Tin tức

Những dấu hiệu đục thủy tinh thể do tiểu đường điển hình nhất

Ngày 19/05/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Tiểu đường xảy khi khi nồng độ glucose trong máu vượt cao hơn mức tiêu chuẩn, gây ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có mắt. Tiểu đường có thể gây ra biến chứng đục thủy tinh thể, ảnh hưởng đến thị lực cũng như sinh hoạt của người bệnh. Phát hiện sớm dấu hiệu đục thủy tinh thể do tiểu đường giúp người bệnh chủ động hơn trong phát hiện và điều trị bệnh. 

1. Tại sao tiểu đường gây biến chứng đục thủy tinh thể?

Bệnh nhân tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường lâu năm được khuyến cáo nên đi khám mắt thường xuyên, tốt nhất nên thực hiện như một phần của khám đánh giá biến chứng bệnh tiểu đường hàng năm. Nguyên nhân do tiểu đường dễ gây biến chứng tổn thương mắt, trong đó có đục thủy tinh thể ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.

Dấu hiệu đục thủy tinh thể do tiểu đường

Tiểu đường có thể gây biến chứng đục thủy tinh thể

1.1. Bệnh đục thủy tinh thể là gì?

Bệnh đục thủy tinh thể là hiện tượng thủy tinh mờ trong suốt bị mờ dẫn đến thị lực suy giảm. Trong cấu tạo của mắt, thủy tinh thể nằm phía sau tròng đen và đồng tử, nó trong suốt và giữ vai trò như ống kính máy ảnh.

Hình ảnh mà mắt thu nhận được được tập trung vào võng mạc phía sau mắt, sau đó mới được truyền tín hiệu cho não bộ. Thủy tinh thể hoạt động như một thấy kính nhằm điều chỉnh độ hội tụ của mắt, thấu kính hội tụ này rất linh hoạt giúp chúng ta nhìn rõ mọi vật kể cả xa gần trong cùng một thời điểm.

Cấu tạo của thủy tinh thể là nước và protein với cấu trúc khá phức tạp để đảm bảo sự trong suốt và truyền ánh sáng hoàn hảo. Tuy nhiên, do yếu tố nào đó khiến protein của thủy tinh thể kết cụm vào nhau gây mờ khu vực nhỏ, ánh sáng không được truyền và hội tụ hoàn toàn nữa. Theo thời gian, kích thước vùng đục thủy tinh thể lớn dần, khả năng nhìn càng bị cản trở.

Đục thủy tinh thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thị lực

Đục thủy tinh thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thị lực

1.2. Tại sao tiểu đường gây đục thủy tinh thể?

Bệnh tiểu đường gây ra do tăng nồng độ glucose máu làm glucose khuếch tán vào thủy tinh thể. Một phần glucose được enzyme Aldose Reductase chuyển thành sorbitol. Sorbitol không được chuyển hóa mà tích lũy lại trong thủy tinh thể và ngấm vào các sợi thể thủy tinh gây xơ hóa và đục thủy tinh thể. 

Ngoài ra sorbitol còn gây ra rối loạn áp lực thẩm thấu, làm tăng ngấm nước vào sợi thủy tinh thể. Quá trình polyol cũng gây ra các stress oxy hóa làm giải phóng nhiều gốc tự do gây tổn thương cho sợi thủy tinh thể. Ngoài ra nồng độ sorbitol cao trong nội bào của tế bào biểu mô thủy tinh thể sẽ gây tăng tốc độ chết theo chương trình của các tế bào này.

Nồng độ glucose trong thủy dịch cao gây glycat hóa các protein trong thủy tinh thể tạo ra các sản phẩm độc với thủy tinh thể. Các quá trình phức tạp trên phối hợp gây ra đục thủy tinh thể ở bệnh nhân đái tháo đường.

Không có cách nào khắc phục đục thủy tinh thể, theo thời gian chúng sẽ lớn dần và chỉ có thể thay thế bằng thủy tinh thể khác mới giúp phục hồi hoàn toàn thị lực cho người bệnh. Ngoài ra, đục thủy tinh thể cũng là bệnh lý tuổi già, dấu hiệu của lão hóa song ở người bệnh tiểu đường, bệnh thường xảy ra sớm hơn và phát triển nhanh hơn.

Ngoài ra, những nguyên nhân khác cũng thúc đẩy bệnh đục thủy tinh thể xảy ra sớm hơn và nặng hơn như:

  • Tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài.

  • Lạm dụng rượu bia.

  • Hút thuốc lá

2. Dấu hiệu đục thủy tinh thể do tiểu đường dễ nhận biết

Đặc điểm biến chứng đục thủy tinh thể từ bệnh tiểu đường là phát triển khá chậm, ban đầu bệnh nhân thường không thấy sự thay đổi nào về thị giác. Theo thời gian, khi tổn thương tăng dần, đục thủy tinh thể sẽ cản trở tầm nhìn, khiến thị lực kém dần.

Đục thủy tinh thể ban đầu chỉ gây hiện tượng nhìn mờ

Đục thủy tinh thể ban đầu chỉ gây hiện tượng nhìn mờ

Triệu chứng xuất hiện đầu tiên do đục thủy tinh thể biến chứng của tiểu đường là hiện tượng mắt mờ, điều này cho thấy đục thủy tinh thể xuất hiện một phần nhỏ trong thủy tinh thể. Dần dần khi khối đục thủy tinh thể này lớn lên, che mờ thủy tinh thể và gây biến dạng ánh sáng, triệu chứng suy giảm thị lực sẽ trở nên rất rõ ràng.

  • Mắt nhìn nhòe.

  • Tầm nhìn bị cản trở, có cảm giác như xuất hiện lớp màng mờ trước mắt hoặc như bị phủ sương mù.

  • Khi nhìn các tia sáng thấy quầng sáng tròn xung quanh bất thường.

  • Khi nhìn ánh sáng chói bị lóa mắt.

  • Xuất hiện những đốm nhỏ trước mắt.

  • Hình ảnh xung quanh khi nhìn đều chuyển sang màu vàng.

Thị lực càng suy giảm chứng tỏ đục thủy tinh thể càng nghiêm trọng, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt để kiểm soát tiến triển bệnh. Nhiều trường hợp đục thủy tinh thể gây mất hoàn toàn thị lực, bệnh nhân cần phẫu thuật ghép thủy tinh thể mới có thể lấy lại thị lực. 

3. Điều trị và phòng ngừa đục thủy tinh thể biến chứng của tiểu đường

Nếu đục thủy tinh thể biến chứng từ tiểu đường ở mức độ bệnh nhẹ, các biện pháp phòng ngừa và điều trị giúp phục hồi thị lực và làm chậm diễn biến bệnh. Nhưng nếu đục thủy tinh thể nặng, việc điều trị phức tạp và nguy cơ biến chứng cao hơn.

3.1. Điều trị đục thủy tinh thể từ tiểu đường

Khi bệnh đục thủy tinh thể còn nhẹ, thị lực chưa bị ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng nhẹ, lúc này bệnh nhân phải đeo kính thường xuyên với mắt kính chống chói. Việc này giúp hạn chế ánh sáng và tác động từ môi trường khiến đục thủy tinh thể phát triển nhanh hơn.

Kiểm soát đường huyết giúp phòng ngừa biến chứng đục thủy tinh thể

Kiểm soát đường huyết giúp phòng ngừa biến chứng đục thủy tinh thể

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần đồng thời điều trị và kiểm soát bệnh tiểu đường. Hãy trao đổi với bác sĩ để lựa chọn thuốc điều trị tiểu đường thích hợp không gây ảnh hưởng đến mắt và không khiến bệnh đục thủy tinh thể trở nên trầm trọng hơn.

Khi đục thủy tinh thể đã nghiêm trọng, tầm nhìn bị ảnh hưởng thì bệnh nhân bắt buộc phải ghép thủy tinh thể mới thay thế. Tuy nhiên ở bệnh nhân tiểu đường, sau khi cắt bỏ đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc tiểu đường và tăng nhãn áp có thể phát triển nên cần thường xuyên theo dõi và phòng ngừa.

Hiện nay, phẫu thuật đục thủy tinh thể khá an toàn và nhanh chóng, bệnh nhân có thể thực hiện trong ngày và phục hồi trong một thời gian ngắn trước khi có lại thị lực hoàn toàn. Song nếu bệnh tiểu đường không được kiểm soát cũng như chăm sóc mắt không tốt, đục thủy tinh thể vẫn có thể tái phát.

3.2. Phòng ngừa và kiểm soát đục thủy tinh thể

Ở bệnh nhân tiểu đường chưa biến chứng đục thủy tinh thể hoặc đã biến chứng nhẹ, cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Kiểm soát bệnh tiểu đường: Theo thống kê, những người kiểm soát tốt được lượng đường trong máu làm giảm nguy cơ biến chứng đục thủy tinh thể đến 60%.

Đeo kính bảo vệ mắt giúp hạn chế tổn thương gây đục thủy tinh thể

Đeo kính bảo vệ mắt giúp hạn chế tổn thương gây đục thủy tinh thể

  • Giảm uống rượu và hút thuốc lá.

  • Bảo vệ mắt bằng kính mát ngăn chặn tia cực tím khi phải ra ngoài trời, đồng thời hạn chế nhìn trực tiếp vào mặt trời.

  • Kiểm tra mắt thường xuyên để phát hiện sớm đục thủy tinh thể cũng như các bệnh lý ở mắt khác.

  • Duy trì cân nặng lành mạnh.

  • Chế độ ăn lành mạnh, đủ dinh dưỡng, ưu tiên các loại rau củ quả giàu Vitamin và chất chống oxy hóa.

Nhận biết sớm dấu hiệu đục thủy tinh thể do tiểu đường là rất cần thiết để kịp thời điều trị và kiểm soát, tránh ảnh hưởng lâu dài đến thị lực.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ