Tin tức
Nhóm máu Rh và những điều cần biết
I. Tổng quan
Hệ thống nhóm máu Rh bao gồm 50 loại kháng nguyên nhóm máu, trong đó năm kháng nguyên D, C, c, E, e là được quan tâm nhiều nhất. Cho đến nay kháng nguyên D có vai trò quan trọng trong truyền máu, ngoài ra còn được sử dụng để tìm nguyên nhân gây bệnh tan huyết của trẻ sơ sinh (tên Tiếng Anh: erythroblastosis fetalis) liên quan đến Rh.
Kháng nguyên D trên màng hồng cầu quy định hệ nhóm máu Rh
Mỗi cá thể đều có, hoặc không có kháng nguyên D của hệ Rh trên màng hồng cầu. Khi cơ thể có kháng nguyên D hệ Rh thì được gọi là Rh dương (Rh+). Còn nếu cơ thể không có kháng nguyên D hệ Rh thì được xem là Rh âm(Rh-). Ngoài ra còn có kháng nguyên Du và kháng nguyên D từng phần. Kháng nguyên Du có kháng nguyên D nhưng hồng cầu không ngưng kết với tất cả kháng thể chống D, trong huyết thanh có thể có kháng thể chống D. Kháng nguyên D có nhiều phần, có người có đủ các phần, có người thiếu một hoặc một số phần. Trong số những người thiếu sẽ có những người sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên D đầy đủ vì vậy trong thực hành truyền máu nếu người Du và D từng phần hiến máu thì coi là Rh (+), nếu nhận máu thì xếp vào nhóm Rh (-).
II. Ý nghĩa và ứng dụng lâm sàng
1. Ứng dụng trong truyền máu
Sơ đồ truyền máu hệ Rh
Một người Rh (-) chưa được truyền máu Rh (+) bao giờ thì việc truyền máu Rh (+) sẽ không gây ra phảu ứng tức thì. Tuy nhiên sau khi nhận máu từ 10 đến 15 ngày cơ thể sẽ sinh ra kháng thể chống Rh và nếu truyền máu Rh (+) cho những người này ở lần thứ 2, có thể gây tai biến truyền máu cấp.
Người Rh (+) có thể nhận máu từ người có Rh (+) hoặc Rh (-). Người Rh (-) chỉ được nhận máu Rh (-)
2. Ứng dụng trong trường hợp bất đồng nhóm máu mẹ con
Phụ nữ mang thai cần xác định nhóm máu Rh, thông qua đó có thể sàng lọc và phát hiện sự tương thích trong cơ thể mẹ và bé. Nếu người mẹ Rh (-) và bào thai Rh (+), cơ thể người mẹ sẽ phản ứng với máu của bào thai như một kháng nguyên lạ bên ngoài, mẹ sẽ tạo ra kháng thể chống D của bào thai và có thể gây ra các triệu chứng tán huyết từ nhẹ đến nặng.
Rh không tương thích còn có thể gây ra các vấn đề khó khăn trong lần mang thai sau của người mẹ. Khi kháng thể chống D ở người mẹ (được sinh ra qua cơ chế miễn dịch ở lần mang thai trước) có thể đi qua nhau thai và tấn công vào các tế bào hồng cầu của thai nhi dẫn đền tình trạng thiếu máu tán huyết ở em bé, hoặc có thể nặng hơn dẫn đến tình trạng sảy thai, thai lưu.
Trẻ vàng da, tán huyết do bất đồng nhóm máu mẹ con
III. Chỉ định xét nghiệm nhóm máu Rh
- Truyền máu
- Hiến máu
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, xảy thai, lưu thai chưa loại trừ được nguyên nhân do bất đồng nhóm máu mẹ con
- Xác định nhóm máu khi khách hàng có nhu cầu
- Tan máu ở trẻ sơ sinh nghi ngờ liên quan đến Rh.
IV. Cách lấy mẫu và thời gian trả kết quả
- Máu toàn phần được lấy vào ống chống đông EDTA
- Thể tích: 2ml
- Ghi rõ thông tin bệnh nhân và ống máu phải có mã code
- Mẫu được bảo quản ở nhiệt độ 20-25oC trong 8h, khi vận chuyển xa cần bảo quản nhiệt độ 2-8oC vận chuyển về khoa xét nghiệm không quá 24h
- Kết quả trả sau 90 phút tính từ thời gian nhận mẫu
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Thị Mai An (2004), Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong nghiên cứu kháng nguyên nhóm máu hệ hồng cầu, Một số chuyên đề Huyết học – Truyền máu tập 1, Tr. 177-178.
2. Nguyễn Anh Trí, Phạm Mạnh Hùng (2004), Kháng nguyên – kháng thể hồng cầu và hiện tượng bất đồng miễn dịch nhóm máu hệ hồng cầu, Một số chuyên đề Huyết học – Truyền máu tập 1, Tr. 166-176.
3. Bài viết: “ Những hiểu biết mới về nhóm máu hệ hồng cầu và ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong nghiên cứu kháng nguyên nhóm máu hệ hồng cầu.
http:/www.nihbt.org.vn/images/stories/tintuc/download/1cl-2006-ts._an.doc
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!