Tin tức

Những bệnh về tâm nhĩ thường gặp

Ngày 27/04/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Tim gồm có tâm nhĩ trái và phải. Chức năng của tâm nhĩ là nhận máu trong thì tâm thu, bơm máu vào tâm thất và bơm máu tăng cường trong thì cuối tâm trương. Dưới đây là một số bệnh tâm nhĩ thường gặp hướng dẫn phòng ngừa bệnh.

1. Một số bệnh lý về tâm nhĩ 

1.1. Rung nhĩ

- Khi bị bệnh, những xung điện học từ các vị trí khác nhau trong tâm nhĩ sẽ xuất phát tự do, không có tổ chức khiến cho tâm nhĩ không co bóp nhịp nhàng mà luôn trong trạng thái rung. Đây chính là nguyên nhân phổ biến dẫn đến đột quỵ não. 

Rung nhĩ có thể gây đột quỵ

Rung nhĩ có thể gây đột quỵ

- Các triệu chứng của bệnh rung nhĩ bao gồm: Tình trạng mệt mỏi thường xuyên, có hồi hộp, thở gấp, thường xuyên bị chóng mặt,... Có những trường hợp xuất hiện các biểu hiện bệnh rõ ràng nhưng cũng có những bệnh nhân không nhất thấy những vấn đề bất thường trong cơ thể. 

- Để chẩn đoán bệnh rung nhĩ, có thể áp dụng những phương pháp sau:

+ Bắt mạch cổ tay: Mạch đập không đều chính là dấu hiệu của bệnh rung nhĩ. Trong một số trường hợp xuất hiện cơn rung nhĩ kịch phát, xuất hiện tình trạng mạch đập không đều nhưng sau đó, mạch đập bình thường trở lại. 

+ Đo điện tim trong vòng 24 giờ. 

+ Siêu âm tim.

+ Ngoài những phương pháp chẩn đoán trên, người bệnh có thể được yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân, từ đó, bác sĩ sẽ có thêm căn cứ để lên phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh. 

1.2. Ngoại tâm thu nhĩ

Những tín hiệu điện bất thường từ một số vị trí trên tâm nhĩ khiến cho nhịp tim đến sớm hơn. Tình trạng này được gọi là ngoại tâm thu nhĩ. Ở những người có thể trạng khỏe mạnh, khi mắc căn bệnh này thường không có triệu chứng đặc biệt. Tuy nhiên ở những bệnh nhân lớn tuổi hoặc có bệnh lý về phổi, nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì tình trạng rối loạn nhịp tim thường trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh lạnh, bị hen phế quản hoặc sử dụng một số chất kích thích như cà phê, trà,...

Đánh trống ngực là biểu hiện thường gặp của bệnh

Đánh trống ngực là biểu hiện thường gặp của bệnh

Để xác định bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng như điện tim, holter điện tim, siêu âm tim, thăm dò điện sinh lý tim,...

Phần lớn các trường hợp ngoại tâm thu nhĩ không cần điều trị, trong trường hợp ngoại tâm thu nhĩ dày, tần số tim nhanh thì bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống rối loạn nhịp tim, đặc biệt phù hợp với các trường hợp bệnh nhân thường xuyên gặp phải tình trạng đánh trống ngực. Bên cạnh đó, cần điều trị theo nguyên nhân gây bệnh để mang lại hiệu quả tốt nhất. 

1.3. Thông liên nhĩ

Bệnh xảy ra khi vách phân chia 2 buồng tâm nhĩ có lỗ thông. Đây là bệnh bẩm sinh. Trong một số trường hợp có lỗ thông này có thể đóng lại khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp, lỗ thông liên nhĩ sẽ ngày càng lớn và gây ra những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh, đặc biệt là những tổn thương nghiêm trọng ở tim và phổi. 

Nhiều người bệnh đã mắc thông liên nhĩ trong nhiều năm nhưng không hề hay biết. Đến khi bệnh gây ra những triệu chứng nghiêm trọng như suy tim,... thì mới đi thăm khám và được chẩn đoán bệnh. 

Một số triệu chứng của bệnh có thể kể đến như cơ thể mệt mỏi, thở gấp, phù chân và bụng, đánh trống ngực,... Có nhiều phương pháp điều trị thông liên nhĩ như bít dù hoặc phẫu thuật giúp phòng ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh.

2. Phương pháp phòng ngừa các bệnh về tâm nhĩ

Các bệnh về tâm nhĩ và các bệnh tim mạch nói chung đều nguy hiểm. Tuy nhiên, phát hiện kịp thời và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh tốt hơn và phòng ngừa nguy cơ biến chứng. Dưới đây là một số cách phòng ngừa bệnh: 

- Kiểm soát tốt lượng cholesterol trong máu và duy trì một chế độ ăn lành mạnh

Cholesterol trong máu tăng cao là nguyên nhân khiến lòng động mạch hẹp lại và làm cản trở lượng máu đến tim cùng với một số cơ quan khác, từ đó làm tăng nguy cơ biến chứng, phổ biến nhất là tình trạng nhồi máu cơ tim. Chính vì thế, cần kiểm soát tốt lượng cholesterol trong máu bằng cách duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Nên ăn đa dạng thực phẩm, ưu tiên các thực phẩm như rau củ, trái cây và các loại dầu thực vật. Đồng thời hạn chế ăn mỡ động vật, những thực phẩm chế biến sẵn, chất ngọt,...

Áp dụng chế độ ăn khoa học để phòng bệnh tim mạch

Áp dụng chế độ ăn khoa học để phòng bệnh tim mạch

- Thường xuyên theo dõi huyết áp để kiểm soát tốt huyết áp. Nếu đang có bệnh về huyết áp thì cần tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ. 

- Không hút thuốc lá: Các chất độc hại trong khói thuốc lá chính là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó bao gồm các bệnh về tim mạch. Khi hút thuốc trong một thời gian dài, một số chất độc hại trong khói thuốc có thể khiến cho các mạch máu tổn thương, tim đập nhanh, tăng huyết áp,... Do đó loại bỏ thuốc lá chính là cách phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả. 

- Giảm cân, duy trì vóc dáng cân đối: Khi bị thừa cân, béo phì, tim của người bệnh sẽ cần làm việc nhiều hơn bình thường để nuôi một lượng tế bào lớn trong cơ thể. Do đó trái tim dễ bị suy yếu. Hơn nữa, lượng mỡ bao quanh tim nhiều khiến tim khó co bóp. Mỡ cũng là nguyên nhân gây tắc và hẹp mạch vành, cản trở quá trình lưu thông máu,... làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Tập luyện thường xuyên để trái tim luôn khỏe mạnh

Tập luyện thường xuyên để trái tim luôn khỏe mạnh

- Luyện tập thể dục hàng ngày cũng là cách giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, cần lựa chọn những bài tập phù hợp với thể trạng sức khỏe. 

- Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng: Nếu bạn làm việc quá sức, thường xuyên thức khuya, ngủ quá ít, gặp nhiều căng thẳng,... sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch. Ngược lại, cơ thể lúc nào cũng được nghỉ ngơi đầy đủ và trong trạng thái vui vẻ, tích cực,... chính là yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. 

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bất thường hoặc có những điều chỉnh về lối sống, thói quen ăn uống, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. 

Hiện nay, Chuyên khoa Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một địa chỉ đáng tin cậy trong thăm khám các bệnh lý về tim mạch. Quý khách có nhu cầu thăm khám bệnh, vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.