Tin tức

Những dấu hiệu nhận biết thiếu máu bạn không nên bỏ qua

Ngày 17/06/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Tình trạng thiếu máu có thể gặp ở nhiều đối tượng, do nhiều nguyên nhân gây ra và mức độ bệnh ở mỗi người cũng khác nhau. Một số bệnh nhân chỉ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý đã có thể cải thiện sức khỏe rất đáng kể. Tuy nhiên, trường hợp thiếu máu xuất phát từ một số bệnh lý mà không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết thiếu máu mà chúng ta không nên bỏ qua để thăm khám và điều trị bệnh kịp thời.

1. Những nguyên nhân gây thiếu máu

Thiếu máu là tình trạng lượng huyết sắc tố và số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi bị giảm và khiến cho không đủ oxy cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể. Trong đó, hiện tượng giảm huyết sắc tố có ý nghĩa quan trọng nhất. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây thiếu máu:

Dấu hiệu nhận biết thiếu máu

Đau đầu do thiếu máu

Thiếu máu do mất máu:

Thường gặp ở các trường hợp:

  • Bệnh nhân mắc phải một số bệnh về đường tiêu hóa có thể kể đến như trĩ, bệnh viêm loét dạ dày, bệnh ung thư,…

  • Chấn thương

  • Vỡ mạch máu

  • Sau sinh con

  • Sau phẫu thuật

  • Lượng kinh nguyệt quá nhiều cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến thiếu máu.

Thiếu máu do sản xuất tế bào hồng cầu giảm hay bị lỗi:

Đây là những trường hợp cơ thể không tạo đủ tế bào máu hay cũng có thể do tế bào máu không hoạt động đúng chức năng dẫn đến thiếu máu. Cụ thể như sau:

Các vấn đề về tủy xương và tế bào gốc: Một số thế bào gốc trong tủy xương sẽ phát triển trở thành tế bào hồng cầu. Nhưng vì nhiều lý do dẫn tới tình trạng không đủ tế bào gốc hoặc có đủ tế bào gốc nhưng chúng lại hoạt động không bình thường thì có thể gây ra thiếu máu. Một số trường hợp có thể gặp như bệnh nhân đang điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, hóa trị khiến tủy xương bị tổn thương, các trường hợp nhiễm độc chì do làm việc ở môi trường ô nhiễm, những bệnh nhân mắc thalassemia,…

Thiếu sắt cũng là một nguyên nhân gây thiếu máu

Thiếu sắt cũng là một nguyên nhân gây thiếu máu

Thiếu máu do thiếu sắt: Đây là tình trạng cơ thể không có đủ sắt để giúp tủy xương tạo ra huyết sắc tố. Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt khá phổ biến, thường gặp ở nhiều ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, người ăn kiêng, ăn chay, phụ nữ mang thai và đang cho con bú, phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt,…

Thiếu máu do thiếu vitamin: Vitamin B12 và folate rất cần thiết cho cơ thể trong việc tạo ra những tế bào hồng cầu. Vì thế, nếu bạn không bổ sung vitamin B12 và Folate trong những bữa ăn hằng ngày, thì cơ thể rất dễ xảy ra tình trạng thiếu máu.

Thiếu máu do sự phá hủy các tế bào máu hồng cầu

Những tế bào hồng cầu bị phá vỡ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu máu. Một số nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể kể đến như:

  • Bệnh lupus ban đỏ.

  • Một số bệnh di truyền như hồng cầu hình liềm, thalassemia, xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối.

  • Những trường hợp lách to cũng là nguyên nhân khiến cho các tế bào hồng cầu bị phá hủy sớm.

  • Những trường hợp bị nhiễm trùng, bị rắn độc cắn, hay ăn phải một số thực phẩm có chứa độc tố,…

  • Người mắc bệnh gan, thận.

Bệnh nhân phải ghép mạch máu, các trường hợp van tim nhân tạo, bệnh nhân có khối u, các trường hợp bị bỏng nặng, bệnh nhân tăng huyết áp nặng hay bị rối loạn đông máu.

2. Những dấu hiệu nhận biết thiếu máu

Để phát hiện chính xác tình trạng thiếu máu, bệnh nhân cần thực hiện một số xét nghiệm do bác sĩ chỉ định. Phát hiện sớm thì hiệu quả điều trị sẽ cao hơn và phòng tránh các biến chứng tốt hơn. Chính vì thế, nếu phát hiện một số dấu hiệu nhận biết thiếu máu dưới đây, bạn cần đi khám kịp thời:

Người mệt mỏi, da xanh xao vì thiếu máu

Người mệt mỏi, da xanh xao vì thiếu máu

- Một số triệu chứng cơ năng:

Thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt, ù tai hoặc có thể bị khi gắng sức hoặc thay đổi tư thế. Một số trường hợp thiếu máu nặng có thể bị ngất.

Bệnh nhân hay bị đau đầu, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, tính tình bất thường, dễ nổi cáu vô cớ, sức lao động kém (cả về trí óc và chân tay).

Xảy ra tình trạng đánh trống ngực, tim đập nhanh hơn, bệnh nhân có thể khó thở, đau tim do thiếu máu cơ tim.

Người bệnh thường xuyên cảm thấy chán ăn, đầy bụng, có thể bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa như bị táo bón hoặc tiêu chảy.

- Một số triệu chứng thực thể:

Da bệnh nhân xanh xao hoặc có thể vàng da do thiếu máu huyết tán, hay sạm da do tình trạng rối loạn chuyển hóa sắt. Đây là một dấu hiệu nhận biết thiếu máu mà bản thân người bệnh hoặc ngay cả người đối diện cũng rất dễ phát hiện.

Lưỡi: Có màu nhợt nhạt nếu là thiếu máu huyết tán, lưỡi bự bẩn nếu thiếu máu do nhiễm khuẩn, hay một số tình trạng lưỡi đỏ và dày là do thiếu máu Biermer,…

Bệnh nhân thấy rõ tình trạng tóc rụng nhiều, móng tay dễ gãy, chân móng bẹt hoặc lõm, …

3. Những biến chứng của tình trạng thiếu máu

Nếu thiếu máu nhẹ, bạn cũng không cần quá lo ngại. Tình trạng này sẽ được cải thiện nếu bạn điều chỉnh chế độ ăn nhiều chất dinh dưỡng hơn, đặc biệt là tăng cường đủ sắt và vitamin cần thiết. Nhưng đối với các trường hợp thiếu máu do bệnh lý, bạn tuyệt đối không nên chủ quan. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh thiếu máu sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Chẳng hạn như:

- Cơ thể suy nhược nghiêm trọng: Người bệnh thường xuyên bị mệt mỏi, uể oải ngay cả khi làm những công việc bình thường trong sinh hoạt hàng ngày.

Nếu có dấu hiệu thiếu máu nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời

Nếu có dấu hiệu thiếu máu nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời

- Ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của phụ nữ khi mang thai. Đặc biệt, bị thiếu máu trong thai kỳ, rất dễ xảy ra tình trạng sinh non.

- Gây ra những bất thường về tim: Thiếu máu dẫn tới rối loạn nhịp tim khiến tim phải bơm máu nhiều hơn và nếu không can thiệp kịp thời rất dễ xảy ra suy tim, vô cùng nguy hiểm.

- Nguy cơ tử vong cao: Những trường hợp thiếu máu di truyền nếu không điều trị sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, khiến cơ thể thiếu một lượng máu lớn, khi kéo dài sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Chính vì những lý do trên, khi phát hiện dấu hiệu nhận biết thiếu máu chúng ta cần đi khám sớm để phòng ngừa biến chứng. Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là sắt để cải thiện sức khỏe.

Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, chúng tôi có triển khai dịch vụ xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt để đáp ứng nhu cầu của quý khách hàng. Đặc biệt, những khách hàng bận rộn cũng không cần quá lo lắng, dịch vụ xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt tại nhà sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian, không cần đến trực tiếp bệnh viện với mức chi phí vô cùng hợp lý.

Đường dây nóng 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.