tháng tuổi), hoặc muộn hơn mốc trên. Thời điểm mọc răng ở trẻ sẽ không bị chênh lệch quá nhiều, sự khác biệt này có thể là do di truyền hoặc cấu trúc răng khiến răng trẻ mọc chậm. 

Trung bình tốc độ mọc răng ở trẻ

Trung bình tốc độ mọc răng ở trẻ

2. Triệu chứng mọc răng ở trẻ

Khi mọc răng, trẻ sẽ có những dấu hiệu như sau:

  • Miệng trẻ tiết nhiều dãi hơn: hệ thần kinh trung ương đóng vai trò điều khiển tuyến nước bọt. Khi bé mọc răng sẽ kích thích hoạt động của dây thần kinh thứ 5 và trẻ sẽ chảy nhiều dãi hơn. Vì trẻ còn nhỏ và chưa hoàn thiện chức năng nuốt nước bọt, khoang miệng trẻ còn nông nên sẽ làm chảy nhiều nước dãi ra ngoài. Trẻ càng lớn tình trạng chảy nước dãi sẽ càng giảm.
  • Hay muốn cắn hoặc nhai do ngứa lợi: hàm của trẻ sẽ bị ngứa ngáy do mầm răng đang dần nhú lên. Để làm giảm sự bứt rứt này, trẻ sẽ có xu hướng tìm một vật nào đó để nhay cắn. Cha mẹ có thể mua dụng cụ gặm nướu cho trẻ để giúp trẻ giảm bớt cảm giác ngứa lợi, đồng thời việc dùng gặm nướu cũng đảm bảo vệ sinh cho bé.
  • Xương quanh miệng và cằm bị nổi mẩn đỏ: là hệ quả của việc nước dãi trẻ chảy ra ngoài miệng nhiều. Cha mẹ nên chú ý thường xuyên lau miệng cho trẻ.
  • Bú kém: lợi của trẻ thường bị đau nhức do mọc răng, khi miệng khó chịu trẻ sẽ giảm tần suất bú, đôi khi còn bỏ bú. Nếu trẻ không chịu bú kéo dài thì cha mẹ nên cho trẻ đi khám ngay.
  • Trẻ bị sốt: hệ miễn dịch của trẻ cũng bị ảnh hưởng trong quá trình mọc răng dẫn tới hiện tượng sốt. Lúc này các bậc phụ huynh cần lưu ý thân nhiệt của trẻ, nếu sốt nhẹ thì hãy cho trẻ bú nhiều, chườm ấm, để trẻ mặc quần áo thoáng mát. Nếu sốt cao và không đáp ứng các biện pháp này thì hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
  • Quấy khóc nhiều hơn: sự khó chịu do mọc răng sẽ khiến trẻ quấy khóc nhiều hơn, nhưng điều này cũng tùy trường hợp và tính cách của mỗi trẻ.
  • Các biểu hiện khác: ngủ kém, trằn trọc, ho nhưng không sốt, hay giật mình,...

3. Biện pháp chăm sóc khi trẻ mọc răng

Mọc răng ở trẻ là mốc thời gian quan trọng, phản ánh trực tiếp sự phát triển về hệ xương của trẻ. Do đó, cha mẹ nên tham khảo một số phương pháp chăm sóc trẻ khoa học giúp trẻ thoải mái hơn:

  • Sử dụng khăn lạnh: cha mẹ có thể nhúng khăn vào nước lạnh và dùng nó để lau miệng cho trẻ. Hơi lạnh từ khăn có tác dụng giảm thiểu tình trạng sưng đau vùng nướu. Nhưng cha mẹ không được cho trẻ uống nước lạnh hay ngậm đá viên vì không tốt cho cổ họng của trẻ.
  • Tăng cường những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin trong thực đơn ăn uống hàng ngày, ví dụ như sinh tố hoa quả, đồ ăn mềm, loãng như cháo thịt bằm, súp, và trang trí bắt mắt để kích thích vị giác của trẻ.
  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, không nên ép bé phải ăn vì sẽ khiến trẻ càng thêm khó chịu và khóc nhiều hơn.
  • Chăm sóc tại nhà đối với những trường hợp trẻ bị sốt nhẹ. Trẻ trong giai đoạn 6 tháng tuổi trở lên có thể dùng paracetamol để hạ sốt, nhưng nếu sốt cao không đáp ứng thuốc thì hãy đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
  • Thường xuyên lau răng miệng cho trẻ bằng gạc rơ lưỡi hoặc khăn sạch, hãy vệ sinh răng miệng cẩn thận cho bé nhất là sau khi bú sữa hoặc sau khi ăn. Cho trẻ đeo yếm nếu chảy dãi nhiều.
  • Tăng cữ bú cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, từ 6 tháng tuổi trở lên thì bên cạnh uống sữa hãy bổ sung thêm nước cho trẻ.
  • Cha mẹ tuyệt đối không được bôi gel mọc răng vào miệng trẻ. Bởi vì các sản phẩm này có chứa một hàm lượng benzocaine có hại cho trẻ. Trong trường hợp trẻ chậm mọc răng, cha mẹ có thể hỏi thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Trẻ sẽ có xu hướng muốn nhai cắn một cái gì đó do ngứa lợi khi mọc răng

Trẻ sẽ có xu hướng muốn nhai cắn một cái gì đó do ngứa lợi khi mọc răng

4. Cách để duy trì một hàm răng khỏe mạnh cho trẻ

Bên cạnh các phương pháp chăm sóc trẻ khi mọc răng thì việc đảm bảo trẻ có một hàm răng khỏe mạnh cũng là điều các bậc phụ huynh cần quan tâm. Dưới đây là một số cách giúp trẻ sở hữu một hàm răng khỏe cha mẹ có thể cân nhắc áp dụng:

  • Khi trẻ mới bước vào giai đoạn mọc răng, cha mẹ hãy dùng vải mềm sạch để lau nướu. Đối với trẻ lớn hơn thì mua bàn chải lông mềm để làm sạch răng cho trẻ, tránh việc làm đau hay tổn thương lợi và nướu của trẻ.
  • Định kỳ đưa trẻ đi khám nha khoa để kiểm tra răng miệng cho trẻ. Bác sĩ sẽ có những lời khuyên và tư vấn phù hợp trong quá trình chăm sóc cũng như điều trị các vấn đề về răng miệng ở trẻ.
  • Bước vào giai đoạn ăn dặm, cha mẹ cần đề ra những giới hạn về nguồn thực phẩm, ví dụ trẻ không nên ăn nhiều đồ ngọt, hạn chế cho trẻ uống sữa ban đêm dễ gây sâu răng. Sau khi trẻ đã bú xong thì cho trẻ uống nước, súc miệng.

Cha mẹ hãy chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ dù trẻ đang ở bất kỳ độ tuổi nào

Cha mẹ hãy chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ dù trẻ đang ở bất kỳ độ tuổi nào

Có thể thấy rằng mọc răng ở trẻ là quá trình phát triển tất yếu của cơ thể. Đứa trẻ nào cũng phải trải qua giai đoạn này với những triệu chứng khó chịu ở răng miệng. Do đó cha mẹ nên chuẩn bị trước những kiến thức về thời kỳ mọc răng ở trẻ, nắm bắt các triệu chứng để kịp thời đối phó và áp dụng biện pháp chăm sóc trẻ đúng cách.

Nếu cần được tư vấn thêm về tình trạng mọc răng ở trẻ hay các vấn đề khác liên quan tới sức khỏe của bé, cha mẹ hãy liên hệ ngay với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56. Tổng đài viên của MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ quý khách hàng 24/7.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.