Tin tức
Nhiễm khuẩn sau sinh - nỗi sợ hãi của sản phụ
Sản phụ sau khi sinh nếu có dấu hiệu sức khỏe bất thường cần đến bệnh viện kiểm tra tránh những hậu quả khôn lường do nhiễm khuẩn sau sinh.
Nhiễm khuẩn sau sinh mà không biết
Chị N.T.Diệp (Hà Nam) là trường hợp điển hình của tình trạng nhiễm khuẩn sau khi mới sinh con con đầu lòng. Ba tuần sau sinh, chị được đưa vào viện trong tình trạng sốt trên 38 độ. Mỗi lần sốt kèm theo cơn rét run, người bải hoải, mạch máu nhanh. Chị Diệp cho biết, do chủ quan, chị vẫn nghĩ mới sinh ai cũng mệt nên cứ để tình trạng này kéo dài. Đến khi chị giật mình phát hiện sản dịch rất hôi, có máu, mủ, tử cung lớn và đau, ngồi cho con bú cũng khó kèm theo dấu hiệu sốt, lờ đờ chị mới bảo người nhà đưa vào viện. Các bác sĩ cho hay, chị bị nhiễm khuẩn huyết sau sinh, nếu để lâu hơn, tính mạng cả 2 mẹ con sẽ bị đe dọa.
Hay chị Thanh Hiển 28 tuổi (Thường Tín- Hà Nội) sau khi sinh được được một thời gian thì thấy trong người mệt mỏi. Cho rằng do ảnh hưởng của sự mất sức trong quá trình chuyển dạ lâu và sinh con nên chị không chú ý nhiều. Tuy nhiên sau 15 ngày sinh nở chị thấy khác trong người, đau rát ở vùng tử cung, dịch rất hôi, người sốt trên 39 độ C. Thấy vậy gia đình đưa chị đi khám và bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm tử cung. Đây là trường hợp nhiễm khuẩn sau sinh rất nặng. Nhiều trường hợp phát hiện muộn biến chứng sản phụ sẽ phải cắt bỏ tử cung.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện thực sự là nỗi sợ hãi với bác sĩ, ca bệnh thường rất nặng, các vi khuẩn kháng nhiều thuốc kháng sinh.
Sản phụ sau khi sinh nếu có dấu hiệu sức khỏe bất thường cần đến bệnh viện kiểm tra tránh những hậu quả khôn lường do nhiễm khuẩn sau sinh. Ảnh minh họa
Theo báo cáo Trung tâm Chăm sóc & điều trị sơ sinh (BV Phụ sản T.Ư), trong số các ca tử vong của trẻ non tháng, nguyên nhân do nhiễm khuẩn huyết là 95,7%. Với trẻ đủ tháng thì tỉ lệ tử vong do nhiễm khuẩn chiếm 58,6%. Tại BV Phụ sản Hà Nội, tỉ lệ tử vong do nhiễm khuẩn sơ sinh ở trẻ non tháng là 38,1%. Điều đáng nói là nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình mang thai và sinh nở của sản phụ. Nhiễm khuẩn trong tử cung với nhiều tác nhân và xảy ra bất cứ thời điểm nào của thai kỳ, gây ra nhiều biến chứng: sẩy thai, tật bẩm sinh, sinh non, thai lưu, bệnh ở giai đoạn sinh sản…
Một số cách phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn sau sinh
Theo bác sĩ chuyên khoa sản Cao Phương Thảo, thuộc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Hà Nội, thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến phụ nữ bị viêm nhiễm sau sinh. Theo nguyên tắc sau khi cơn “vượt cạn” kết thúc, bé đã chào đời, sản dịch vẫn tiếp tục tiết ra ngoài. Đây là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn gây hại phát triển. Vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh để tránh những nguy cơ viêm nhiễm là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, ngay trong thời gian mang thai nhiều sản phụ bị nhiễm khuẩn âm thầm mà không biết, thậm chí thai nhi trong bụng mẹ cũng đã bị nhiễm khuẩn từ đó. Vì thế nhiều trẻ sơ sinh vừa chào đời đã nhiễm khuẩn rất nặng.
Nhiễm khuẩn sau sinh xuất phát từ bộ phận sinh dục dễ xảy ra trong thời kỳ hậu sản (42 ngày sau đẻ) hoặc sau nạo hút thai. Những ca nhiễm khuẩn hậu sản đều rất nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong cho cả mẹ lẫn con.
Theo bác sĩ Phương Thảo để đề phòng nhiễm khuẩn sau sinh thì các sản phụ tuyệt đối phải giữ vệ sinh trong thời kỳ thai nghén, nhất là những ngày gần đẻ không nên tắm hay ngâm mình dưới ao hồ, nước bẩn. Hằng ngày, sản phụ phải rửa “vùng kín” bằng nước sạch, tuyệt đối không thụt rửa sâu bộ phận sinh dục.
Tuyệt đối không gần gũi, sinh hoạt vợ chồng sau khi mới sinh sức khỏe chưa hồi phục. Cho dù bạn thấy mình hồi phục tốt, thì cũng phải xem “vùng kín” đã “khỏe” lại hoàn toàn hay chưa. Cơ quan sinh sản rất cần được “nghỉ ngơi” đầy đủ sau khi mang thai và sinh con. Nếu quan hệ tình dục sớm, bạn dễ gây nên những tổn thương cho âm đạo và các cơ quan sinh sản, dễ dẫn đến nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.
Dùng băng gạc vô trùng để thấm dịch chảy ra từ âm đạo, giữ cho “vùng kín” luôn khô ráo. Không nên dùng các loại giấy cuộn thô nhám hay các loại khăn ướt có mùi thơm để làm việc này. Các hóa chất tạo mùi thơm dễ gây ảnh hưởng đến vùng sinh dục của bạn. Tránh đi lại nhiều, tránh vận động sớm suốt giai đoạn 1 tháng sau sinh.
Quần áo, chăn ga gối đệm cũng như các vật dụng đều cần thiết phải thay đổi thường xuyên, giặt phơi kỹ lưỡng. Không cần thiết phải dùng đến xà phòng hay các dung dịch vệ sinh phụ nữ (trừ khi bác sĩ hướng dẫn). Chỉ cần vệ sinh vùng kín bằng nước đun sôi để ấm. Tuyệt đối không thụt rửa sâu trong âm đạo vì dễ gây tổn thương cho vùng này.
Thay quần lót thường xuyên để giữ cho vùng sinh dục khô ráo cũng là việc sản phụ nên làm. Nếu thấy sản dịch đổi màu, có mùi hôi, đau rát, sưng tấy hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần báo ngay cho bác sĩ.
Nguồn: dinhduong.com.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!