Tin tức

Bất ngờ phát hiện bị viêm khớp vảy nến có thể gây tàn phế, do bỏ qua dấu hiệu từ 4 năm trước

Ngày 19/08/2024
Ban biên tập
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trịnh Thị Nga
Dát đỏ, bong vảy vùng da đầu, thắt lưng và cẳng chân 2 bên đã nhiều năm, thời gian gần đây anh N.V.H 24 tuổi cảm thấy đau khớp gối và cổ chân trái, đi khám phát hiện bị viêm khớp vảy nến - căn bệnh có thể gây biến dạng, phá hủy khớp thậm chí là tàn phế.

Đau khớp gối, cổ chân do viêm khớp vảy nến 

Anh N.V.H (24 tuổi, Nghệ An) đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khám do xuất hiện triệu chứng đau khớp gối và cổ chân trái. 

Qua thăm hỏi, anh H. cho biết tình trạng đau khớp xuất hiện khoảng 4 ngày trước khám, bản thân không có tiền sử chấn thương. Đặc biệt, bệnh nhân chia sẻ khoảng 4 năm trước vùng da đầu xuất hiện dát đỏ, sau đó lan ra thắt lưng, cẳng chân 2 bên, bong vảy nhiều, không ngứa, bệnh nhân tự mua thuốc Clobetason bôi thì đỡ và tiếp tục duy trì đến hiện tại. 

Sau quá trình khám lâm sàng, ThS.BSNT Trịnh Thị Nga - Chuyên khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC nhận thấy bệnh nhân thuộc kiểu hình Cushing, béo phì độ II; phần dát da đỏ ranh giới rõ, dày da, bong vảy trắng ở da đầu, thắt lưng, khuỷu tay; móng tay rỗ món; phần nếp gấp khuỷu tay 2 bên có dát đỏ nhỏ, không dày da, bề mặt bong vảy da mỏng, không có mụn nước. Bác sĩ Nga chẩn đoán sơ bộ bệnh nhân bị viêm khớp, theo dõi vảy nến

Để chẩn đoán xác định, bác sĩ Nga chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cần thiết về xương khớp và nội tiết. Đồng thời, do người bệnh có những tổn thương da nên bác sĩ Nga tư vấn người bệnh thăm khám Chuyên khoa Da liễu để được bác sĩ chuyên môn kiểm tra và đánh giá tình trạng bệnh. Sau khi thăm khám, ThS.BS Trần Thị Thu - Chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã tư vấn bệnh nhân làm thêm sinh thiết da để đánh giá tình trạng bệnh. 

Kết quả X-quang phát hiện nốt cản quang vị trí lồi củ chầy trái, siêu âm gối trái có ít dịch khớp (5.2mm) và ổ dịch nhỏ dưới điểm bám dây chằng bánh chè (3x6mm). Cùng với đó, xét nghiệm vi nấm soi tươi (cánh tay 2 bên) cho kết quả dương tính với nấm men, hình ảnh nghĩ nhiều đến Malassezia furfur - nấm gây bệnh lang ben, kết quả xét nghiêm mô bệnh học phù hợp với vảy nến.  


Hình ảnh nốt cản quang vị trí lồi củ chầy trái của người bệnh 

 

Hình ảnh xét nghiệm mô bệnh học phù hợp với vảy nến 

Dựa vào các kết quả, bác sĩ chẩn đoán xác định viêm khớp vảy nến - vảy nến thể mảng mức độ trung bình. Bác sĩ Nga tư vấn bệnh nhân dừng thuốc bôi Clobetason và chú ý vệ sinh, sinh hoạt hàng ngày đúng cách, đồng thời kê đơn điều trị phù hợp với tình trạng người bệnh.    

Viêm khớp vảy nến có thể gây tàn phế 

Viêm khớp vảy nến (PsA) là bệnh khớp viêm mạn tính liên quan đến bệnh vẩy nến da. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt phổ biến trong khoảng 40 - 50 tuổi, tỷ lệ nam - nữ tương đương nhau. Các cơ quan bị ảnh hưởng rất đa dạng, bao gồm cột sống, khớp vai, khuỷu tay, cổ bàn tay, háng, gối, cổ chân, da, móng và các bệnh đi kèm như loãng xương, viêm màng bồ đào, tổn thương ruột, bệnh tim mạch. Đặc biệt, bệnh diễn biến mạn tính và tiến triển từng đợt gây tổn thương, mất chức năng khớp và cột sống, có thể dẫn đến tàn phế. 

Tỷ lệ viêm khớp vảy nến chiếm khoảng 10-30 % bệnh nhân bị vảy nến, khoảng 80% trường hợp viêm khớp xuất hiện sau tổn thương vảy nến, 15% trường hợp xuất hiện đồng thời và 10% trường hợp viêm khớp xuất hiện trước khi có tổn thương vảy nến. Bệnh thường được chẩn đoán muộn hoặc khó chẩn đoán. 


Vùng khớp khuỷu tay bị viêm khớp liên quan đến vảy nến (Ảnh minh họa) 

Viêm khớp vảy nến không thể điều trị khỏi, cần làm gì để phòng ngừa? 

Bác sĩ Nga cho biết: “Bệnh viêm khớp liên quan đến vảy nến không có cách điều trị triệt để, các phương pháp điều trị chỉ có thể làm thuyên giảm các triệu chứng và hạn chế sự phát triển của tình trạng viêm. Một số cách điều trị gồm có: Sử dụng thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAIDs), thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm dạng cổ điển như Methotrexate, Sulfasalazin... hoặc dạng sinh học (thuốc ức chế TNF-α, ức chế IL-17, ức chế IL-23..., tiêm corticoid nội khớp nếu không đáp ứng thuốc NSAIDs, phẫu thuật nếu tổn thương khớp nặng, gây dính, biến dạng, mất chức năng khớp”. 

Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần thay đổi lối sống để có thể phòng ngừa được nguy cơ mắc bệnh cũng như giảm thiểu biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra. Bệnh nhân có thể: 

  • Thay đổi những tư thế hoạt động sinh hoạt hằng ngày để giảm tổn thương các khớp;
  • Tuân thủ chế độ ăn uống chống viêm;
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để cải thiện tình trạng của khớp; 
  • Tránh căng thẳng, stress kéo dài làm bùng phát các cơn đau, khiến bệnh thêm trầm trọng;
  • Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần nếu có các yếu tố nguy cơ: Di truyền, miễn dịch và môi trường;
  • Viêm khớp vảy nến không phải là một căn bệnh hiếm gặp nhưng vì những triệu chứng dễ nhầm lẫn, bệnh nhân có thể bị bỏ qua và để lại nhiều ảnh hưởng xấu đến cơ thể do không điều trị kịp thời. 

Tại MEDLATEC có đầy đủ các phương tiện để chẩn đoán và điều trị vảy nến. Hãy gọi điện đến Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được giải đáp các thắc mắc và đặt lịch khám chuyên khoa nhanh chóng.  

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.